Nếu căng thẳng giữa Israel và Iran tiếp tục gia tăng sau cuộc tấn công của Tehran, Mỹ có thể đối diện với rủi ro bị lôi kéo vào một cuộc xung đột mà họ đã nỗ lực tránh.
Vào ngày 1/10, Iran đã tiến hành một cuộc tập kích tên lửa quy mô lớn vào Israel nhằm đáp trả các cuộc tấn công gần đây của Tel Aviv nhắm vào lãnh đạo cấp cao của Hezbollah, Hamas, và Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC). Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định rằng Iran đã “phạm sai lầm nghiêm trọng” và sẽ phải “chịu hậu quả”, điều này làm gia tăng nguy cơ một cuộc xung đột toàn diện giữa các bên.
Sau cuộc tấn công, Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi tuyên bố rằng Iran đã thông qua đại sứ quán Thụy Sĩ tại Tehran để gửi cảnh báo tới Mỹ, yêu cầu không can thiệp vào các vấn đề tại Trung Đông. Ông Araghchi khẳng định chiến dịch tấn công nhằm vào Israel đã kết thúc và “không có kế hoạch tiếp tục,” nhưng cũng nhấn mạnh rằng nếu Israel tiến hành các biện pháp trả đũa, Iran sẽ có phản ứng mạnh mẽ hơn.
Nếu Israel thực hiện các biện pháp trả đũa như tuyên bố của Thủ tướng Netanyahu và Iran tiếp tục có động thái leo thang, khu vực Trung Đông sẽ đối diện với nguy cơ bùng phát một cuộc chiến tranh toàn diện, có thể đẩy hàng triệu người vào cảnh bi thảm.
Nhiều người vẫn hy vọng rằng bằng cách nào đó, căng thẳng leo thang sẽ được kiểm soát. Thế nhưng, rủi ro hiện tại vẫn rất cao, và nếu Mỹ bị lôi vào một cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông, trách nhiệm có thể sẽ đổ lên vai Tổng thống Joe Biden.
Trita Parsi, đồng sáng lập kiêm phó chủ tịch điều hành Viện Quincy về Chính sách Nhà nước Có trách nhiệm tại Washington, cho rằng Nhà Trắng đã nhiều lần lựa chọn việc để Mỹ đứng trên ranh giới xung đột, thay vì tìm cách kiểm soát Israel trong việc gia tăng các hoạt động quân sự đối với những đối thủ trong khu vực, bao gồm cả đối thủ lâu năm Iran.
Trita Parsi nhận định rằng chính quyền Biden đã góp phần tạo nên tình trạng hiện tại bằng việc tiếp tục cung cấp vũ khí, hỗ trợ ngoại giao và các nguồn lực khác cho Israel, giúp Tel Aviv leo thang hành động chống lại Tehran và các nhóm vũ trang trong khu vực như Hamas, Hezbollah, Houthi, dù Washington tuyên bố không muốn điều đó xảy ra.
Mỹ đã tập trung vào việc ngăn chặn Iran và các đồng minh phản công Israel, trong khi gần như không có biện pháp nào để ngăn cản Tel Aviv leo thang từ đầu. Theo Parsi, cách tiếp cận mất cân bằng này là công thức dẫn đến leo thang căng thẳng, khi Washington không có ý định gây sức ép lên Israel.
Trước cuộc tấn công tên lửa của Iran, Mỹ chắc chắn sẽ phải có hành động để duy trì an ninh tại khu vực Trung Đông. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, Tổng thống Biden đang đối mặt với tình thế khó xử, khi ông phải lựa chọn giữa lời hứa chấm dứt xung đột ở Gaza và việc tiếp tục hỗ trợ Tel Aviv trong bối cảnh căng thẳng ngày càng leo thang trên một mặt trận khác.
Tuần trước, khi Mỹ không thành công trong việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Hezbollah, Ngoại trưởng Antony Blinken đã cảnh báo rằng nguy cơ căng thẳng leo thang trong khu vực là rất lớn, và chỉ có ngoại giao mới có thể giúp hạ nhiệt tình hình.
Antony Blinken nhấn mạnh rằng một nỗ lực phối hợp quốc tế là yếu tố then chốt “để tránh một cuộc xung đột toàn diện.” Kể từ sau phát biểu đó, Israel đã tận dụng ưu thế tình báo để tiêu diệt hầu hết các chỉ huy Hezbollah và mở rộng các chiến dịch trên bộ tại Lebanon.
Chính quyền Biden hiện phải đối mặt với một thực tế khắc nghiệt rằng triển vọng đạt được lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas ở Gaza, cũng như giữa Israel và Hezbollah ở Lebanon, đang trở nên xa vời, nếu không muốn nói là nằm ngoài tầm kiểm soát, khi các sự kiện leo thang vượt qua dự đoán ban đầu của Washington.
Theo hai cựu quan chức trong chính quyền Biden, trước chiến dịch tấn công của Israel nhắm vào Hezbollah, Washington đã giảm bớt kỳ vọng và chỉ tập trung vào một mục tiêu duy nhất tại Trung Đông: ngăn chặn leo thang căng thẳng với Iran. Tuy nhiên, sau cuộc tập kích tên lửa của Tehran, mục tiêu này trở nên xa vời hơn bao giờ hết.
“Với tình hình khu vực đang ngày càng nóng bỏng và khả năng cao Israel sẽ đáp trả Iran, điều này chắc chắn sẽ kéo theo các đợt trả đũa tiếp theo từ Tehran. Chúng ta sẽ phải đối mặt với một giai đoạn đầy khó khăn phía trước,” theo nhận định của Suzanne Maloney, chuyên gia từ Trung tâm Chính sách Trung Đông thuộc Viện Brookings, Mỹ.
Vào tháng 4, Iran từng tiến hành một đợt tấn công trực diện nhắm vào Israel, sử dụng cả tên lửa và máy bay không người lái (UAV). Để đáp trả, Israel đã phóng tên lửa vào hệ thống radar gần khu vực Iran đang phát triển chương trình vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, đòn tấn công này mang tính biểu tượng nhiều hơn và không gây ra phản ứng mạnh từ phía Iran, từ đó giúp khu vực tránh được nguy cơ một cuộc xung đột lớn leo thang.
Jonathan Schanzer, Phó chủ tịch cấp cao phụ trách nghiên cứu tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ có trụ sở tại Washington, cho rằng lần này Israel có thể sẽ không sử dụng biện pháp “giơ cao đánh khẽ” đối với Iran như trong quá khứ.
“Họ sẽ phải gia tăng áp lực trước khi có thể hạ nhiệt,” ông chia sẻ.
Với việc cả hai bên đều giữ lập trường cứng rắn và buộc phải đáp trả lẫn nhau, Schanzer nhận định rằng khả năng chính quyền Biden đạt được mục tiêu chấm dứt xung đột bằng biện pháp ngoại giao là rất mong manh.
Nếu Tổng thống Biden cho phép Israel tiếp tục leo thang, nguy cơ xảy ra một cuộc đối đầu quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Iran trở nên hiện hữu, đe dọa sự ổn định của khu vực. Khó có thể đo lường chính xác hậu quả đối với an ninh quốc gia Mỹ từ một cuộc chiến như vậy, nhưng chuyên gia Parsi từ Viện Quincy cảnh báo rằng tình hình này dễ gợi nhớ đến những hệ lụy của các cuộc phiêu lưu quân sự mà chính quyền George W. Bush từng thực hiện tại Trung Đông.
Theo Parsi, nếu quân đội Mỹ bị lôi kéo vào cuộc xung đột đang leo thang giữa Iran và Israel, đó sẽ là hệ quả nguy hiểm nhất, bắt nguồn từ việc Washington đã không tạo đủ áp lực lên Tel Aviv để tập trung vào mục tiêu an ninh cốt lõi: tránh một cuộc chiến toàn diện ở Trung Đông.
Khi nhậm chức, Tổng thống Biden đã cam kết sẽ khép lại thời kỳ xung đột kéo dài và chấm dứt những nỗ lực tốn kém nhằm tái định hình khu vực. Tuy nhiên, các diễn biến gần đây cho thấy lời hứa đó dường như ngày càng khó thành hiện thực.
Ali Vaez, Giám đốc dự án Iran tại Nhóm Khủng hoảng Toàn cầu, nhận định rằng con đường duy nhất để tháo gỡ tình hình là Mỹ, quốc gia duy nhất có đủ tầm ảnh hưởng đối với Israel, cần phải kiểm soát Tel Aviv.
Theo bình luận viên Gideon Rachman từ Financial Times cho rằng chính phủ của Thủ tướng Israel Netanyahu đã thể hiện rõ sự sẵn lòng phớt lờ mong muốn của đồng minh thân thiết nhất. Điều này phản ánh một nghịch lý tồn tại trong chính sách của Mỹ.
Theo Rachman, “Chính quyền Biden có thể và đã thực sự kêu gọi Israel kiềm chế trong các động thái ở Gaza và Lebanon. Tuy nhiên, họ luôn đảm bảo rằng Israel sẽ được bảo vệ khỏi hậu quả của bất kỳ hành động leo thang nào, do cam kết sâu rộng của Mỹ trong việc bảo vệ Israel khỏi mối đe dọa từ Iran và các kẻ thù khác trong khu vực”. Chính vì vậy, Israel đã hình thành quan niệm rằng việc đối đầu với chính quyền Biden gần như không gây rủi ro, thậm chí có thể mang lại lợi ích khi lôi kéo Mỹ tham gia triển khai sức mạnh quân sự chống lại Iran.
Rachman nhận định rằng khả năng Washington rút lui khỏi việc ủng hộ Tel Aviv trong một cuộc khủng hoảng sẽ ngày càng thấp khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần.
Phó Tổng thống Kamala Harris, ứng viên của đảng Dân chủ, từng gợi ý rằng bà sẽ có thái độ cứng rắn hơn đối với Thủ tướng Netanyahu liên quan đến vấn đề Gaza. Tuy nhiên, bà cũng cần khẳng định sự vững vàng và hỗ trợ tuyệt đối cho Israel trong giai đoạn nguy hiểm này. Đồng thời, Harris không thể chấp nhận rủi ro khi tỏ ra mềm mỏng với Iran, một quốc gia mà Mỹ đã đối đầu từ lâu.
Rachman nhận định rằng tình hình căng thẳng hiện tại ở Trung Đông có thể trở thành một bất lợi lớn cho Phó Tổng thống Kamala Harris. Nó sẽ tạo điều kiện để cựu Tổng thống Donald Trump, ứng viên của đảng Cộng hòa, khẳng định rằng trong nhiệm kỳ của ông, thế giới ổn định hơn nhiều so với sự bất ổn đang diễn ra dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Biden.
“Trong mỗi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, luôn có những suy đoán về một ‘bất ngờ tháng 10’ có thể thay đổi hoàn toàn cục diện vào những tuần cuối cùng trước ngày bỏ phiếu. Năm nay, căng thẳng giữa Israel và Iran dường như có thể chính là yếu tố tạo ra cú sốc đó,” ông nhận xét.