Khi các cuộc đàm phán ngừng bắn rơi vào bế tắc, Nga – Ukraine dường như đang đặt cược rằng sự kiên nhẫn của ông Trump đối với bên kia sẽ cạn kiệt trước.
Nỗ lực của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong việc sớm kết thúc cuộc chiến giữa Nga và Ukraine đang gặp trở ngại do lập trường dè dặt từ cả phía Moskva lẫn Kiev.
“Bối cảnh hiện tại khá đáng thất vọng, chưa có bước tiến rõ rệt nào theo hướng đạt được hòa bình”, bà Tatiana Kastoueva-Jean, giám đốc Trung tâm Nga – Á Âu thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI), đánh giá.
Nga nhiều lần tuyên bố mong muốn đạt được hòa bình, tuy nhiên cho đến nay họ mới chỉ đưa ra một vài nhượng bộ giới hạn, chẳng hạn như tạm dừng tấn công các cơ sở hạ tầng tại Ukraine và ngừng bắn ở khu vực Biển Đen. Đồng thời, Moskva cũng đưa ra các điều kiện để tái khởi động thỏa thuận Biển Đen, bao gồm việc nới lỏng một số lệnh trừng phạt tài chính và hỗ trợ xuất khẩu mặt hàng như ngũ cốc và phân bón. Trong lúc đó, các lực lượng Nga vẫn tăng cường hoạt động quân sự trên thực địa và đạt thêm một số lợi thế trước quân đội Ukraine.
Sau khi nhanh chóng chấp thuận đề xuất ngừng bắn tạm thời trong 30 ngày do Mỹ đưa ra, Ukraine lại thể hiện sự dè dặt với thỏa thuận khoáng sản mà Washington đang nỗ lực thúc đẩy. Mặc dù công khai ủng hộ sáng kiến này, Kiev có vẻ đang cố kéo dài thời gian nhằm đàm phán lại các điều khoản theo hướng có lợi hơn cho phía mình.
Theo dự thảo ban đầu, thỏa thuận sẽ cho phép Mỹ được tiếp cận và hưởng lợi từ việc khai thác tài nguyên khoáng sản tại Ukraine, nhưng lại không đi kèm với các cam kết an ninh cụ thể mà Kiev đang mong muốn. Ngoài ra, chính quyền Ukraine được yêu cầu phải trích 50% nguồn thu từ hoạt động này để đóng góp vào quỹ đầu tư tái thiết do hai bên cùng điều hành.
Isabel Coles, chuyên gia phân tích của tờ Wall Street Journal, cho rằng cả Nga và Ukraine đều có vẻ đang đặt cược vào việc xem ông Trump sẽ mất kiên nhẫn với bên nào trước.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã chứng tỏ sự linh hoạt trong cách tiếp cận và sẵn sàng phối hợp để làm vừa lòng ông Trump, nhưng theo cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine John Herbst, “ông ấy sẽ không đánh cược tương lai quốc gia chỉ vì một thỏa thuận về khoáng sản”.
Ông Herbst cũng cho rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang cố gắng tạo ra cảm giác rằng mọi việc đang tiến triển thuận lợi để tác động đến cách nhìn của ông Trump. “Mọi động thái của ông ta chỉ nhằm mục đích tạo dựng một hình ảnh tích cực trước Trump,” ông nói.
Một số nhà phân tích cho rằng những nỗ lực ngoại giao từ phía Nga và Ukraine đều nhằm mục đích giữ ông Trump đứng về phía mình, dù cả hai vẫn chưa hoàn toàn chấp thuận các điều kiện mà Tổng thống Mỹ đưa ra.
Về phần Ukraine, nước này muốn kết thúc xung đột mà không phải từ bỏ bất kỳ phần lãnh thổ nào cho Nga hoặc đánh đổi sự độc lập kinh tế để lấy sự ủng hộ từ Mỹ. Trong khi đó, Nga muốn duy trì quyền kiểm soát những khu vực hiện đang nắm giữ ở Ukraine, ngăn Ukraine tiến gần hơn tới NATO, và tin rằng họ đang chiếm ưu thế trên chiến trường.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết vào đầu tháng rằng Moskva không thể chấp thuận phương án chấm dứt xung đột do Mỹ đề xuất ở thời điểm hiện tại, cho thấy con đường đi đến hòa bình vẫn còn kéo dài. Ông nhấn mạnh Washington chưa giải quyết được “căn nguyên sâu xa” của cuộc chiến, ám chỉ đến việc Ukraine tìm cách gia nhập các liên minh phương Tây và sự hiện diện quân sự của NATO tại khu vực Đông Âu.
Về mặt chiến sự, quân đội Nga đang triển khai các đợt tấn công tại nhiều điểm nóng trên tuyến đầu kéo dài khoảng 1.300 km. Phía Ukraine cảnh báo rằng Nga có thể đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công quy mô lớn nhằm vào các khu vực phía bắc và phía nam trong vài tháng tới.
Ukraine tin rằng theo thời gian, chính quyền ông Trump sẽ dần nhận ra sự thiếu thiện chí của Nga trong việc theo đuổi hòa bình và từ đó giảm kiên nhẫn với Tổng thống Putin, theo nhận định của Daniel Fried, cựu đại sứ Mỹ tại Ba Lan và hiện là chuyên gia nghiên cứu tại Hội đồng Đại Tây Dương.
“Thời gian có thể trở thành lợi thế cho Ukraine nếu ông Trump muốn đạt được một thỏa thuận nhanh chóng nhưng lại gặp phải sự trì hoãn từ phía ông Putin. Trong trường hợp ông Trump cảm thấy mình đang bị lợi dụng, phản ứng của ông ấy có thể sẽ rất quyết liệt,” Fried cho biết.
Trong cuộc phỏng vấn với NBC News ngày 30/3, Tổng thống Trump bày tỏ sự “rất tức giận” trước những phát biểu gần đây của ông Putin, đặt nghi vấn về tính chính danh của Tổng thống Zelensky. Theo Glen Howard, Chủ tịch Quỹ nghiên cứu Saratoga có trụ sở tại Washington, mức độ khó chịu của ông Trump đối với Nga dường như đang gia tăng.
Dù vậy, ông Trump vẫn chưa cho thấy dấu hiệu mất kiên nhẫn với Moskva. Nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định ông có “mối quan hệ rất tốt” với Tổng thống Nga và nói thêm rằng “sự tức giận sẽ nhanh chóng lắng xuống nếu ông ấy hành động đúng đắn”.
Các chuyên gia cho rằng trong giai đoạn hiện tại, Ukraine sẽ cần phải khéo léo trì hoãn việc ký kết thỏa thuận khoáng sản vốn chứa nhiều điều khoản bất lợi, đồng thời phải cẩn trọng để không khiến ông Trump phật ý.
Tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế Ukraine, bà Yulia Svyrydenko, đã kêu gọi quốc hội tránh thảo luận công khai về thỏa thuận này, cho rằng việc đó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình đàm phán với phía Mỹ. Khi được hỏi về nội dung dự thảo, Tổng thống Zelensky cho biết ông chưa có thời gian xem xét kỹ lưỡng.
Mặc dù Tổng thống Zelensky đang lựa chọn cách tiếp cận cẩn trọng, ông Trump đã đưa ra lời cảnh báo rằng Ukraine không nên tìm cách rút lui khỏi thỏa thuận. “Nếu ông ấy làm vậy, ông ấy sẽ gặp phải những vấn đề rất nghiêm trọng,” ông Trump phát biểu.
Ngày 1/4, Ngoại trưởng Ukraine Andriy Sybiha cho biết Kiev vẫn giữ cam kết hướng tới việc đạt được một thỏa thuận với Mỹ và hiện đang tích cực tham vấn để xây dựng một phiên bản thỏa thuận “có thể chấp nhận được” cho cả hai phía.
Ukraine có vẻ đã thấm thía cái giá phải trả khi làm mất lòng ông Trump. Sau cuộc tranh luận gay gắt giữa Tổng thống Zelensky và ông Trump tại Phòng Bầu dục vào cuối tháng 2, Washington đã tạm ngừng viện trợ quân sự cũng như chia sẻ thông tin tình báo với Kiev.
Kể từ thời điểm đó, ông Zelensky đã điều chỉnh cách tiếp cận. Ông gửi thư tới Tổng thống Trump để bày tỏ sự “lấy làm tiếc” về cuộc tranh cãi, trong khi phái đoàn đàm phán của Ukraine cũng nhanh chóng chấp thuận đề xuất ngừng bắn 30 ngày do Mỹ đưa ra hồi tháng trước, chuyển áp lực sang phía Nga.
“Họ đã chấp thuận tất cả các đề xuất của ông Trump liên quan đến lệnh ngừng bắn, kể cả việc dừng các đợt tấn công tại Biển Đen, mặc dù điều này không thực sự đem lại lợi ích rõ rệt cho phía Ukraine,” cựu đại sứ John Herbst nhận xét.
Trước sức ép phải ký thỏa thuận khoáng sản, lựa chọn chiến lược tối ưu của Ukraine là thuyết phục Mỹ quay lại bàn đàm phán để điều chỉnh các điều khoản theo hướng thuận lợi hơn, theo ông Volodymyr Dubovyk, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế tại Ukraine.
Tuy nhiên, nếu Washington kiên quyết giữ nguyên các điều khoản và yêu cầu Ukraine ký kết mà không điều chỉnh, Kiev sẽ đứng trước một lựa chọn khó khăn. Hoặc là chấp thuận và trông chờ vào khả năng thỏa thuận sẽ không được thực thi trong thực tế, hoặc là từ chối ký và đối mặt với nguy cơ khiến ông Trump nổi giận.
“Dường như đến thời điểm này, Ukraine đang ở vào thế bất lợi, trong khi lợi thế đang nghiêng về phía Moskva,” ông Dubovyk nói.