Thủ tướng Canada lên tiếng phản đối mạnh mẽ và thực hiện các biện pháp đáp trả tương xứng với Mỹ, trong khi Tổng thống Mexico giữ thái độ ôn hòa, khéo léo áp dụng đường lối ngoại giao để bảo vệ lợi ích quốc gia trước chính sách thuế của ông Trump.
Ngày 6/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký văn bản trì hoãn gần một tháng việc áp thuế bổ sung đối với các sản phẩm từ Canada và Mexico theo khuôn khổ Hiệp định Mỹ – Mexico – Canada (USMCA). Điều này đồng nghĩa phần lớn mặt hàng từ hai quốc gia này sẽ được Mỹ tạm hoãn áp mức thuế 25% cho đến ngày 2/4.
“Tôi đã trao đổi với Tổng thống Mexico Claudia Sheinbaum và đồng ý rằng Mexico sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm thuộc USMCA”, ông Trump chia sẻ trên mạng xã hội mà không nhắc đến Canada. Ông cũng bày tỏ sự tôn trọng đối với bà Sheinbaum và gửi lời cảm ơn vì những nỗ lực hợp tác của bà.
Ngôn từ mà ông Trump sử dụng khi nhắc đến Thủ tướng Canada Justin Trudeau lại mang sắc thái hoàn toàn khác. Tổng thống Mỹ thường gọi ông Trudeau là “thống đốc” và ví Canada như “bang thứ 51” của nước mình.
Theo giới chức Mexico, sự khác biệt này bắt nguồn từ cách tiếp cận khéo léo của bà Claudia Sheinbaum khi làm việc với vị lãnh đạo khó lường tại Nhà Trắng. Ngay từ đầu, khi Mỹ gia tăng áp lực thông qua các biện pháp thuế quan, bà Sheinbaum đã kêu gọi Mexico giữ thái độ bình tĩnh và nhấn mạnh rằng “những cái đầu lạnh sẽ giành phần thắng”.
Ngay từ khi tranh cử, ông Trump đã nhiều lần tuyên bố sẽ áp mức thuế 25% đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Canada và Mexico. Ông cho rằng cả hai quốc gia này chưa thực hiện đủ các biện pháp nhằm đáp ứng những quan ngại của Washington về vấn đề an ninh biên giới và tình trạng buôn lậu chất gây nghiện, đặc biệt là fentanyl, vào Mỹ.
Ban đầu, kế hoạch áp thuế được ông Trump dự kiến triển khai vào ngày 4/2. Sau cuộc trao đổi với ông Trudeau và bà Sheinbaum, ông quyết định lùi thời hạn thêm một tháng. Trong các cuộc thảo luận, lãnh đạo Canada và Mexico cam kết tăng cường các biện pháp kiểm soát biên giới để hạn chế tình trạng nhập cư trái phép và buôn lậu chất cấm. Dù vậy, đến cuối tháng 2, ông Trump vẫn cho rằng hai nước chưa có động thái đủ mạnh nên quyết định thực hiện việc áp thuế từ ngày 4/3.
Phản ứng của Canada và Mexico trước các biện pháp thuế quan từ Mỹ dần có sự khác biệt rõ rệt. Canada chỉ trích chính sách thuế của Washington là “thiếu công bằng” và tuyên bố sẽ có biện pháp đáp trả ngay lập tức. Kể từ ngày 4/3, Canada đã áp mức thuế 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 21 tỷ USD nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời cảnh báo sẽ mở rộng quy mô áp thuế với thêm 87 tỷ USD hàng hóa nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang.
Trong cuộc họp báo cùng ngày, Thủ tướng Justin Trudeau khẳng định Canada “sẽ không lùi bước trong một cuộc đối đầu thương mại”. Ông cáo buộc Tổng thống Mỹ đang cố tình gây tổn hại đến nền kinh tế Canada nhằm tạo điều kiện để sáp nhập nước này vào Mỹ, đồng thời cho rằng động thái áp thuế của Washington là “thiếu sáng suốt”.
Chính quyền và người dân tại các tỉnh của Canada đã có những động thái riêng để đối phó với chính sách thuế quan từ Mỹ, bao gồm việc loại bỏ hàng hóa Mỹ khỏi các kệ siêu thị. Thủ hiến Ontario, ông Doug Ford, cũng tuyên bố áp mức thuế 25% đối với điện xuất khẩu sang ba bang của Mỹ nhằm đáp trả sức ép từ chính quyền ông Trump.
Theo AP, một quan chức cấp cao Canada tiết lộ rằng Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick từng đề nghị ông Doug Ford nhượng bộ. Tuy nhiên, Thủ hiến Ontario khẳng định sẽ giữ lập trường cứng rắn hơn. Ông Lutnick đồng thời cảnh báo rằng những phát ngôn “không khéo léo” của Thủ tướng Trudeau cùng các tuyên bố từ quan chức Canada sẽ không giúp cải thiện tình hình căng thẳng hiện tại.
Trong khi đó, bà Claudia Sheinbaum lựa chọn cách tiếp cận thận trọng hơn. Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 4/3, Tổng thống Mexico cho biết bà dự định triển khai “các biện pháp thuế và phi thuế quan” nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia từ ngày 9/3, thể hiện rõ ưu tiên của bà trong việc tận dụng các kênh ngoại giao trước tiên.
Trước đó một tuần, Mexico đã dẫn độ 29 trùm băng đảng ma túy sang Mỹ để đối mặt với các cáo buộc liên quan đến giết người và rửa tiền. Trong số này có Rafael Caro Quintero, kẻ từng bị Mỹ truy nã từ giữa thập niên 1980.
Bà Claudia Sheinbaum cũng bày tỏ lo ngại về nguồn gốc vũ khí mà các băng đảng sử dụng, đồng thời kêu gọi Mỹ có hành động mạnh mẽ hơn nhằm ngăn chặn dòng vũ khí trái phép tuồn xuống phía nam và giảm nhu cầu tiêu thụ chất gây nghiện trong nước. “Ma túy có thể có nguồn gốc từ khu vực Mỹ Latin, nhưng thị trường tiêu thụ lớn nhất lại là Mỹ”, bà Sheinbaum nhấn nói.
Nhà kinh tế học Mexico Valeria Moy chia sẻ với BBC rằng: “Tôi cho rằng Tổng thống Sheinbaum đã vận dụng khá tốt những lợi thế mà bà nắm giữ. Có thể chưa phải lúc để ăn mừng, nhưng bà ấy đã làm mọi thứ có thể trong bối cảnh chịu sức ép từ chính sách thuế quan của ông Trump”.
Nền kinh tế của cả Canada và Mexico đều có mức độ phụ thuộc lớn vào thị trường Mỹ. Canada xuất khẩu khoảng 70% hàng hóa sang Mỹ, trong khi tỷ lệ này ở Mexico là 75%. Nhưng, theo bà Vina Nadjibulla, Phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu và chiến lược tại Quỹ Canada về châu Á – Thái Bình Dương, tình huống ông Trump đe dọa áp thuế đối với hai quốc gia này lại có những điểm khác biệt.
Ông Trump từng đề xuất phương án không kích các băng đảng ma túy ở Mexico, lực lượng mà chính quyền Mỹ đã xếp vào danh mục “tổ chức khủng bố”. Còn đối với Canada, ông Trump từng có phát biểu ngụ ý rằng nước này có thể trở thành “bang thứ 51” của Mỹ.
“Ông Trudeau cho rằng ông Trump muốn làm suy yếu nền kinh tế Canada để tạo điều kiện thúc đẩy kế hoạch sáp nhập, thậm chí còn hơn cả một cuộc chiến thương mại”, bà Vina Nadjibulla nhận định. “Đây là vấn đề sống còn đối với Canada, nên Ottawa buộc phải có phản ứng ngay lập tức và quyết liệt. Điều này không đơn thuần là hành động đáp trả về thuế quan, mà là nhằm bảo vệ chủ quyền đất nước”.
Theo bà Nadjibulla, bà Sheinbaum có một lợi thế mà ông Trudeau không có, đó là thời gian. Trong khi Canada đang tiến gần đến kỳ tổng tuyển cử, đảng Tự do của ông Trudeau lại đang bị đảng Bảo thủ đối lập dẫn trước trong các cuộc khảo sát. Tuy nhiên, quan điểm cứng rắn của ông Trudeau đối với ông Trump đã khơi dậy tinh thần yêu nước trong người dân, giúp đảng Tự do dần thu hẹp khoảng cách với đối thủ chính trị.
Tổng thống Mexico vừa nhậm chức vào tháng 10/2024 và hiện nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ công chúng. Trong hai cuộc khảo sát được tiến hành vào tháng 2, tỷ lệ ủng hộ dành cho bà lần lượt đạt 80% và 85%.
“Dù tin hay không, nhưng bất chấp những điều tồi tệ mà Canada đã phải đối mặt, tôi nghĩ Trudeau đang lợi dụng vấn đề thuế quan mà phần lớn là do chính ông ấy gây ra để phục vụ cho mục tiêu tái đắc cử Thủ tướng. Thật thú vị khi chứng kiến điều này!”, ông Trump viết trên mạng xã hội ngay trước khi dành lời khen ngợi cho bà Sheinbaum.

Các chuyên gia hiện vẫn chưa thể đưa ra nhận định chắc chắn về những diễn biến tiếp theo. Một số nguồn tin cho rằng Mỹ có thể sẽ điều chỉnh lập trường, sẵn sàng giảm bớt mức thuế áp dụng với Canada và Mexico. Theo bà Vina Nadjibulla, “Ngay cả khi ông Trump quyết định hạ nhiệt căng thẳng, niềm tin giữa các bên đã phần nào bị tổn hại”.
Việc áp thuế cũng có thể tác động đến quá trình gia hạn USMCA, thỏa thuận thương mại tự do mà chính ông Trump đã ký kết trong nhiệm kỳ đầu của mình. Theo kế hoạch, USMCA sẽ được đánh giá lại vào năm 2026, song quá trình đàm phán có thể sẽ được tiến hành sớm hơn dự kiến.
“Làm thế nào có thể đạt được một thỏa thuận ổn định khi một bên liên tục thay đổi quy tắc hoặc áp thuế mà không có bất kỳ thông báo nào?” bà Vina Nadjibulla đặt vấn đề. “Dù các biện pháp thuế có được nới lỏng hay gỡ bỏ, điều đáng lo ngại hơn là Canada và nhiều quốc gia khác giờ đây đã nhìn nhận Mỹ như một đối tác kém đáng tin cậy”.