Các chuyên gia nhận định rằng Elon Musk có thể đạt được một phần trong tham vọng cải tổ chính phủ, mang lại cả cơ hội và thách thức cho nước Mỹ.
Năm 2017, Elon Musk từng gọi Donald Trump là “kẻ lừa đảo” và ca ngợi ông là “một trong những bậc thầy nói dối giỏi nhất thế giới.” Tuy nhiên, hiện tại tại dinh thự Mar-a-Lago, Musk được biết đến với biệt danh “Chú Elon” (Uncle Elon), trở thành cố vấn thân thiết của tổng thống đắc cử. Hai người thậm chí đã cùng theo dõi một vụ phóng tên lửa vào tuần trước.
Theo The Economist, sự hợp tác giữa một chính trị gia quyền lực hàng đầu thế giới và người giàu nhất hành tinh đã tạo nên một liên minh đầy sức ảnh hưởng. Cả hai tận dụng mối quan hệ này để thúc đẩy những mục tiêu chung, như giảm thiểu quan liêu, nới lỏng các quy định, và phá vỡ những chuẩn mực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Chỉ vài tuần sau khi hỗ trợ ông Trump trong chiến dịch tranh cử thành công, tỷ phú Elon Musk đã củng cố vị thế của mình trong chính trường. Tổng thống đắc cử đã bổ nhiệm Musk vào Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE), với trọng trách chính là tối ưu hóa ngân sách và giảm thiểu chi tiêu.
Đây không phải lần đầu tiên một nhà tài phiệt đóng vai trò quan trọng trong chính trường Mỹ. Vào thế kỷ 19, các ông trùm tư bản như John D. Rockefeller từng kiểm soát phần lớn nền kinh tế. Đầu thế kỷ 20, trước khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) ra đời, John Pierpont Morgan thậm chí đã hành động như một thống đốc ngân hàng trung ương.
So với các tập đoàn độc quyền lớn vào thế kỷ 19 và 20, các doanh nghiệp của Elon Musk có tính toàn cầu vượt trội nhưng lại chiếm tỷ trọng nhỏ hơn khi xét theo GDP. Là người giàu nhất thế giới, Musk sở hữu một hệ sinh thái đa dạng, bao gồm Tesla trong lĩnh vực xe điện, SpaceX chuyên về công nghệ vệ tinh và tên lửa, X (trước đây là Twitter), cùng xAI – công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo với định giá 50 tỷ USD. Tổng giá trị của các công ty này tương đương 2% quy mô thị trường chứng khoán Mỹ. Đồng thời, đa số các doanh nghiệp của Musk giữ thị phần dưới 30% và phải đối mặt với sự cạnh tranh đáng kể.
Theo phân tích từ Economist, khoảng 10% trong tổng tài sản cá nhân 360 tỷ USD của Elon Musk đến từ các hợp đồng và ưu đãi từ chính phủ Mỹ. 15% được đóng góp bởi thị trường Trung Quốc, trong khi phần còn lại được chia đều giữa khách hàng trong nước và quốc tế.
Điểm khác biệt của Musk nằm ở vai trò “người phá vỡ quy tắc” (disrupter). Thay vì tận dụng vị thế độc quyền để tăng giá hay xây dựng hệ thống tài chính nền tảng như các nhà tài phiệt thế kỷ trước, các công ty của ông chủ yếu ứng dụng công nghệ để giảm chi phí, mang lại sự đổi mới trong cách thức hoạt động của các ngành công nghiệp.
Hệ tư tưởng của Elon Musk tập trung vào việc đổi mới sáng tạo như một chìa khóa để giải quyết những thách thức lớn nhất của nhân loại, từ vấn đề biến đổi khí hậu đến tham vọng chinh phục Sao Hỏa. Việc biến những mục tiêu này thành hiện thực dựa vào khả năng của Musk trong việc liên tục tái định nghĩa các quy trình công nghiệp.
Khát vọng hành động tự do cũng giải thích cho thái độ coi nhẹ các quy chuẩn truyền thống của ông. Musk cho rằng những rào cản đối với sự tăng trưởng chính là các quan chức quản lý thị trường phóng tên lửa, mà theo ông, bị ảnh hưởng bởi các tập đoàn quốc phòng, hoặc những nhà quản lý khắt khe tại California.
Cả Donald Trump và Elon Musk đều chia sẻ mục tiêu cải tổ sâu rộng chính phủ liên bang. CEO Tesla từng khẳng định rằng Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) có thể đặt mục tiêu cắt giảm đến 2.000 tỷ USD trong tổng ngân sách liên bang 7.000 tỷ USD hàng năm, đồng thời giải thể nhiều cơ quan chính phủ. Dù kế hoạch này mang tính tham vọng đến mức khó khả thi, nhưng nhu cầu cải cách là điều cấp thiết đối với nước Mỹ. Các quy định liên bang hiện đã chạm ngưỡng 90.000 trang, gần đạt mức kỷ lục, trong khi thâm hụt ngân sách duy trì ở mức 6% và nợ công đã tiệm cận 100% GDP.
Tuy nhiên, tham gia chính trị khác xa với điều hành doanh nghiệp, đặt ra nhiều thách thức cho Elon Musk khi bước chân vào chính trường. Theo Politico, chính phủ liên bang là một cỗ máy khổng lồ vận hành chậm chạp, bị bao quanh bởi mạng lưới phức tạp của các quy định và cơ chế mà hoàn toàn khác biệt so với các công ty do Musk điều hành. Điều này khiến việc triển khai các sáng kiến của DOGE trở nên khó khăn hơn.
Donald Trump, người bảo trợ chính trị của Elon Musk, cũng ít chú ý đến các chi tiết trong quy trình xây dựng chính sách. Ông không thể tự mình hủy bỏ các quy định, mà phải thông qua sự chỉ đạo đối với các cơ quan liên quan. Tuy nhiên, theo các chuyên gia pháp lý, phần lớn các chỉ đạo này không mang tính ràng buộc pháp lý. Khi một cơ quan muốn hủy bỏ một quy định, quá trình đó phải tuân thủ theo Đạo luật Thủ tục Hành chính (Administrative Procedure Act – APA).
Theo Đạo luật Thủ tục Hành chính (APA), để hủy bỏ một quy định, các cơ quan phải công bố một đề xuất chi tiết bao gồm cơ sở pháp lý, ước tính chi phí tiềm năng và thu thập phản hồi từ công chúng. Quy trình này có thể kéo dài hàng tháng hoặc lâu hơn. Thêm vào đó, theo Reuters, nhiều cơ quan chính phủ có thể không đủ nguồn lực để đồng thời hủy bỏ một số lượng lớn các quy định.
Thiếu nguồn lực và quyền hạn pháp lý cần thiết từ phía tổng thống có thể trở thành rào cản lớn đối với nỗ lực cải cách của Elon Musk. Matthew Mittelsteadt, nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn chính sách Mercatus Center, nhận định: “Chúng ta đã từng chứng kiến một doanh nhân tỷ phú trở thành tổng thống, nhưng không có điều gì thật sự đột phá diễn ra.”
Tuy nhiên, theo Economist, ngay cả khi Musk chỉ thực hiện được một phần nhỏ trong các mục tiêu tại DOGE, nước Mỹ vẫn có thể thu về những lợi ích đáng kể. Đồng quan điểm, Politico dự báo rằng với sự ảnh hưởng của Musk, Washington có thể chứng kiến một số thay đổi quan trọng trong các lĩnh vực như kiểm soát những hệ quả tiêu cực của trí tuệ nhân tạo (AI), ứng phó với biến đổi khí hậu, hay cải cách chính sách nhập cư.
Dù Vậy, bên cạnh những lợi ích tiềm năng khi người giàu nhất thế giới tham gia chính trị, cũng tồn tại không ít rủi ro. Tổng thống đắc cử là người ủng hộ chủ nghĩa dân tộc kinh tế, trong khi các ngành mà Elon Musk đầu tư lại đóng vai trò quan trọng trong chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc. Mối quan hệ gần gũi với quyền lực có thể tạo điều kiện để Musk tác động đến các chính sách và thuế quan theo hướng có lợi cho mình, đồng thời làm suy yếu các đối thủ cạnh tranh trong các lĩnh vực như ô tô, tiền kỹ thuật số, xe tự hành và trí tuệ nhân tạo (AI).
Từ tháng 9, tổng giá trị các công ty do Elon Musk sở hữu đã tăng 50%, đạt mức 1.400 tỷ USD, vượt xa tốc độ tăng trưởng của thị trường và các đối thủ trong ngành. Sự gia tăng này phản ánh kỳ vọng của các nhà đầu tư rằng Musk sẽ được hưởng lợi từ mối quan hệ thân thiết với Donald Trump. Tuy nhiên, theo Economist, điều này có nguy cơ dẫn đến chủ nghĩa thân hữu và làm gia tăng tham nhũng.
Bên cạnh đó, khi tham gia vào những lĩnh vực ngoài chuyên môn, Musk cũng có thể gặp phải sai lầm. Ông từng cho thấy sự bất ổn trong cách xử lý các vấn đề đối ngoại, chẳng hạn như can thiệp vào việc sử dụng dịch vụ vệ tinh Starlink tại Ukraine. Ngoài ra, với khối tài sản cá nhân trị giá 50 tỷ USD gắn liền với Trung Quốc, các quyết định của ông liên quan đến thị trường này có nguy cơ bị chi phối bởi lợi ích kinh doanh của Tesla.
Donald Trump và Elon Musk đều được biết đến với phong cách quản lý thất thường, thường xuyên thay đổi nhân sự thông qua việc tuyển dụng và sa thải liên tục. Tuy nhiên, cải cách chính phủ lại đòi hỏi sự kiên nhẫn và kỹ năng ngoại giao những điểm không được xem là thế mạnh của cả hai. Do đó, nếu Elon Musk khởi xướng một chương trình cải cách thiếu nhất quán, các tham vọng như cắt giảm chi tiêu hay tái cấu trúc chính phủ có nguy cơ bị đình trệ trong nhiều năm.
Hơn nữa, việc thiết lập mối quan hệ thường xuyên giữa các chính trị gia nắm quyền chi phối và giới tỷ phú hàng đầu không hẳn mang lại lợi ích hoàn toàn tích cực. Theo Economist, các cải cách do Elon Musk khởi xướng có thể dẫn đến một hệ quả đáng lo ngại mới cho nước Mỹ: sự vươn lên mạnh mẽ của một tầng lớp tài phiệt quyền lực, tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn cho xã hội và chính trị.