Thung lũng Silicon đang thể hiện thiện chí với ông Trump, kỳ vọng hưởng lợi từ cam kết hỗ trợ phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) và lập trường cứng rắn trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.
“Chúc ông Donald Trump thành công trong việc lãnh đạo và đoàn kết đất nước mà tất cả chúng ta đều trân trọng,” Jeff Bezos, nhà sáng lập Amazon, gửi lời chúc mừng ngay sau kết quả cuộc bầu cử tuần trước. Ông không phải là lãnh đạo duy nhất trong ngành công nghệ lớn bày tỏ thiện chí với ông Trump.
Các CEO của những tập đoàn công nghệ hàng đầu như Google, Apple, Microsoft, và OpenAI cũng đồng loạt khẳng định sẵn sàng hợp tác với chính quyền mới, với mục tiêu thúc đẩy đổi mới công nghệ và củng cố vị thế lãnh đạo toàn cầu của Mỹ.
Tình hình này hoàn toàn khác so với năm 2016, khi chiến thắng đầu tiên của ông Trump gây bất ngờ lớn cho Thung lũng Silicon, nơi vốn có truyền thống ủng hộ đảng Dân chủ. Khi đó, nhiều CEO tỏ ra không hào hứng với lời mời từ Nhà Trắng. Đáng chú ý, một số nhóm vận động hành lang đại diện cho ngành công nghệ còn phản đối kế hoạch hạn chế cấp visa cho lao động nước ngoài một chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến các công ty trong lĩnh vực này.
Theo Le Monde, sự thay đổi thái độ của các tập đoàn công nghệ lớn xuất phát từ sự “thận trọng và thực tế” sau những kinh nghiệm từ nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump. Đây là giai đoạn mối quan hệ giữa Nhà Trắng và Thung lũng Silicon trở nên lạnh nhạt, hoàn toàn khác biệt so với sự ưu ái mà họ từng nhận được dưới thời cựu Tổng thống Obama.
Bên cạnh lý do trên, một yếu tố khác khiến các tập đoàn công nghệ tích cực chúc mừng chiến thắng của ông Trump lần này là cam kết hỗ trợ phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) công nghệ bùng nổ từ cuối năm 2022 với sự ra mắt của chatbot ChatGPT. “Ông ấy từng nói rằng AI rất đáng sợ, nhưng chúng ta nhất định phải dẫn đầu, nếu không Trung Quốc sẽ vượt lên,” hai nhà đầu tư mạo hiểm Marc Andreessen và Ben Horowitz chia sẻ về quan điểm của ông Trump vào tháng 7.
AI là một phần trong “thời kỳ hoàng kim mới” mà ông Trump đề cập tại Đại hội đảng Cộng hòa vào tháng 7. “AI sẽ cần lượng điện gấp đôi so với hiện nay. Bạn có thể hình dung điều đó không?” ông nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi tăng cường sản xuất năng lượng quy mô lớn. Thông điệp này đặc biệt thu hút sự chú ý của các công ty AI lớn, vốn đang nỗ lực đảm bảo nguồn điện ổn định cho các trung tâm dữ liệu. Gần đây, một dự án của Amazon thậm chí đã bị giới hạn công suất do tiêu thụ lượng điện quá lớn.
Ông Trump cũng bày tỏ quan điểm ủng hộ việc giảm bớt các quy định về trí tuệ nhân tạo, khẳng định rằng chương trình hành động của đảng Cộng hòa sẽ “bãi bỏ sắc lệnh hành pháp nguy hiểm của Joe Biden, vốn đang cản trở sự đổi mới trong lĩnh vực AI”.
Bên cạnh đó, các quy định về chống độc quyền và cạnh tranh có khả năng được nới lỏng để thu hút sự hợp tác từ các tập đoàn công nghệ lớn trong chiến lược đối đầu với Trung Quốc. Thực tế, các cuộc điều tra về lạm dụng vị thế thống lĩnh nhắm vào Google, Amazon, Meta và Apple đã được khởi xướng trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump. Tuy nhiên, Phó Tổng thống tương lai của ông, JD Vance, từng nhiều lần đề xuất chia tách các tập đoàn này. Dù vậy, Elon Musk một cố vấn thân cận của ông Trump đã dự đoán trên X rằng Lina Khan, Chủ tịch cơ quan chống độc quyền Mỹ, có thể sắp bị bãi nhiệm.
Vào giữa tháng 10, ông Trump dường như bác bỏ ý tưởng chia tách Google, nhấn mạnh: “Chúng ta cần các công ty lớn và không muốn để Trung Quốc kiểm soát chúng. Hiện tại, Trung Quốc đang lo ngại về Google,” ông giải thích. Một số ý kiến từ giới truyền thông cũng cho rằng Washington nên xem các tập đoàn công nghệ lớn như “vũ khí chiến lược” trong cuộc cạnh tranh với Trung Quốc.
Một lĩnh vực khác mà ông Trump có thể trở thành đồng minh của các công ty công nghệ Mỹ là trong cuộc đối đầu với Liên minh châu Âu (EU). Cũng trong tháng 10, ông tiết lộ rằng CEO Apple, Tim Cook, đã gọi điện trực tiếp để bày tỏ sự bất bình về các khoản tiền phạt lớn mà Apple phải chịu từ Brussels.
Tuy nhiên, theo Le Monde, ngành công nghệ và giới phân tích nên duy trì sự thận trọng, tránh đưa ra kết luận quá sớm về triển vọng của các tập đoàn lớn trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump từng gọi điện cho CEO Google, Sundar Pichai, để phàn nàn rằng công cụ tìm kiếm của Google không hiển thị đủ các tin tức tích cực và đe dọa sẽ yêu cầu Bộ Tư pháp tiến hành truy tố vì cáo buộc can thiệp bầu cử. Đồng thời, ông cũng cảnh báo sẽ xử lý nghiêm, thậm chí bỏ tù Mark Zuckerberg nếu Facebook có bất kỳ hành động nào bị coi là “bất hợp pháp” trong giai đoạn tranh cử.
Tổng thống đắc cử và cố vấn Elon Musk đều được biết đến với tính cách khó lường và đôi lúc bốc đồng. Cả hai thường xuyên chỉ trích các nền tảng và công ty AI lớn vì cho rằng họ tham gia vào hoạt động “kiểm duyệt” nội dung. Vào tháng 8, ông Trump cảnh báo “Google nên cẩn thận” trước khi tỏ ra ôn hòa hơn trong các phát biểu sau đó. Mark Weinstein, nhà sáng lập nền tảng mạng xã hội MeWe với trọng tâm là bảo vệ quyền riêng tư, nhận định rằng các nền tảng lớn có thể sẽ giảm bớt các biện pháp kiểm duyệt nội dung.
“Lịch sử cho thấy ông Trump luôn phản đối mạnh mẽ việc kiểm duyệt trực tuyến. Để tránh những hậu quả chính trị tiềm tàng, các mạng xã hội lớn có khả năng sẽ tiếp tục xu hướng cho phép nội dung tự do hơn đáng kể,” ông Weinstein nói.
Max von Thun, Giám đốc quan hệ đối tác châu Âu và xuyên Đại Tây Dương tại Viện Thị trường Mở ở Brussels, cho rằng chính quyền Trump có thể sẽ áp dụng chiến lược giám sát chọn lọc với các tập đoàn công nghệ. Theo ông, Google và Meta có thể tiếp tục chịu áp lực từ các quy định, trong khi những công ty duy trì quan hệ tích cực hoặc ngầm ủng hộ chính quyền, như X và Amazon, có thể tránh được sự giám sát.
Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden, Bộ Tư pháp Mỹ đã tiến hành các cuộc điều tra chống độc quyền đối với Amazon, Apple, Meta và Microsoft. Theo nhà đầu tư mạo hiểm kiêm chiến lược gia chính trị Bradley Tusk, chưa rõ liệu chính quyền Trump có tiếp tục chính sách này hay không, nhưng ông dự đoán rằng Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC), cơ quan chịu trách nhiệm về chống độc quyền, có thể sẽ chứng kiến “những thay đổi đáng kể”.
Ông cho rằng việc chống độc quyền đối với các tập đoàn công nghệ lớn là điểm chung hiếm hoi giữa phe cực tả và cực hữu, nên khả năng cao các vụ kiện nhắm vào Google, Meta và Amazon sẽ tiếp tục. Dù vậy, các tập đoàn công nghệ lớn dường như đã sẵn sàng thích nghi và hành động phù hợp với chính quyền mới.