Các đề xuất chính sách của cựu Tổng thống Mỹ được cho là sẽ hỗ trợ đồng USD tăng giá, nhưng có thể gây giảm tốc tăng trưởng GDP và hạn chế thương mại toàn cầu.
Ngày 5/11 tới, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra, với kết quả được dự báo khó đoán do cuộc cạnh tranh sít sao giữa hai ứng viên Donald Trump và Kamala Harris, theo các khảo sát toàn quốc gần đây.
Cả hai ứng viên đều cam kết thúc đẩy kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, bà Harris đặt mục tiêu đạt được điều này thông qua các cải cách vừa phải, như tăng ưu đãi thuế cho các gia đình có con nhỏ, nâng lương tối thiểu, mở rộng xây dựng nhà ở giá hợp lý, và khuyến khích cho vay đối với doanh nghiệp nhỏ.
Ngược lại, các chính sách mà ông Trump đề xuất được cho là mang tính quyết liệt hơn, bao gồm trục xuất một lượng lớn người nhập cư, áp thuế cao đối với hàng nhập khẩu và cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp cũng như người dân trong nước. Nếu ông tái đắc cử, những chính sách này có thể sẽ tác động đáng kể đến GDP, thương mại và tình hình tài chính toàn cầu.
Sự phát triển của kinh tế toàn cầu
Trong chiến dịch tranh cử, cựu Tổng thống Mỹ đã đề xuất mức thuế nhập khẩu từ 10-20% cho hàng hóa từ các quốc gia khác, và riêng hàng nhập từ Trung Quốc sẽ chịu mức thuế 60%. Đây là con số cao hơn rất nhiều so với mức thuế trung bình 2% hiện tại đối với hàng hóa phi nông nghiệp nhập khẩu vào Mỹ, theo thống kê của chính phủ.
“Từ mà tôi yêu thích nhất trong từ điển là ‘thuế nhập khẩu’,” Trump chia sẻ trong một buổi phỏng vấn với Bloomberg tuần trước tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago.
Phần lớn các nhà kinh tế không ủng hộ chính sách thuế nhập khẩu của Trump, vì cho rằng nó sẽ làm tăng lạm phát, tác động trực tiếp đến người tiêu dùng Mỹ và gây khó khăn cho các doanh nghiệp phụ thuộc vào nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian nhập khẩu để sản xuất. Trên phạm vi toàn cầu, mức thuế này có nguy cơ làm suy giảm tăng trưởng kinh tế và kích động các biện pháp trả đũa từ các đối tác thương mại.
Ngân hàng UBS dự báo rằng mức thuế 60% đối với hàng hóa nhập từ Trung Quốc và 10% từ các nước khác có thể làm giảm tăng trưởng toàn cầu xuống 1% vào năm 2026, tương đương với việc mất 30% tốc độ tăng trưởng GDP thế giới theo xu hướng hiện nay.
Lợi nhuận của các doanh nghiệp dự kiến sẽ giảm trung bình 6%, và các chỉ số chứng khoán toàn cầu cũng bị ảnh hưởng, đặc biệt là cổ phiếu tại châu Âu, Trung Quốc, và các thị trường mới nổi. UBS cảnh báo rằng điều này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các quỹ hưu trí và khoản tiết kiệm đầu tư của người dân.
Ngân hàng Hà Lan ABN AMRO nhận định kinh tế châu Âu có thể đối mặt với một cú sốc lớn. Nếu Mỹ tăng thuế 10% đối với tất cả các mặt hàng, tổn thất GDP của khu vực đồng euro có thể tương đương với cuộc khủng hoảng năng lượng sau xung đột Nga – Ukraine năm 2022. Báo cáo từ Viện Kinh tế IW (Đức) cho thấy nếu Trump áp thuế 20% lên hàng nhập khẩu từ EU và khối này đáp trả bằng thuế quan, GDP của eurozone có thể giảm 1,3% vào các năm 2027 và 2028.
Các ngành như máy móc, ô tô, và hóa chất sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nếu thuế nhập khẩu vào Mỹ tăng, vì những sản phẩm này chiếm 68% lượng hàng xuất khẩu của EU sang Mỹ trong năm ngoái. Đức, nền kinh tế lớn nhất châu Âu, sẽ bị tác động nhiều nhất, do phần lớn các sản phẩm trên đều xuất phát từ các doanh nghiệp Đức.
Trong báo cáo đầu tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo về nguy cơ sụt giảm GDP toàn cầu nếu thuế nhập khẩu tăng cao trên phạm vi quốc tế. IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong dài hạn có thể giảm tới 7%, tương đương với quy mô kinh tế của Đức và Nhật Bản cộng lại.
Theo báo cáo của Fitch vào giữa tháng 10, nhiệm kỳ thứ hai của Trump có thể làm giảm GDP của một số quốc gia châu Á, đặc biệt là Trung Quốc, Hàn Quốc và Việt Nam – những nước có tỷ trọng xuất khẩu lớn sang Mỹ. Trong kịch bản xấu nhất, Fitch dự báo GDP thực tế của ba quốc gia này có thể giảm ít nhất 1% so với dự báo hiện tại. Ấn Độ được cho là ít bị ảnh hưởng nhờ vào sự phụ thuộc thấp vào xuất khẩu.
Giới chức Trung Quốc thậm chí đã chuẩn bị cho kịch bản Trump tái đắc cử. Theo nguồn tin từ Reuters, Trung Quốc đang cân nhắc kế hoạch phát hành hơn 10.000 tỷ nhân dân tệ (1.400 tỷ USD) trái phiếu. Quy mô gói kích thích này có thể còn lớn hơn nếu Trump thắng cử, vì Bắc Kinh dự kiến sẽ đối mặt với những thách thức kinh tế lớn từ Mỹ.
“Nếu Trump thực hiện các chính sách đã đề xuất, không một ai có thể tránh khỏi ảnh hưởng tiêu cực,” Maurice Obstfeld, cựu kinh tế trưởng của IMF, chia sẻ trên CNN.
Sự suy giảm của thương mại tự do
Việc Trump áp dụng lập trường cứng rắn với các đồng minh như Nhật Bản, Pháp và Hàn Quốc đã làm dấy lên lo ngại về sự suy yếu trong thương mại toàn cầu. Yếu tố cạnh tranh động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế suốt nhiều thập kỷ đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Trong bốn thập kỷ qua, thương mại đã tăng tỷ trọng lên 50% trong GDP toàn cầu, thu nhập bình quân thực tế tăng gấp đôi và hơn một tỷ người đã thoát nghèo, theo phát biểu của Tổng giám đốc IMF, Kristalina Georgieva, vào đầu năm nay. Bà nhấn mạnh rằng, mặc dù không phải ai cũng được hưởng lợi từ thương mại, điều quan trọng là phải đảm bảo sự phân chia lợi ích một cách công bằng. Tuy nhiên, bà cảnh báo, việc đóng cửa nền kinh tế sẽ là một sai lầm lớn.
Cách tiếp cận của Trump đang biến “hệ thống thương mại toàn cầu thành một tập hợp các thỏa thuận song phương,” dẫn đến giảm sút hoạt động và lợi ích từ thương mại, đồng thời làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa các quốc gia, theo cảnh báo của cựu kinh tế trưởng IMF Maurice Obstfeld.
Petros Mavroidis, cố vấn pháp lý lâu năm của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), còn nhận định với góc nhìn ảm đạm hơn. Ông cho rằng “lịch sử cho thấy hòa bình khó đạt được khi thương mại bị chia cắt.” Ông nhấn mạnh sự cần thiết của kết nối toàn cầu về cả kinh tế và các lĩnh vực ngoài kinh tế.
Ông giải thích rằng nhiều quốc gia có thể sẽ áp dụng thuế trả đũa đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ và các nước khác nhằm bảo vệ thị trường nội địa trước lượng hàng hóa đáng lẽ được xuất khẩu sang Mỹ.
Vài tháng trước, EU đã tăng thuế đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Theo các nhà phân tích, động thái này phần nào nhằm hạn chế dòng xe điện từ Trung Quốc, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đã áp thuế trên 100% đối với ô tô điện của Trung Quốc.
“Chính sách bảo hộ thương mại có thể nhanh chóng tạo thành một vòng xoáy không hồi kết. Mỹ có thể là bên khởi xướng, nhưng động thái này thường được khuếch đại thêm bởi phản ứng từ các quốc gia khác,” André Sapir, thành viên cấp cao tại Viện nghiên cứu Bruegel (Bỉ), cho biết.
Đồng USD tăng mạnh
Chính sách tăng thuế nhập khẩu và giảm thuế nội địa của Trump có thể khiến đồng USD tăng giá, do lạm phát tại Mỹ có thể cao hơn, dẫn đến lãi suất tăng, làm cho USD trở nên hấp dẫn hơn so với các đồng tiền khác.
Jan Hatzius, kinh tế trưởng của Goldman Sachs, dự đoán rằng nếu châu Âu phải chịu mức thuế 10% cho hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ, đồng euro có thể mất giá 3% so với USD. Nghiên cứu từ ING cũng cho thấy các đồng tiền như đô la Úc, đô la New Zealand, peso Mexico, cùng nhiều loại tiền tệ châu Á khác sẽ biến động mạnh do tác động từ sự thay đổi trong chính sách thương mại.
Brad Bechtel, Giám đốc Ngoại hối tại Jefferies, dự báo rằng nhân dân tệ có thể mất giá tới 12% trong những tháng đầu nếu Trump trở lại Nhà Trắng và đảng Cộng hòa giành quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện Mỹ.
Sự độc lập của Cục Dự trữ Liên bang Fed
Các nhà phân tích cũng bày tỏ lo ngại về ý định của Trump nhằm tác động đến khả năng hoạt động độc lập của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
“Tôi nghĩ rằng, nếu là Tổng thống, tôi có quyền bày tỏ ý kiến như: ‘Theo tôi, các ông nên điều chỉnh lãi suất một chút’. Tôi không nghĩ mình có thể ra lệnh, nhưng tôi có quyền đưa ra quan điểm,” Trump phát biểu trong một cuộc phỏng vấn tại Economic Club of Chicago (Illinois) vào ngày 15/10.
Các nhà kinh tế và giới tài chính ở Wall Street vẫn theo dõi sát sao cách Trump có thể đối xử với Fed nếu ông tái đắc cử nhiệm kỳ hai. Hồi tháng 4, Wall Street Journal đưa tin rằng những người ủng hộ Trump đã đề xuất các biện pháp có thể làm giảm tính độc lập của Fed trong trường hợp Trump trở lại Nhà Trắng. Họ cho rằng Trump nên được tham khảo ý kiến về các quyết định lãi suất, và các quy định kiểm soát ngân hàng của Fed cũng cần có sự xem xét từ Nhà Trắng.
Chiến dịch của Trump chưa đưa ra phản hồi về thông tin này, nhưng các phát ngôn của ông cho thấy ông có vẻ ủng hộ những đề xuất trên.
Theo quy định pháp luật, Chủ tịch và sáu thành viên trong Hội đồng Thống đốc của Fed được Tổng thống đề cử và cần sự phê chuẩn của Thượng viện. Dù vậy, Fed vận hành độc lập với các chính trị gia, thực hiện những quyết định có tác động sâu rộng đến nền kinh tế Mỹ và thị trường toàn cầu.
Tính độc lập của Fed đã góp phần duy trì vị thế của USD là đồng tiền dự trữ hàng đầu thế giới, đồng thời cho phép chính phủ Mỹ vay vốn với lãi suất thấp thông qua phát hành trái phiếu. Vì thế, mọi nỗ lực làm suy yếu sự tự chủ của Fed đều có thể gây ra biến động cho thị trường tài chính toàn cầu và đe dọa vị trí thống trị của USD trong thương mại và dự trữ quốc tế.
“Nếu Fed bị kiểm soát bởi yếu tố chính trị, các quy tắc tài chính toàn cầu sẽ thay đổi,” Obstfeld nhận định, cho rằng đồng USD hiện không có đối thủ thay thế phù hợp và việc can thiệp vào Fed là “một chiến lược tồi tệ.”
Edward Alden, thành viên của tổ chức tư vấn CFR tại Washington, lại cho rằng Trump có thể không can thiệp vào tính độc lập của Fed do những rủi ro mà động thái này có thể gây ra cho nền kinh tế Mỹ. Tuy vậy, ông cảnh báo rằng các hành động của Trump trong nhiệm kỳ thứ hai có khả năng sẽ quyết liệt hơn nhiệm kỳ đầu.
“Trump sẽ ít chịu ràng buộc hơn và biết cách để đạt được điều mình muốn,” Alden kết luận.