Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã ghi nhận mức giảm lần đầu tiên sau 13 tháng, làm gia tăng thách thức cho các nhà hoạch định chính sách trong nỗ lực thúc đẩy nhu cầu nội địa.
Ngày 9/3, Cơ quan Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của nước này trong tháng 2 đã giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên CPI của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sụt giảm kể từ tháng 1/2024, chủ yếu do giá các mặt hàng thực phẩm, rượu và thuốc lá đi xuống. Trong đó, giá thực phẩm giảm mạnh tới 3,3% trong tháng 2.
Theo chuyên gia kinh tế Zhiwei Zhang từ Pinpoint Asset Management, kinh tế Trung Quốc vẫn đang chịu áp lực giảm phát. Mặc dù niềm tin trong đầu tư và tiêu dùng đã có dấu hiệu khởi sắc nhờ những tiến bộ trong lĩnh vực công nghệ, nhu cầu trong nước vẫn ở mức thấp.
Theo ông, trước những rủi ro từ căng thẳng thương mại ảnh hưởng đến xuất khẩu và sự trì trệ của thị trường bất động sản, các biện pháp tài khóa cần được thực hiện linh hoạt hơn. Zhang cũng cho rằng chính sách tiền tệ nên tiếp tục nới lỏng, chẳng hạn như giảm lãi suất và điều chỉnh tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng.
Trong tháng 2, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc giảm 2,2% so với cùng kỳ năm ngoái. PPI đã giảm liên tục kể từ tháng 9/2022.
Những số liệu này được công bố chỉ vài ngày sau khi Bắc Kinh đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 ở mức “khoảng 5%” và mục tiêu lạm phát là 2%. Đây là mức lạm phát mục tiêu thấp nhất trong hơn 20 năm qua.
Tuần trước, chính phủ Trung Quốc đã công bố kế hoạch kích thích nhu cầu nội địa để duy trì tăng trưởng kinh tế. Theo báo cáo của chính phủ, từ “tiêu dùng” được đề cập 31 lần, nhiều hơn so với 21 lần của năm ngoái và vượt cả số lần nhắc đến từ “công nghệ”.
Tiêu dùng hiện chỉ đóng góp chưa đến 40% GDP của Trung Quốc, thấp hơn khoảng 20% so với mức trung bình toàn cầu. Trong nhiều năm qua, tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chủ yếu dựa vào xuất khẩu và đầu tư. Từ nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, căng thẳng thương mại đã buộc Bắc Kinh phải điều chỉnh chiến lược phát triển kinh tế.
Năm ngoái, GDP Trung Quốc tăng 5%, hoàn thành mục tiêu đề ra, nhờ hàng loạt biện pháp kích thích kinh tế được triển khai vào những tháng cuối năm. Đây cũng là một trong những mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới.