::
Trang chủ Tin tứcChứng khoán ‘Sóng’ cổ phiếu thép

‘Sóng’ cổ phiếu thép

bởi minhtuantran2802
0 Bình luận 4 views

‘Sóng’ cổ phiếu thép

Nội dung

Trong 10 tháng đầu năm nay, cổ phiếu ngành thép nổi sóng với mức tăng giá vượt xa so với mặt bằng chung của thị trường. Đơn cử, cổ phiếu HSG của Hoa Sen đã tăng giá 144,87% so với thời điểm đầu năm.

“Sóng” cổ phiếu thép
Trong những phiên giao dịch gần đây, cổ phiếu dòng thép trở thành tâm điểm của thị trường và được giới đầu tư chú ý hơn. 
Ghi nhận trong phiên giao dịch 17/11, hàng loạt mã chứng khoán ngành thép tăng kịch trần như NKG, TLH, POM, VGS và SMC. Hai cổ phiếu HSG của Hoa Sen và HPG của Hòa Phát tăng giá lần lượt 3,4% và 5,2% trong phiên.
'Sóng' cổ phiếu thép - Ảnh 1.

Giá đóng cửa của các cổ phiếu ngành thép phiên 17/11. Nguồn: VNDirect

“Sóng” thép đã giúp các cổ phiếu có tỉ lệ tăng giá vượt trội hơn so với thị trường chung trong 11 tháng đầu năm. Đơn cử, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát tăng giá 69,86% kể từ đầu năm, trong khi VN-Index chỉ tăng nhẹ 0,23%.
Đóng cửa phiên giao dịch 17/11, giá cổ phiếu HPG ở 33.350 đồng/cp. Theo đó, HPG đã vượt xa vùng đỉnh thiết lập đầu năm 2018 khi VN-Index ở 1.200 điểm. Việc cổ phiếu HPG liên tục phá đỉnh đã mang lại thành quả lớn cho nhiều quĩ ngoại đang nắm giữ.
Theo tổng hợp, cổ phiếu HPG là khẩu vị ưa thích của hàng loạt “cá mập” trên thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính đến đầu tháng 11, HPG chiếm tỉ trọng 9,24% trong danh mục đầu tư của quĩ lớn nhất TTCK Việt Nam do Dragon Capital quản lí – VEIL. Hay VinaCapital phân bổ tỉ trọng lớn nhất tài sản của quĩ VOF vào HPG (tỉ trọng khoảng 15%).
'Sóng' cổ phiếu thép - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu thép kể từ đầu năm 2020. Nguồn: VNDirect

Tuy nhiên, cổ phiếu dẫn đầu “sóng” thép năm nay phải nói đến là HSG của Tập đoàn Hoa Sen. Với giá đóng cửa 19.100 đồng/cp tại phiên 17/11, cổ phiếu HSG đã tăng144,87% so với thời điểm đầu năm. Đây là tỉ suất sinh lợi không nhiều mã vốn hóa lớn đạt được trên thị trường trong năm 2020.
Với cổ phiếu của các doanh nghiệp có qui mô nhỏ hơn, hàng loạt mã mặc dù có mức sinh lợi thấp hơn HSG và HPG nhưng vẫn cao hơn đáng kể so với thị trường chung. 
Đơn cử, cổ phiếu NKG của Thép Nam Kim tăng giá 55,47% so với thời điểm đầu năm 2020. Theo sau đó, cổ phiếu SMC của Ðầu tư Thương mại SMC và VGS của Thép Việt Đức tăng giá lần lượt 39,06% và 50,7%.
Vậy yếu tố nào khiến cổ phiếu ngành thép “nổi sóng”?
Qua quan sát, “sóng” cổ phiếu thép đến trong bối cảnh hàng loạt các doanh nghiệp ngành này công bố kết quả kinh doanh khởi sắc trong 9 tháng đầu năm nay.
'Sóng' cổ phiếu thép - Ảnh 3.

Nguồn: Lợi Hoàng tổng hợp

Ghi nhận 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn Hòa Phát là 8.845 tỉ đồng, tăng 56,4% so với cùng kì năm ngoái. Đây cũng là mức lãi 9 tháng cao nhất từ khi thành lập của công ty.
Với Hoa Sen, trong niên độ tài chính 2019 – 2020 (1/10/2019 – 30/9/2020), doanh nghiệp này báo lãi sau thuế tăng hơn 3 lần so với cùng kì, đạt 1.151 tỉ đồng. Theo đó, Hoa Sen trở lại “câu lạc bộ” lãi nghìn tỉ trên sàn sau hai năm 2018, 2019 không mấy khởi sắc.
Kết quả ấn tượng nhất trong nhóm doanh nghiệp tôn thép là Thép Nam Kim với lợi nhuận 9 tháng đầu năm nay gấp 3,5 lần cùng kì năm ngoái. Cụ thể, lãi ròng 9 tháng đầu năm của Thép Nam Kim là 141 tỉ đồng.
Cũng ghi nhận trạng thái tích cực, Ðầu tư Thương mại SMC báo lãi 9 tháng đạt 156 tỉ đồng, tăng 41% so với 9 tháng đầu năm 2020. Thép Việt Đức có mức tăng trưởng lợi nhuận 11,1% trong 3 quí đầu năm, lãi ròng đạt 44 tỉ đồng.
Với Thép Việt Ý (Mã: VIS), doanh nghiệp này thoát lỗ trong 9 tháng kinh doanh. LNST sau 9 tháng của công ty đạt 10 tỉ đồng trong khi cùng kì lỗ ròng 141 tỉ đồng. Thép Pomina (Mã: POM) mặc dù chưa thoát lỗ nhưng kinh doanh khởi sắc hơn khi giảm một nửa mức lỗ ròng từ 252 tỉ đồng 9 tháng đầu năm ngoái, xuống còn 128 tỉ đồng. 
Ngược chiều toàn ngành, Thép Tiến Lên (Mã: TLH) báo lãi gần 1 tỉ đồng trong 9 tháng đầu năm nay, trong khi cùng kì ghi nhận LNST là 31 tỉ đồng.
Như vậy có thể thấy rằng “sóng” cổ phiếu thép đã xuất phát chính từ yếu tố cơ bản của doanh nghiệp đó là sự khởi sắc về kết quả kinh doanh trong 9 tháng đầu năm nay.
Triển vọng cho doanh nghiệp thép sắp tới
Đánh giá về doanh nghiệp ngành thép, Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra triển vọng khả quan trong nửa cuối năm 2020 dựa trên hai yếu tố. 
Với thị trường nội địa, giai đoạn triển khai xây dựng các dự án hạ tầng đầu tư công hỗ trợ tiêu thụ thép xây dựng. Do đó, ống thép tiếp tục hồi phục tốt nhờ xây dựng dân dụng và hoạt động sản xuất.
Với thị trường xuất khẩu, xuất khẩu phôi thép và tôn mạ tiếp tục được hưởng lợi từ nhu cầu tăng mạnh tại Trung Quốc. Tuy nhiên mức độ sẽ giảm dần về cuối năm nay.
Một yếu tố khác được BSC đưa ra đó là diễn biến giá nguyên liệu thô và giá bán thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong ngành thép vào quí IV.
Trong báo cáo công bố mới đây, Chứng khoán Bản Việt (Mã: VCI) đưa ra dự báo lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ của Hòa Phát dự kiến đạt 12.500 tỉ đồng trong năm 2021, tăng 12% so với năm nay. 
Kết quả này chủ yếu đến từ Khu Phức hợp Gang thép Dung Quất gia tăng hoạt động cho giai đoạn 1 (thép xây dựng) và đóng góp cả năm của giai đoạn 2 (thép cuộn cán nóng).
Theo Vietnambiz

Bài viết liên quan

Nhập bình luận

logo-fxonline24h

Công bố miễn trừ trách nhiệm
Fxonline24h.com không chịu trách nhiệm cho bất kỳ tổn thất nào từ việc sử dụng thông tin trên website này, bao gồm tin tức thị trường, phân tích, tín hiệu giao dịch và đánh giá nhà môi giới Forex.
Thông tin trên website có thể không chính xác và phân tích chỉ là ý kiến cá nhân, không có điều gì đảm bảo.
Giao dịch Forex tiềm ẩn rủi ro cao. Hãy cân nhắc kỹ lưỡng mục tiêu đầu tư, kinh nghiệm và khả năng chịu rủi ro trước khi giao dịch Forex hoặc sử dụng các công cụ tài chính khác.
Chúng tôi nỗ lực cung cấp thông tin chính xác về các nhà môi giới để bạn đưa ra quyết định sáng suốt.