Dù gia nhập muộn, Elon Musk vẫn chứng minh rằng sức mạnh tài chính của một tỷ phú có khả năng mang đến “diễn biến bất ngờ” trong tháng 10 cho cuộc bầu cử tổng thống năm nay.
Elon Musk không phải là người tiên phong trong việc thành lập các ủy ban hành động chính trị (PAC) với các khoản đầu tư trị giá hàng trăm triệu đô la hoặc xây dựng quan hệ thân thiết với các ứng viên tổng thống. Tuy vậy, chưa từng có tỷ phú Mỹ nào dấn sâu vào lĩnh vực chính trị như cách ông trùm công nghệ này hiện đang thực hiện.
Theo các nhà quan sát, Musk có thể tạo nên một “bất ngờ tháng 10” trong kỳ bầu cử này thông qua các khoản tài trợ lớn, sức hút truyền thông mạnh mẽ và những nỗ lực vận động không ngừng cho cựu Tổng thống Donald Trump. “Bất ngờ tháng 10” là hiệu ứng xuất hiện ngay trước thời điểm bầu cử Mỹ, có khả năng tác động đến cục diện của các ứng viên trong cuộc đua vào Nhà Trắng.
Gần đây, Elon Musk gây chú ý khi cùng siêu ủy ban America PAC tổ chức chương trình trao thưởng trị giá 1 triệu USD cho cử tri tại các bang chiến trường. Chương trình này đã gây tranh cãi mạnh mẽ, đến mức công tố viên Larry Krasner tại bang Pennsylvania đã khởi kiện, cho rằng đây là một hình thức “xổ số bất hợp pháp” nhằm tác động đến quyết định của cử tri ngay trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ.
Musk từng chia sẻ trên mạng X rằng “chẳng ai có ý định ám sát Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris,” sau sự cố Trump suýt bị tấn công khi đang chơi golf ở Florida. Phát biểu này đã nhận được phản ứng gay gắt từ công chúng.
Trump thậm chí đã cam kết sẽ bổ nhiệm vị tỷ phú này làm người đứng đầu Bộ Hiệu suất Chính phủ (DOGE), cơ quan có nhiệm vụ giám sát hoạt động hiệu quả của chính phủ Mỹ. Nhiều người đã liên tưởng tên viết tắt của cơ quan này với đồng tiền kỹ thuật số Dogecoin, vốn là một chủ đề Musk đặc biệt quan tâm.
Thay vì giữ vai trò hậu trường, Musk đã nổi bật như một gương mặt tích cực hỗ trợ cho ông Trump trong giai đoạn cuối của cuộc đua vào Nhà Trắng. Tỷ phú này thường xuyên tham gia các sự kiện vận động của Trump, đặc biệt tại bang chiến trường Pennsylvania, và xuất hiện trong các quảng cáo nhằm vào ứng viên Harris.
America PAC, nhóm mà Musk đã đầu tư hơn 100 triệu USD, phối hợp chặt chẽ với chiến dịch của Trump, mặc dù vẫn duy trì tính độc lập về mặt pháp lý.
“Bạn đã sẵn sàng cùng Elon Musk và MAGA đen tham gia chưa?” là tiêu đề trong email gây quỹ từ đội ngũ của Trump vào tuần trước. Nội dung email đề cập rằng những người quyên góp 47 USD sẽ có cơ hội sở hữu một chiếc mũ MAGA màu đen có chữ ký, giống chiếc mà Musk đã đội khi xuất hiện cùng Trump trong các buổi vận động.
Trevor Potter, cựu chủ tịch Ủy ban Bầu cử Liên bang, nhận xét rằng Musk đang xây dựng một cỗ máy vận động cùng chiến dịch của Trump, dù phần tài sản lớn của ông xuất phát từ các hợp đồng với chính phủ và mối quan hệ kinh doanh chịu sự quản lý từ Nhà Trắng. Potter gọi điều này là chưa từng có tiền lệ.
Elon Musk từng phản đối Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 và đã rời khỏi hội đồng cố vấn của chính phủ vào năm 2017 sau khi Trump quyết định rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Chỉ hai năm trước đây, Trump từng công khai chỉ trích các sản phẩm của Tesla và SpaceX, cho rằng Musk sẽ “không có giá trị” nếu không được hưởng các khoản trợ cấp từ chính phủ.
Đầu năm nay, Musk vẫn tỏ ra dè dặt khi tham gia sâu vào chiến dịch tái tranh cử của Trump. Ông chia sẻ với một số nhà tài trợ lớn rằng một chiến thắng của Trump sẽ có lợi cho họ, tuy nhiên Musk cũng tỏ ra thận trọng, chưa vội cam kết đầu tư tài chính đáng kể vào chiến dịch của Trump.
“Musk không muốn trở thành gương mặt chính thức cho chiến dịch tái tranh cử của Trump. Ông ấy đang cố gắng hỗ trợ Trump mà vẫn giữ khoảng cách với chiến dịch,” một nguồn tin giấu tên từng cho biết về Musk vào đầu năm nay.
Tuy nhiên, hiện tại, cả hai đều dành cho nhau những lời khen ngợi. Các cố vấn của Trump xem Musk như một đồng minh chiến lược quan trọng. “Elon Musk là một lãnh đạo độc nhất trong ngành công nghiệp, và bộ máy hành chính cồng kềnh của chúng tôi chắc chắn có thể hưởng lợi từ những ý tưởng sáng tạo của ông ấy,” Karoline Leavitt, phát ngôn viên chiến dịch của Trump, nói.
Trump và Musk thường xuyên liên lạc qua điện thoại. Musk cũng đã gặp gỡ các thành viên trong nhóm chính trị cấp cao của cựu tổng thống, theo các cố vấn của Trump. Trong các cuộc trò chuyện, Musk và Trump thường trao đổi về những chủ đề như nhập cư, luật bầu cử và kiểm duyệt, phù hợp với quan điểm của ứng viên đảng Cộng hòa.
“Họ có thể liên lạc hàng ngày,” một người quen thuộc với Trump tiết lộ, bổ sung rằng cựu tổng thống rất ấn tượng với sự cam kết và khả năng thu hút sự chú ý của Musk.
Musk hiện là nhà tài trợ lớn thứ tư cho cuộc bầu cử tổng thống lần này, dù tham gia muộn. Theo hồ sơ chiến dịch, ông bắt đầu đóng góp cho America PAC từ đầu tháng 7 và chính thức công khai ủng hộ Trump sau vụ ám sát hụt diễn ra ở bang Pennsylvania vào ngày 13/7.
“Ông ấy tin rằng chiến thắng ở Pennsylvania sẽ là chìa khóa để Trump giành được chiếc ghế tổng thống. Musk nhìn nhận điều này như một thương vụ và hiểu rằng nếu Trump thất bại, ông ấy cũng sẽ gặp tổn thất. Đây là một vụ đặt cược lớn,” một cố vấn của Trump chia sẻ.
Musk cho rằng chiến thắng của Harris sẽ “hủy hoại chương trình Sao Hỏa và gây tổn thất lớn cho nhân loại”. Trong khi đó, Trump đã công khai ủng hộ kế hoạch đưa con người lên Sao Hỏa của Musk, nhấn mạnh rằng tỷ phú này tin mục tiêu có thể đạt được trong nhiệm kỳ tổng thống tới.
“Elon, hãy chuẩn bị sẵn sàng. Chúng ta nhất định sẽ đặt chân lên đó và hoàn thành mục tiêu nhanh chóng,” Trump tuyên bố trong cuộc mít tinh ngày 19/10.
Musk xem việc tham gia chính trị của mình là cách để chống lại các chính sách xã hội tự do, kiềm chế bộ máy chính phủ cồng kềnh và bảo vệ hiến pháp Mỹ. Theo nguồn tin nắm rõ sự việc, ông đã trao đổi với các quan chức trong đội ngũ chiến dịch và chuyển giao quyền lực của Trump về mong muốn tham gia xây dựng kế hoạch cắt giảm chi tiêu chính phủ.
Tại một cuộc mít tinh của Trump ở New York vào cuối tuần qua, Musk tuyên bố mục tiêu của mình là cắt giảm ít nhất 2 nghìn tỷ USD từ tổng ngân sách liên bang hàng năm 6,5 nghìn tỷ USD.
“Elon đúng là một người có tài năng. Các bạn có biết ông ấy mong muốn điều gì nhất không? Đó chính là việc giúp đất nước chúng ta hoạt động hiệu quả hơn bao giờ hết,” Trump chia sẻ tại sự kiện.
Theo ba nguồn tin từ chiến dịch của Trump, Musk dự kiến sẽ đảm nhận một vai trò hỗ trợ trong chính quyền, dù không trực tiếp tham gia vào bộ máy chính phủ để tránh tình huống phải rút vốn khỏi các công ty của mình.
America PAC là kênh chủ yếu để Musk tham gia vào chiến dịch tranh cử, đóng vai trò là một trong những tổ chức vận động độc lập hàng đầu tại các bang chiến trường và một số khu vực bầu cử quan trọng khác.
Ở các khu vực thiên về đảng Dân chủ tại các bang chiến trường, tặng bia, quà, tổ chức rút thăm trúng thưởng và các chương trình tuyển dụng để thu hút cử tri đã trở thành chiến thuật phổ biến. Tuy nhiên, Musk đã đưa ra một cách tiếp cận khác để thu hút sự chú ý của cử tri: tặng tiền trực tiếp cho những người ký vào các bản kiến nghị ủng hộ hiến pháp.
Ban đầu, Musk đề xuất thông qua America PAC để trả 47 USD cho mỗi cử tri ký tên vào kiến nghị tại 7 bang chiến trường gồm Wisconsin, Michigan, Pennsylvania, Bắc Carolina, Georgia, Arizona và Nevada. Sau đó, ông nâng mức hỗ trợ lên 100 USD cho mỗi cử tri đã đăng ký tại Pennsylvania và thêm 100 USD cho mỗi người họ giới thiệu tham gia. Hiện nay, mức thưởng cao nhất mà ông cam kết đã đạt đến một triệu USD.
Musk cũng tận dụng sức mạnh của mạng xã hội để tiếp cận số lượng lớn khán giả, nhờ tài khoản X với hơn 200 triệu người theo dõi. Theo công ty Huge Inc., số lượng bài đăng trung bình hàng tuần của Musk đã tăng gấp đôi từ năm 2023 đến 2024. Phân tích từ Washington Post cho thấy tỷ lệ các bài viết của ông tập trung vào các vấn đề chính trị đã tăng đáng kể trong những năm qua, từ 2% vào năm 2021 lên 20% vào tháng 9/2024 và 25% vào tháng 10.
Potter, cựu quan chức của Ủy ban Bầu cử Liên bang (FEC), nhận định rằng lần cuối cùng một doanh nhân giàu có tham gia nhiệt tình vào chiến dịch tranh cử như Musk là thời Henry Ford, người từng tranh cử vào Thượng viện Mỹ năm 1918 và là đồng minh nổi tiếng của cựu tổng thống Woodrow Wilson.
Potter cũng chia sẻ rằng trong mùa bầu cử năm 2012, ông từng được một phóng viên truyền hình Đức hỏi về vai trò của những “tài phiệt Mỹ” trong chính trị.
“Tôi đã giải thích với ông ấy rằng những người được nhắc đến khi ấy thực chất không phải là những tài phiệt đang nỗ lực chuyển hóa sức mạnh kinh tế thành quyền lực chính trị. Tuy nhiên, tôi nghĩ tình hình hiện tại đúng là như vậy. Sức mạnh tài chính đang được biến thành ảnh hưởng và quyền lực trên chính trường,” ông nhận xét.