Các biện pháp áp thuế của Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên được đánh giá là không tạo ra sự thay đổi đáng kể đối với nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định rằng, nếu tiếp tục triển khai trong nhiệm kỳ thứ hai, các chính sách này có thể mang lại những tác động khác biệt.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Donald Trump đã triển khai chính sách áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu, bắt đầu từ các sản phẩm như pin năng lượng mặt trời và máy giặt vào năm 2018. Tiếp theo, các mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu vào Mỹ, bao gồm cả từ các quốc gia đồng minh, cũng bị áp thêm thuế.
Đáng chú ý nhất là quyết định tăng thuế lên hàng hóa Trung Quốc, châm ngòi cho cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc. Mặc dù hai bên đã đạt được một thỏa thuận vào năm 2020, nhưng Trung Quốc không thực hiện đầy đủ các cam kết mua hàng hóa từ Mỹ như đã thỏa thuận.
Khi ông Trump bắt đầu nhiệm kỳ vào năm 2017, nguồn thu từ thuế nhập khẩu và các loại phí liên quan của chính phủ liên bang đạt khoảng 35 tỷ USD. Đến năm 2019, con số này đã tăng hơn hai lần, chạm mốc gần 71 tỷ USD, theo thống kê từ Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB).
Mặc dù con số này có vẻ ấn tượng, nhưng so với quy mô của nền kinh tế Mỹ, tác động thực tế vẫn rất nhỏ. Hiện tại, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ ước đạt khoảng 29.300 tỷ USD, theo số liệu từ Cục Phân tích Kinh tế Mỹ (BEA). Điều này đồng nghĩa với việc nguồn thu từ thuế nhập khẩu chỉ chiếm chưa đầy 0,3% GDP.
Vì lý do đó, các chuyên gia nhận định rằng, trong nhiệm kỳ đầu, các chính sách thuế quan của ông Trump gần như không để lại dấu ấn rõ rệt đối với nền kinh tế Mỹ. Các nghiên cứu chỉ ra rằng cuộc chiến thương mại với Trung Quốc không mang lại lợi ích kinh tế đáng kể, đặc biệt đối với những cộng đồng bị ảnh hưởng bởi việc sản xuất dịch chuyển ra nước ngoài.
Mục tiêu đưa việc làm quay trở lại Mỹ của ông Trump không đạt được như kỳ vọng, khi vốn đầu tư vào các nhà máy trong nước không ghi nhận sự gia tăng đột biến. Thay vào đó, nhiều doanh nghiệp Mỹ chọn cách chuyển hướng sang các nhà cung cấp khác ngoài Trung Quốc. Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, nền kinh tế lớn nhất thế giới có thể đã đánh đổi một phần “sức mạnh mềm” khi sự quan tâm của người tiêu dùng Trung Quốc đối với các bộ phim Hollywood giảm sút đáng kể.
Các chuyên gia nhận định rằng chính sách thuế của Tổng thống đắc cử Trump lần này có thể tạo ra những thay đổi đáng kể. Ông Trump đã cam kết áp thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada, đồng thời bổ sung thêm mức thuế 10% với hàng hóa từ Trung Quốc ngay sau khi nhậm chức. Những biện pháp này nhằm thắt chặt kiểm soát đối với nạn buôn lậu ma túy, đặc biệt là fentanyl, và ngăn chặn tình trạng nhập cư trái phép.
“Chắc chắn sẽ có thêm nhiều loại thuế quan mới được áp dụng,” Michael Stumo, Giám đốc điều hành của tổ chức Coalition for a Prosperous America – một nhóm ủng hộ chính sách thuế nhập khẩu nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất trong nước, cho biết.
Các mức thuế mới mà ông Trump đề xuất được nhận định là có quy mô lớn hơn và tiềm ẩn tác động sâu rộng hơn so với nhiệm kỳ đầu. Nếu Mexico, Canada và Trung Quốc bị áp thêm thuế như tuyên bố gần đây, nguồn thu thuế của Mỹ có thể lên tới 266 tỷ USD, chưa tính đến những xáo trộn trong thương mại và các biện pháp trả đũa từ các đối tác.
Phần lớn chi phí từ các biện pháp này dự kiến sẽ được chuyển sang người tiêu dùng Mỹ, các nhà nhập khẩu, và doanh nghiệp thông qua giá cả tăng cao hoặc lợi nhuận bị thu hẹp. Melquiades Flores, chủ công ty bán buôn nông sản M&M Tomatoes and Chile tại Los Angeles, nhận định rằng cuối cùng khách hàng sẽ là người gánh chịu. “Dù mức thuế áp dụng là bao nhiêu, giá sẽ tăng và người tiêu dùng sẽ phải chịu thiệt,” ông chia sẻ.
Goldman Sachs ước tính rằng nếu các mức thuế mới được áp dụng, lạm phát cơ bản đo bằng chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) sẽ tăng thêm 0,9%. Dù lạm phát đang có xu hướng giảm, tốc độ giảm đã chậm lại đáng kể. Tháng 10, chỉ số PCE tăng 2,3% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 2,1% ghi nhận trong tháng 9.
Joe Brusuelas, chuyên gia kinh tế trưởng tại RSM, cho biết hàng hóa nhập khẩu đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát lạm phát trong hai năm qua. “Tuy nhiên, giá cả tăng cao có thể kéo theo sự gia tăng chi phí trong lĩnh vực dịch vụ,” ông chia sẻ.
Các cựu quan chức từ chính quyền Biden cảnh báo về khả năng các doanh nghiệp lợi dụng các biện pháp thuế quan mới để tăng giá hàng hóa một cách bất hợp lý. Tình trạng tương tự từng xảy ra vào năm 2022, khi xung đột giữa Nga và Ukraine tạo điều kiện cho các nhà kinh doanh đẩy giá lương thực và năng lượng lên cao.
“Tôi lo lắng về việc áp dụng thuế không phân biệt trên diện rộng đối với nhiều quốc gia, không chỉ riêng Trung Quốc. Điều này có thể tạo cơ hội để các doanh nghiệp tăng giá không kiểm soát,” bà Jen Harris, cựu quan chức Nhà Trắng dưới thời Biden và hiện là Giám đốc Sáng kiến Kinh tế và Xã hội của Quỹ William & Flora Hewlett, chia sẻ.
Đảng Dân chủ cùng nhiều tổ chức doanh nghiệp đã bày tỏ quan ngại về rủi ro tiềm ẩn từ các tuyên bố áp thuế của ông Trump. Một số nghị sĩ Dân chủ tại Hạ viện đã đề xuất luật nhằm hạn chế quyền lực của Tổng thống trong việc áp thuế đơn phương. Họ cảnh báo rằng những biện pháp này có thể đẩy giá cả ôtô, giày dép, nhà ở và hàng tiêu dùng hàng ngày lên cao.
Bên cạnh đó, các tuyên bố về thuế quan của ông Trump cũng làm gia tăng sự bất ổn, khi cả doanh nghiệp lẫn quốc gia đối tác đều phải chờ đợi các chính sách cụ thể để đánh giá tác động và điều chỉnh chiến lược phù hợp.
“Chúng ta đã biết các ưu tiên chính của chính quyền Trump về chính sách kinh tế trong thời gian tới, nhưng thời gian cụ thể và cách thức triển khai vẫn chưa được xác định,” Greg Daco, kinh tế trưởng tại EY-Parthenon, chia sẻ.
Đối với ông Trump, thuế quan là công cụ đã được kiểm nghiệm hiệu quả trong nhiệm kỳ đầu và thường không gây quá nhiều tranh cãi về mặt chính trị. Các mức thuế áp dụng lên hàng hóa Trung Quốc, vốn được thiết lập dưới thời ông Trump, đã được Tổng thống Joe Biden giữ nguyên, thậm chí mở rộng thêm. Mặc dù chính quyền Biden từng cân nhắc việc dỡ bỏ thuế quan để giảm bớt áp lực lạm phát, họ nhận thấy rằng biện pháp này khó tạo ra sự khác biệt đáng kể.
Michael Stumo nhận định rằng thuế quan từng gây ra sự hoang mang khi mới được triển khai vào năm 2017 do tính chất “mới lạ và khác biệt” của chúng. Tuy nhiên, theo thời gian, chúng đã được Mỹ và nhiều quốc gia khác chấp nhận như một phần của bộ công cụ chính sách kinh tế.