Luật pháp Mỹ ngăn cản tổng thống tự ý đưa nước này rời khỏi NATO, nhưng quốc hội khó có khả năng thực thi điều khoản này. Trong khi đó, ông Trump có thể giảm mức độ cam kết của Mỹ với NATO, tạo điều kiện cho việc rút lui một cách gián tiếp.
Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên với truyền thông sau cuộc bầu cử, Tổng thống đắc cử Donald Trump ngày 8/12 nhấn mạnh rằng Mỹ có thể xem xét rời khỏi NATO nếu các quốc gia thành viên không chia sẻ gánh nặng chi tiêu quốc phòng một cách công bằng.
Cảnh báo này không phải lần đầu ông Trump đưa ra, khi ông từng nêu ý kiến tương tự trong nhiệm kỳ đầu, gây lo ngại cho các nước đồng minh NATO. Để đối phó nguy cơ, vào tháng 12/2023, quốc hội Mỹ đã thông qua luật nhằm hạn chế quyền hạn của tổng thống trong việc quyết định các vấn đề liên quan đến NATO.
Theo quy định của Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) được thông qua vào thời điểm đó, tổng thống chỉ có thể đưa Mỹ rời khỏi NATO nếu nhận được sự chấp thuận của ít nhất 2/3 số thượng nghị sĩ tại Thượng viện hoặc dựa trên một đạo luật được quốc hội phê chuẩn. Biện pháp này được đưa ra bởi hai thượng nghị sĩ Tim Kaine từ đảng Dân chủ và Marco Rubio thuộc đảng Cộng hòa.
Tuy nhiên, Scott Anderson, chuyên gia tại Viện Brookings có trụ sở ở Washington, lưu ý rằng đạo luật này không phải là một rào cản hoàn toàn hiệu quả để ngăn cản ông Trump đưa Mỹ rời khỏi NATO, nếu tổng thống thứ 47 quyết tâm thực hiện ý định này.
“Luật không trực tiếp cấm tổng thống Mỹ ra lệnh rút khỏi NATO, mà chỉ mang tính khuyến cáo, cảnh báo rằng một hành động như vậy có thể dẫn đến việc tổng thống đối mặt với các tranh chấp pháp lý,” ông Anderson nhận định.
Curtis Bradley, giáo sư tại Trường Luật thuộc Đại học Chicago, đặt câu hỏi liệu quốc hội Mỹ có đủ căn cứ để thực hiện biện pháp pháp lý nếu ông Trump đơn thuần tuyên bố rằng “Mỹ đang rút khỏi NATO” hay không.
Tòa án Tối cao thường quan niệm rằng các mâu thuẫn giữa các nhánh quyền lực thuộc phạm trù chính trị, và phương án xử lý phù hợp nhất là thông qua quy trình chính trị thay vì can thiệp từ phía tư pháp.
“Để một vụ kiện được thụ lý, cần phải xác định được nguyên đơn,” Bradley cho biết. “Theo tôi, quốc hội là bên duy nhất có khả năng khởi kiện, nhưng vẫn chưa rõ liệu phe Cộng hòa tại lưỡng viện có sẵn sàng ủng hộ một động thái như vậy hay không.”
Sau cuộc bầu cử tháng 11, đảng Cộng hòa sẽ nắm quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện trong quốc hội khóa mới, làm giảm khả năng thực hiện bất kỳ hành động pháp lý nào nhằm chống lại ông Trump.
Ngay cả khi vụ kiện được đưa ra, Tòa án Tối cao có thể gặp khó khăn trong việc đưa ra phán quyết rõ ràng, do nhiều vấn đề liên quan đến Hiến pháp Mỹ vẫn mang tính chất mơ hồ. Thêm vào đó, quốc hội chưa từng khởi kiện tổng thống trực tiếp về việc rút Mỹ khỏi một hiệp ước nào trước đây.
Theo quy định của NATO, một quốc gia muốn rời khỏi liên minh phải nộp “thông báo bãi ước” để thông báo ý định với các thành viên còn lại. Sau khi thông báo, quốc gia này cần chờ một năm trước khi chính thức mất tư cách thành viên.
Tuy nhiên, vì NATO dựa trên sự tin cậy giữa các thành viên, việc nộp “thông báo bãi ước” trên thực tế không khác gì hành động rời khỏi liên minh, Camille Grand, cựu trợ lý tổng thư ký NATO, chia sẻ với Politico. “Đó là cách nói rằng ‘tôi không còn ràng buộc bởi cam kết nữa’’
Ông Trump có thể làm suy yếu NATO mà không cần chính thức tuyên bố rút Mỹ khỏi liên minh. “Ông ấy có thể giảm mức độ tương tác với NATO bằng nhiều cách khác nhau,” Alexander Vershbow, nhà nghiên cứu tại Viện chính sách Hội đồng Đại Tây Dương có trụ sở tại Washington, nóói.
Ông Vershbow cũng đưa ra một số kịch bản mà Mỹ có thể “âm thầm xa rời” NATO, chẳng hạn như rút lực lượng đồn trú khỏi châu Âu, ngừng tham gia các nhiệm vụ chung của khối, hoặc thu hồi hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đang được triển khai tại khu vực này.
Các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ từng cảnh báo rằng ông Trump có thể thực hiện các hành động như từ chối viện trợ, rút đại sứ Mỹ tại NATO, hoặc không tham gia các cuộc tập trận chung, nhằm cắt đứt quan hệ với liên minh mà không cần tuyên bố rút khỏi khối.
Vào tháng 2, một số nghị sĩ đã đề xuất quốc hội Mỹ triển khai thêm các biện pháp để ngăn chặn kịch bản này, nhưng đến nay, vẫn chưa có bất kỳ kết quả cụ thể nào được đưa ra.
Trong khi các ý kiến phản đối cho rằng những tuyên bố cứng rắn của ông Trump đang làm suy yếu NATO, một số nghị sĩ Cộng hòa lại đánh giá đây là chiến thuật gây áp lực hiệu quả, thúc đẩy các thành viên tăng cường chi tiêu quốc phòng.
Thực tế đã cho thấy hiệu quả của cách tiếp cận này. Sau các lời cảnh báo trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, NATO cho biết 23 trên tổng số 32 quốc gia thành viên sẽ đạt mục tiêu dành tối thiểu 2% GDP cho quốc phòng, con số cao kỷ lục. Ngược lại, vào năm 2014, chỉ có ba nước là Mỹ, Anh và Hy Lạp đáp ứng được mức chi tiêu này.
Barry R. Posen, giáo sư khoa học chính trị quốc tế tại Học viện Công nghệ Massachusetts, nhận định rằng các thành viên NATO cần tăng cường hoạt động ngoại giao để thay đổi quan điểm của ông Trump, đồng thời nhanh chóng bổ sung thêm nguồn lực cho quốc phòng nếu muốn bảo vệ liên minh.
Cựu tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen chia sẻ: “Mỹ đã ban hành luật yêu cầu sự chấp thuận của quốc hội trước khi tổng thống có thể đưa nước này rời khỏi NATO. Trong các cuộc gặp tại quốc hội Mỹ, tôi cảm nhận rõ ràng sự ủng hộ mạnh mẽ từ cả hai đảng dành cho việc duy trì tư cách thành viên NATO. Tổng thống có thể gây khó khăn cho NATO, nhưng để Mỹ thực sự rời khỏi NATO? Điều đó khó xảy ra.”
Charles Kupchan, chuyên gia tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, một viện nghiên cứu chính sách đặt trụ sở tại Washington, cũng chia sẻ quan điểm tương tự.
“Dù đưa ra nhiều lời đe dọa, tôi không tin ông Trump sẽ thực sự đưa Mỹ rời khỏi NATO. Ông ấy có lẽ không muốn để lại dấu ấn trong lịch sử với tư cách là tổng thống Mỹ khiến liên minh quân sự lớn nhất phương Tây tan rã,” Kupchan nhận định trong cuộc phỏng vấn với Newsweek.