Lãnh đạo các nước châu Âu cùng quan chức EU bày tỏ mong muốn Mỹ thể hiện tinh thần hợp tác và tôn trọng trong quá trình đàm phán thương mại, thay vì đưa ra cảnh báo về khả năng tăng thuế lên đến 50%.
Vào ngày 23/5, Cao ủy Thương mại Liên minh châu Âu (EU), ông Maros Sefcovic, đăng tải trên mạng xã hội X rằng: “Quan hệ thương mại giữa EU và Mỹ là mối quan hệ đặc biệt, không thể so sánh với bất kỳ bên nào khác, và cần được định hướng bởi sự tôn trọng lẫn nhau, thay vì các hành động mang tính chất đe dọa. EU sẵn sàng bảo vệ các lợi ích chính đáng của mình”.
Cũng trong ngày, ông Sefcovic đã có cuộc điện đàm với Đại diện Thương mại Mỹ Jamieson Greer và Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick. Trong cuộc trao đổi, ông tái khẳng định cam kết của EU đối với việc xây dựng một thỏa thuận thương mại mang lại lợi ích cân bằng cho cả hai phía.
Trước đó, trên nền tảng mạng xã hội Truth Social, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đề xuất việc áp mức thuế nhập khẩu 50% đối với hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU), bắt đầu thực hiện từ ngày 1/6. Ông cho rằng EU là đối tác “rất khó để đàm phán” và bày tỏ sự không hài lòng khi cho rằng “các cuộc thương lượng hiện tại không mang lại kết quả”. Mức thuế mà ông đề xuất cao gấp 2,5 lần so với thuế đáp trả mà Mỹ đang áp dụng với EU.
Sau phát ngôn của ông Trump, các chỉ số chứng khoán hàng đầu tại Mỹ và châu Âu đồng loạt giảm điểm. Đồng USD suy yếu so với rổ các đồng tiền chủ chốt, trong khi mức tăng của đồng euro cũng bị thu hẹp đáng kể.
Ông Holger Schmieding, chuyên gia kinh tế trưởng tại ngân hàng Berenberg, nhận xét: “Với ông Trump, không điều gì là chắc chắn. Nhưng đây rõ ràng là một bước leo thang nghiêm trọng. EU sẽ buộc phải đáp trả, và điều đó có nguy cơ gây thiệt hại đáng kể cho cả kinh tế Mỹ và châu Âu”.
Theo Reuters, các cuộc đàm phán đang rơi vào thế bế tắc. Mỹ yêu cầu EU phải đơn phương nhượng bộ để mở rộng cơ hội cho doanh nghiệp Mỹ, trong khi EU mong muốn đạt được một thỏa thuận đôi bên cùng có lợi.
Nhiều nhà lãnh đạo và bộ trưởng của EU đã bày tỏ sự ủng hộ đối với phương án mà Ủy ban châu Âu (EC) đang theo đuổi. Thứ trưởng Kinh tế Ba Lan, Michal Baranowski, cho rằng việc đe dọa áp thuế có thể chỉ là một chiêu thức đàm phán nhằm tạo áp lực.
“Liên minh châu Âu và Mỹ vẫn đang trong quá trình thương lượng. Việc những tuyên bố trên được đăng tải trên các phương tiện truyền thông không đồng nghĩa với việc chính quyền Mỹ sẽ ngay lập tức thực thi hành động,” ông cho biết với báo chí bên lề cuộc họp tại Brussels ngày 23/5, đồng thời nhấn mạnh rằng các cuộc đàm phán có thể kéo dài đến đầu tháng 7. Hiện tại, Ba Lan đang đảm nhiệm vai trò Chủ tịch luân phiên của EU.
Thủ tướng Hà Lan, ông Dick Schoof, cho biết EU sẽ tiếp tục theo đuổi chiến lược đã đề ra. “Chúng ta từng chứng kiến Mỹ áp thuế cao rồi sau đó giảm xuống trong quá trình đàm phán,” ông chia sẻ với phóng viên tại The Hague.
Trên mạng xã hội X, Bộ trưởng Thương mại Pháp Laurent Saint-Martin nhấn mạnh rằng những lời đe dọa mới từ ông Trump không có tác dụng tích cực đối với quá trình đàm phán. Ông cho biết: “Chúng tôi vẫn giữ vững quan điểm là giảm thiểu căng thẳng, đồng thời luôn sẵn sàng có biện pháp đáp trả khi cần thiết.” Trong khi đó, Ngoại trưởng Italy Antonio Tajani trao đổi với hãng tin ANSA khẳng định mục tiêu cuối cùng vẫn là đạt được mức thuế bằng 0 cho cả hai bên.
Hiện tại, EU đang phải chịu mức thuế nhập khẩu 25% từ phía Mỹ đối với các mặt hàng thép, nhôm và ôtô. Đa số các mặt hàng còn lại bị áp mức thuế 10%, và con số này dự kiến sẽ tăng lên 20% sau khi thời hạn miễn thuế tạm thời 90 ngày của Mỹ kết thúc vào ngày 8/7.
Theo nguồn tin từ Reuters, trong tuần qua, Washington đã gửi tới Brussels một danh sách các yêu cầu nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại hàng hóa giữa hai bên. Danh sách này bao gồm việc loại bỏ các rào cản phi thuế quan, công nhận tiêu chuẩn an toàn thực phẩm của Mỹ, cũng như dỡ bỏ thuế dịch vụ kỹ thuật số tại các quốc gia thành viên EU.
Phản hồi lại, EU đã đề xuất một thỏa thuận trong đó cả hai bên cùng cam kết đưa mức thuế đối với các sản phẩm công nghiệp về 0, đồng thời châu Âu sẽ tăng cường nhập khẩu khí hóa lỏng và đậu nành từ Mỹ. Bên cạnh đó, hai bên cũng sẽ hợp tác giải quyết các vấn đề liên quan đến tình trạng dư thừa công suất sản xuất thép.
Cuộc điện thoại giữa ông Maros Sefcovic và đại diện Mỹ được tiến hành nhằm chuẩn bị cho cuộc họp dự kiến tổ chức đầu tháng 6 tại Paris. Chuyên gia kinh tế Robert Sockin của Citigroup nhận định rằng ông Trump đang muốn tạo áp lực để EU quay lại bàn đàm phán. Ông nói: “Nếu Mỹ thực sự áp mức thuế 50%, châu Âu có thể đối mặt với nguy cơ suy thoái. Nhưng tôi không nghĩ Mỹ sẽ thực hiện điều đó.”
Theo số liệu từ Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), năm ngoái Mỹ thâm hụt gần 200 tỷ euro (226,5 tỷ USD) trong thương mại hàng hóa với EU. Tuy nhiên, Mỹ lại có thặng dư lớn trong lĩnh vực dịch vụ với liên minh này.