Cuộc đối đầu thương mại và chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng gay gắt, khi cả hai quốc gia đều quyết tâm khẳng định tầm ảnh hưởng của mình và không chấp nhận nhân nhượng lẫn nhau.
Ngày 2/4, Tổng thống Donald Trump công bố kế hoạch áp mức thuế đối ứng 10% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/4. Tiếp đó, từ ngày 9/4, nhiều đối tác thương mại sẽ phải đối mặt với mức thuế cao hơn, dao động từ 20–26% đối với Liên minh châu Âu, Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Trung Quốc bị áp mức thuế lên tới 34%, nằm trong nhóm các quốc gia chịu thuế suất cao nhất.
Đây là một động thái bất ngờ, do các con số vượt xa dự đoán trước đó. Ngay lập tức, lãnh đạo của nhiều nền kinh tế đã tìm cách tiếp cận Tổng thống Trump cùng các quan chức trong chính quyền Mỹ để đàm phán, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực từ chính sách thuế mới.
Nhưng, Trung Quốc đã lựa chọn một cách tiếp cận khác. Thay vì nhượng bộ hay tiến hành thương lượng, Bắc Kinh khẳng định sẽ “đối đầu đến cùng” với Mỹ trong cuộc chiến thuế quan, đồng thời tung ra các biện pháp đáp trả tương xứng với mỗi bước đi từ Washington.
Nhiều chuyên gia ví von rằng Mỹ và Trung Quốc đang tham gia vào một “cuộc đấu sức và đấu trí”, khi cả hai đều nắm trong tay những quân bài chiến lược và liên tục thăm dò động thái của nhau. Trong tình thế căng thẳng này, bất kỳ bên nào chùn bước trước sẽ phải chịu thiệt hại nhiều hơn.
Mỹ và Trung Quốc là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, đồng thời cũng giữ vai trò đối tác thương mại chủ chốt của nhau. Trong nhiệm kỳ đầu tiên (2017–2021), Tổng thống Donald Trump đã xác định Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh chiến lược và phát động một cuộc chiến thương mại toàn diện nhằm kiềm chế ảnh hưởng của nước này.
Dưới thời Tổng thống Joe Biden, quan hệ thương mại giữa hai bên phần nào hạ nhiệt. Thế nhưng, căng thẳng nhanh chóng quay trở lại và gia tăng rõ rệt sau khi ông Trump tái đắc cử và tiếp tục nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng.
Vào đầu tháng 2, chính quyền của ông Trump đã áp mức thuế 10% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngay sau đó, Bắc Kinh đã có động thái đáp trả bằng cách áp thuế từ 10% đến 15% đối với một số mặt hàng nhập khẩu từ Mỹ. Sang đầu tháng 3, Washington tiếp tục gia tăng áp lực khi nâng mức thuế thêm 10% đối với hàng hóa Trung Quốc. Để đối phó, Trung Quốc mở rộng danh sách các mặt hàng của Mỹ chịu mức thuế 10–15%.
Sau khi ông Trump công bố các biện pháp thuế đối ứng, ngày 4/4, Trung Quốc tuyên bố sẽ áp dụng mức thuế bổ sung lên tới 34% đối với hàng hóa Mỹ, bắt đầu từ ngày 10/4. Trước phản ứng này, Tổng thống Mỹ thể hiện lập trường cứng rắn hơn, khi vào ngày 7/4 cảnh báo rằng Washington có thể sẽ tiếp tục áp thêm mức thuế 50% nếu Bắc Kinh không ngừng các hành động trả đũa thương mại.
Ngày 9/4, khi mức thuế 84% do phía Mỹ áp dụng chính thức có hiệu lực, Trung Quốc lập tức tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả mạnh mẽ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Lâm Kiếm, khẳng định Bắc Kinh “không bao giờ chấp nhận những hành vi áp đặt hay bắt nạt” và nhấn mạnh rằng Trung Quốc “nhất định sẽ có phản ứng tương xứng”.
Vào cuối ngày 9/4, Bộ Tài chính Trung Quốc thông báo sẽ triển khai mức thuế 84% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, bắt đầu từ ngày 10/4, như một động thái đáp trả chính sách thuế quan từ Washington. Đồng thời, Bộ Thương mại Trung Quốc cũng công bố việc đưa 12 doanh nghiệp Mỹ vào diện kiểm soát xuất khẩu, cùng với 6 công ty khác bị liệt vào danh sách “thực thể không đáng tin cậy”.
Phản ứng của Trung Quốc lần này dường như không đúng với những gì Tổng thống Trump kỳ vọng. Trong tuyên bố ngày 9/4, ông cho biết đang chờ một cuộc điện đàm từ Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và bày tỏ niềm tin rằng Bắc Kinh “rất mong muốn tiến hành đàm phán”, nhưng hiện vẫn “chưa rõ nên bắt đầu từ đâu”.
Khoảng sáu giờ sau, ông Trump công bố điều chỉnh chính sách thuế: mức thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc được nâng từ 104% lên 125%, trong khi mức thuế đáp trả được hạ xuống còn 10% và tạm hoãn thi hành trong 90 ngày. Ông cũng tiết lộ rằng đã có hơn 75 quốc gia liên hệ với phía Mỹ nhằm mở các cuộc đàm phán thương mại, cam kết không thực hiện các biện pháp trả đũa. Theo lời Tổng thống, những con số này là điều “khó ai có thể hình dung nổi” chỉ vài tuần trước đó.
“Những gì đang diễn ra hiện nay giống như một cuộc thử sức về mức độ chịu đựng – ai có thể chịu tổn thất lâu hơn,” chuyên gia Mary Lovely, nhà nghiên cứu về quan hệ thương mại Mỹ – Trung tại Viện Peterson (Hoa Kỳ), nhận định. Theo bà, cuộc đối đầu đã vượt xa phạm vi của những lợi ích kỳ vọng, khi Trung Quốc – dù đang đối mặt với tăng trưởng chậm lại – vẫn thể hiện thái độ kiên quyết, không nhượng bộ trước điều họ xem là hành động gây sức ép từ phía Mỹ.
Phó giáo sư Gu Qingyang, giảng viên Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu (Singapore), cho rằng Trung Quốc hoàn toàn có lý do để “giữ thế đối đầu” với Mỹ. Những tác động từ chính sách thuế mà chính quyền Trump áp đặt lên Trung Quốc được đánh giá là vẫn nằm trong ngưỡng kiểm soát đối với nền kinh tế vĩ mô. Thực tế, trong những năm gần đây, Trung Quốc đã từng bước điều chỉnh chính sách nhằm thích nghi tốt hơn với môi trường thương mại toàn cầu ngày càng nhiều biến động.
Trung Quốc đang từng bước tái cấu trúc mô hình kinh tế đối ngoại, với trọng tâm là giảm sự lệ thuộc vào xuất khẩu. Tỷ trọng xuất khẩu trong GDP đã giảm mạnh, từ mức 67% vào năm 2006 xuống chỉ còn 33% vào năm 2023. Thị trường Mỹ hiện chỉ chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc. Song song đó, Bắc Kinh chủ động mở rộng mạng lưới thương mại sang các quốc gia đang phát triển tại châu Phi và khu vực Mỹ Latin. Ở trong nước, chính phủ Trung Quốc cũng triển khai các biện pháp hỗ trợ nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đối với doanh nghiệp trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang.
“Việc cho rằng Trung Quốc sẽ chủ động xuống thang và đơn phương gỡ bỏ hàng rào thuế quan là một nhận định sai lầm,” ông Alfredo Montufar-Helu, cố vấn cấp cao về Trung Quốc tại tổ chức The Conference Board (Hoa Kỳ), nhận xét. “Nếu làm như vậy, Bắc Kinh có thể bị nhìn nhận là đang ở thế yếu, đồng thời tạo tiền lệ để Mỹ tiếp tục đưa ra thêm yêu sách.”
Trong bài xã luận ngày 10/4, Global Times, tờ báo trực thuộc Nhân dân Nhật báo – cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc – nhận định rằng Mỹ, với vai trò là nền kinh tế đứng đầu thế giới, từ lâu đã thu được nhiều lợi ích từ hệ thống thương mại quốc tế. Khi đối diện với các vấn đề mang tính cơ cấu trong nền kinh tế trong nước, Washington lại có xu hướng đẩy áp lực ra bên ngoài, chuyển gánh nặng sang các quốc gia khác.
Tờ báo cũng cho rằng phát triển là một nhu cầu thiết yếu của nhân loại, đồng thời là quyền cơ bản được Hiến chương Liên Hợp Quốc công nhận. Do đó, theo lập luận của Global Times, Mỹ không thể dùng khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” để biện minh cho việc ngăn cản các quốc gia khác theo đuổi con đường phát triển chính đáng của họ.
Ở chiều ngược lại, hiện vẫn chưa rõ Mỹ sẽ xoay sở ra sao để tìm nguồn cung thay thế Trung Quốc trong bối cảnh liên tiếp ban hành các biện pháp áp thuế mạnh tay. Đây được xem là một lợi thế đáng kể cho Bắc Kinh, bởi Mỹ hiện vẫn đang có mức độ phụ thuộc cao vào hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.
Theo báo cáo công bố hồi tháng 2 của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ, Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng hóa lớn thứ tư của Mỹ, với tổng kim ngạch song phương vượt 580 tỷ USD trong năm 2024. Trung Quốc cũng giữ vị trí là thị trường xuất khẩu lớn thứ tư và là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba của Hoa Kỳ.
Các mặt hàng chủ yếu mà Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc phần lớn là hàng tiêu dùng, bao gồm điện thoại thông minh, máy tính và đồ chơi. Theo phân tích từ công ty Rosenblatt Securities công bố tuần trước, giá bán của mẫu iPhone rẻ nhất tại thị trường Mỹ có thể tăng từ 799 USD lên tới 1.142 USD – ngay cả khi mức thuế mới chỉ được áp ở ngưỡng 54%.
“Vấn đề này không thể quy hoàn toàn trách nhiệm cho phía Trung Quốc,” bà Diana Choyleva, kinh tế trưởng của hãng tư vấn Enodo Economics (Anh), chia sẻ với tờ The Guardian.

Tuy vậy, giáo sư Wang Yuesheng Giám đốc Viện Kinh tế Quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh cảnh báo rằng Trung Quốc vẫn có thể chịu tổn thất lớn hơn so với Mỹ. Ông lý giải rằng phần lớn hàng tiêu dùng do Trung Quốc sản xuất chủ yếu phục vụ nhu cầu từ nền kinh tế lớn nhất thế giới, điều này đồng nghĩa với việc việc tìm kiếm thị trường thay thế sẽ không hề dễ dàng.
Bên cạnh đó, những rủi ro phát sinh từ các biện pháp thuế quan nhằm vào hoạt động xuất nhập khẩu có thể khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc khôi phục dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Theo nhận định của ông Evan Medeiros, giáo sư chuyên về các vấn đề châu Á tại Đại học Georgetown (Hoa Kỳ), chiến lược hiện tại của Bắc Kinh là tiếp tục giữ lập trường cứng rắn, đồng thời trông đợi rằng Tổng thống Trump sẽ phải đối mặt với áp lực gia tăng từ dư luận trong nước, buộc ông phải xem xét lại chính sách của mình. “Trung Quốc sẽ kiên trì đối đầu với niềm tin rằng họ có khả năng trụ vững lâu hơn phía bên kia,” ông nói.

Theo đánh giá của giới phân tích, bất chấp mức độ căng thẳng hiện tại, cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc khó có thể kéo dài vô thời hạn, bởi cả hai nền kinh tế đều không đủ sức chịu đựng tình trạng thuế quan ở mức quá cao trong thời gian dài. Hai bên vẫn chia sẻ những lợi ích chiến lược đủ để duy trì kênh đối thoại. Bắc Kinh nhiều lần thể hiện thiện chí giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán hòa bình, trong khi Washington thường xem các biện pháp thuế quan như một công cụ tạo ưu thế trên bàn thương lượng.
Một bộ phận chuyên gia tin rằng Washington và Bắc Kinh có thể tiến hành những cuộc tiếp xúc kín nhằm tháo gỡ bế tắc, đồng thời giúp hai bên giữ được thể diện. Tuy nhiên, vẫn tồn tại không ít ý kiến thận trọng, cho rằng khả năng đạt được bước đột phá trong ngắn hạn là điều không dễ dàng.
Deborah Elms, nhà nghiên cứu tại Quỹ Hinrich (Singapore), bày tỏ sự hoài nghi trước lập luận của ông Trump rằng sức hấp dẫn của thị trường Mỹ đủ lớn để khiến Trung Quốc phải lùi bước. “Kịch bản kết thúc ra sao thì chưa ai dám chắc. Tôi thực sự quan ngại trước tốc độ leo thang căng thẳng giữa hai bên. Tương lai trở nên mờ mịt hơn bao giờ hết, và mức độ rủi ro đang ở ngưỡng rất cao,” bà nói.
Chung quan điểm, Craig Singleton chuyên gia tại Viện Chính sách FDD có trụ sở tại Mỹ cho rằng, với tình hình hiện nay, khả năng diễn ra một cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước là điều rất khó xảy ra.
“Cả hai phía đều tin rằng mình nắm ưu thế về mặt thời gian, điều này khiến nguy cơ bế tắc kéo dài càng lớn, bởi không bên nào muốn chủ động nhượng bộ cho đến khi phải gánh chịu tổn thất rõ rệt. Lúc này, vấn đề không đơn thuần là thuế quan nữa, mà đã trở thành phép thử về ý chí và sự kiên định,” ông Singleton nói.