Sau khi lần đầu tiên vượt ngưỡng 3.000 USD, giá vàng thế giới giảm xuống còn 2.984,5 USD do nhà đầu tư thực hiện chốt lời.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 14/3, giá vàng thế giới giao ngay giảm 4 USD, xuống còn 2.984 USD mỗi ounce. Trước đó, kim loại quý này từng chạm mốc kỷ lục 3.004 USD do nhu cầu trú ẩn gia tăng sau thông tin về thuế nhập khẩu của Mỹ.
Thị trường giảm do áp lực chốt lời từ nhà đầu tư. Tính từ đầu năm, giá kim loại quý đã tăng 14%, phần nào phản ánh lo ngại về chính sách thương mại của Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng với đà suy yếu của thị trường chứng khoán Mỹ. Vàng lâu nay vẫn được xem là kênh trú ẩn an toàn trong bối cảnh kinh tế và chính trị biến động.
“Ole Hansen, Giám đốc chiến lược Hàng hóa tại Saxo Bank, cho biết rằng các nhà quản lý quỹ, đặc biệt là ở phương Tây, có xu hướng tìm đến vàng khi xuất hiện lo ngại về suy thoái kinh tế. Và hiện tại, điều này đang diễn ra.”

Giá vàng cũng nhận được sự hỗ trợ từ nhu cầu mua vào của các ngân hàng trung ương. Trung Quốc đã liên tục tăng dự trữ vàng trong bốn tháng liên tiếp. CEO GoldCore, David Russell, cho biết: “Các ngân hàng trung ương vẫn đang mua vàng với tốc độ kỷ lục nhằm giảm sự phụ thuộc vào đồng đôla, vốn ngày càng biến động.”
Kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất cũng góp phần hỗ trợ giá vàng. Hiện tại, nhà đầu tư đang dự đoán rằng Fed có thể bắt đầu hạ lãi suất từ tháng 6.
Carlos Artigas, Giám đốc nghiên cứu tại Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), nhận định: “Nhu cầu đầu tư vào vàng vẫn ở mức cao do nhiều yếu tố, bao gồm bất ổn địa chính trị, rủi ro kinh tế, kỳ vọng lạm phát gia tăng, lãi suất giảm và tâm lý thị trường thiếu ổn định.”
Goldman Sachs nhận định giá vàng có thể tăng lên mức 3.100–3.300 USD trong năm nay do những bất ổn trong chính sách tại Mỹ. Ngân hàng này dự báo: “Chúng tôi tin rằng các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục đẩy mạnh mua vàng, thậm chí vượt mức năm 2022, dù khả năng Nga và Ukraine đạt thỏa thuận ngừng bắn vẫn tồn tại.”
Trên thị trường chứng khoán Mỹ, các chỉ số chính đều khởi sắc trong phiên giao dịch ngày 14/3. Chỉ số DJIA tăng 1,65%, đạt 41.488 điểm. S&P 500 ghi nhận mức tăng 2,13% mức tăng mạnh nhất trong vòng bốn tháng. Trong khi đó, Nasdaq Composite cũng tăng 2,6%, đánh dấu phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 11/2024.
Nhóm cổ phiếu công nghệ diễn biến tích cực trong phiên giao dịch cuối tuần. Cổ phiếu Nvidia tăng hơn 5%, trong khi Tesla ghi nhận mức tăng gần 4%. Meta Platforms cũng đi lên gần 3%, còn Amazon và Apple đồng loạt tăng khoảng 2%.
Theo giới phân tích, thị trường tăng điểm nhờ việc Nhà Trắng không đưa ra thêm thông báo mới về thuế nhập khẩu, giúp giảm bớt lo ngại về căng thẳng leo thang. Ngoài ra, nhà đầu tư có thể đã tranh thủ mua vào sau khi thị trường điều chỉnh giảm trong phiên trước đó.
Tuy vậy, xét trên cả tuần, thị trường chứng khoán Mỹ vẫn đi xuống. Chỉ số DJIA giảm 3,1%, đánh dấu tuần giảm sâu nhất kể từ tháng 3/2023. S&P 500 và Nasdaq Composite cũng mất hơn 2%, kéo dài chuỗi giảm sang tuần thứ tư liên tiếp.