Tổng thống Biden đang sử dụng những tuần cuối cùng trong nhiệm kỳ để đẩy mạnh viện trợ, giúp Ukraine củng cố chỗ đứng trước khi quyền lực chuyển giao sang ông Trump.
Ngày 30/12/2024, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo một gói hỗ trợ mới trị giá gần 6 tỷ USD, bao gồm tài chính và trang thiết bị quân sự, dành cho Ukraine, khi nhiệm kỳ của ông chỉ còn khoảng ba tuần.
Trong gói hỗ trợ này, khoảng 1,25 tỷ USD dành cho viện trợ quân sự sẽ được lấy từ kho dự trữ hiện có của Mỹ. Thêm 1,22 tỷ USD sẽ được cung cấp thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), trong đó Mỹ sẽ đặt hàng mua vũ khí từ các nhà sản xuất để chuyển giao cho Kiev. Phần còn lại, trị giá 3,4 tỷ USD, là hỗ trợ tài chính trực tiếp cho Ukraine, được quản lý bởi Bộ Tài chính Mỹ.
Bộ Quốc phòng cho biết sẽ cung cấp hàng trăm nghìn quả đạn pháo, hàng nghìn rocket và hàng trăm xe bọc thép nhằm hỗ trợ Ukraine đối phó với các thách thức trong mùa đông. Tổng thống Biden cho rằng Mỹ sẽ duy trì các nỗ lực củng cố sức mạnh cho Ukraine trong suốt quãng thời gian còn lại của nhiệm kỳ.
Tổng thống Biden dự kiến rời Nhà Trắng vào ngày 20/1, cùng thời điểm ông Donald Trump chính thức tuyên thệ nhậm chức. Theo các nhà phân tích, sự kiện này có thể mở ra giai đoạn mới, tiềm ẩn thay đổi trong cam kết hỗ trợ Ukraine của Mỹ trong bối cảnh xung đột với Nga.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã đưa ra cam kết đầy tham vọng về việc kết thúc xung đột tại Ukraine, mặc dù ông và đội ngũ của mình chưa tiết lộ chi tiết cụ thể về cách thực hiện mục tiêu này.
Vào tháng 6, một số cố vấn của ông Trump cho biết Tổng thống đắc cử có thể cân nhắc việc tăng cường cung cấp vũ khí cho Ukraine, với điều kiện Kiev đồng ý tham gia đàm phán hòa bình với Moskva. Theo các cố vấn, các cuộc thảo luận tiềm năng có thể bao gồm yêu cầu Ukraine nhượng lại những khu vực hiện do Nga kiểm soát.
Sau khi ông Trump tái đắc cử vào tháng 11, Kiev cùng một số đồng minh châu Âu bày tỏ lo ngại rằng chính quyền mới của Mỹ có thể ưu tiên gây áp lực lên Ukraine hơn là Nga để đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Bên cạnh đó, các lựa chọn nhân sự nội các của ông Trump cũng tạo ra sự lạc quan trong truyền thông Nga về khả năng này.
Margarita Simonyan, tổng biên tập kênh RT của Nga, cho rằng một số nhân sự được ông Trump đề xuất vào nội các, như Vivek Ramaswamy, đồng lãnh đạo Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE), và ứng viên giám đốc cơ quan tình báo quốc gia Tulsi Gabbard, được coi là những gương mặt tích cực, mang đến sự lạc quan và niềm vui cho Điện Kremlin.
Trước những quan ngại rằng chính quyền sắp tới có thể ảnh hưởng đến các nỗ lực hỗ trợ Ukraine, Tổng thống Biden đã sử dụng những tuần cuối trong nhiệm kỳ để tăng cường viện trợ cho Kiev.
Ngày 2/12, Mỹ công bố gói hỗ trợ quân sự trị giá 725 triệu USD dành cho Ukraine, bao gồm đạn dược, hệ thống tên lửa đất đối không và một số trang thiết bị khác. Gói hỗ trợ này được thực hiện thông qua Quyền Điều chỉnh nguồn lực Tổng thống (PDA), cho phép Lầu Năm Góc sử dụng nguồn cung từ kho dự trữ quân sự để chuyển nhanh đến các khu vực tiền tuyến ở Ukraine.
Ngày 7/12, Mỹ tuyên bố gói hỗ trợ quân sự trị giá 988 triệu USD dành cho Ukraine, bao gồm máy bay không người lái và đạn dược cho hệ thống pháo phản lực HIMARS. Gói hỗ trợ này được thực hiện thông qua Sáng kiến Hỗ trợ An ninh cho Ukraine.
Ngày 12/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken thông báo gói hỗ trợ quân sự trị giá 500 triệu USD cho Ukraine, bao gồm đạn pháo HIMARS, máy bay không người lái và xe thiết giáp.
Từ tháng 8/2022 đến tháng 12/2024, chính quyền Tổng thống Biden đã sử dụng Quyền Điều chỉnh nguồn lực Tổng thống (PDA) 55 lần để cung cấp hỗ trợ cho Ukraine. Tính đến thông báo ngày 30/12, tổng giá trị viện trợ an ninh mà Mỹ cung cấp cho Ukraine kể từ khi xung đột bắt đầu đã lên tới 65 tỷ USD.
Gần đây, chính quyền Tổng thống Biden đã nới lỏng hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí mà Mỹ cung cấp, cho phép Ukraine triển khai tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu quân sự nằm sâu trong lãnh thổ Nga. Trước đó, lời đề nghị này của Ukraine đã nhiều lần bị bác bỏ, do Mỹ lo ngại rằng động thái này có thể làm leo thang căng thẳng với Nga, gia tăng nguy cơ Mỹ bị cuốn sâu hơn vào xung đột và thậm chí kích hoạt nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
Tổng thống Biden và các cố vấn cấp cao bày tỏ niềm tin rằng những gói viện trợ của Mỹ, kết hợp với sự hỗ trợ tích cực từ các quốc gia châu Âu, sẽ giúp Ukraine duy trì khả năng chiến đấu trong một khoảng thời gian nhất định sau khi ông kết thúc nhiệm kỳ.
Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, cho biết Tổng thống Biden đang nỗ lực để giúp Ukraine đạt được vị thế vững chắc nhất có thể.
Theo các nhà phân tích của Washington Post, tương lai của viện trợ an ninh từ Washington – nhà cung cấp hỗ trợ lớn nhất cho Ukraine – sau khi ông Trump nhậm chức vẫn còn nhiều bất định. Cả Tổng thống đắc cử Trump, Phó tổng thống đắc cử JD Vance và đồng minh Elon Musk đều tỏ ra dè dặt về việc tiếp tục hỗ trợ cho Kiev.
Tại một sự kiện vận động tranh cử ở Georgia vào tháng 9, ông Trump bày tỏ sự không hài lòng, cho rằng mỗi lần Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky thăm Mỹ, “ông ấy lại nhận được 100 tỷ USD.”
“Chúng ta sẽ không thoát khỏi cuộc chiến này trừ khi tôi trở thành tổng thống,” ông Trump tuyên bố tại sự kiện.
Trong bối cảnh tương lai hỗ trợ cho Ukraine trở nên không chắc chắn, Keir Giles, thành viên cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Chatham House (Anh), nhận định rằng Tổng thống Biden đang tận dụng tối đa thời gian còn lại để hỗ trợ Kiev. Ông cho rằng Tổng thống Biden hiểu rõ Ukraine sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực hơn so với Nga khi ông Trump nhậm chức.