Bất chấp những áp lực từ thuế quan và sự suy giảm trong niềm tin tiêu dùng, Labubu món đồ chơi đến từ Trung Quốc vẫn tạo nên cơn sốt và trở thành “vật phẩm gây nghiện” đối với nhiều người dân Mỹ.
Với đôi mắt to tròn và nụ cười tinh nghịch, Labubu món đồ chơi nhồi bông lấy cảm hứng từ sinh vật thần thoại Bắc Âu đang trở thành hiện tượng trong giới tiêu dùng tại Mỹ. Lin, một sinh viên ngành y ở Nebraska, hiện đang sở hữu bộ sưu tập gồm hàng chục mẫu Labubu khác nhau.
Tại thị trường Mỹ, những chú Labubu có giá dao động từ vài chục đến hàng trăm USD trên các sàn thương mại điện tử. Dù giá không hề rẻ, người hâm mộ vẫn sẵn sàng chi mạnh tay. Lin từng bỏ ra hàng trăm USD và dành nhiều giờ theo dõi các buổi phát trực tiếp trên TikTok để săn được một chú Zimomo cao 22 inch với phần đuôi có gai. “Món này quá hot, thực sự giống như một món đồ xa xỉ,” cô chia sẻ.
Món đồ chơi nhồi bông mang vẻ ngoài vừa kỳ bí vừa đáng yêu này đang tạo nên một làn sóng cuồng nhiệt, đặc biệt thu hút sự chú ý từ thế hệ Gen Z và người trưởng thành. Labubu thường được dùng làm phụ kiện trang trí cho túi xách, ba lô. Nhiều người hâm mộ không ngần ngại xếp hàng hàng giờ tại các trung tâm thương mại chỉ để có cơ hội sở hữu một chú Labubu thông qua hình thức mua hộp mù (blind box).
Pop Mart – công ty Trung Quốc đứng sau thành công của Labubu đã tăng trưởng vượt bậc ở cả thị trường trong nước lẫn Mỹ. Riêng trong năm 2024, dòng sản phẩm Labubu đã mang về doanh thu 3 tỷ nhân dân tệ (khoảng 410 triệu USD), đóng góp lớn vào tổng doanh thu 13,04 tỷ tệ (tương đương 1,8 tỷ USD) của hãng. Ngoài Labubu, Pop Mart còn sở hữu loạt nhân vật được yêu thích khác như Baby Molly, Crybaby, Dimoo, Pucky cùng hơn 30 mẫu búp bê khác hiện có mặt tại thị trường Mỹ.
Theo CNN, dù mức chi tiêu tại Mỹ đang có dấu hiệu chững lại và tình hình thuế quan vẫn còn căng thẳng, doanh số của Labubu cùng các dòng đồ chơi khác vẫn tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định. Citigroup ước tính rằng trong năm vừa qua, doanh thu của Pop Mart tại thị trường Mỹ đã tăng vọt từ 895% đến 900%.
Lin không phải là người duy nhất trong gia đình bị cuốn hút bởi các sản phẩm của Pop Mart. Cha cô chính là người đã mua những chú Labubu đầu tiên cho Lin và em gái trong một chuyến du lịch đến Đài Loan (Trung Quốc). Giờ đây, ông cũng trở thành một fan của thương hiệu này, thậm chí còn treo một chú Crybaby lên vali cá nhân.
Ali Domrongchai, một biên tập viên mảng ẩm thực tại New York, đã theo dõi làn sóng yêu thích Labubu từ khá lâu. Hai người bà ngoài 80 tuổi của cô cũng không đứng ngoài trào lưu khi dùng Labubu làm phụ kiện trang trí cho túi xách Louis Vuitton. Trong chuyến trở về Thái Lan năm ngoái, Ali và người em họ đã gần như “lùng sục” khắp các trung tâm thương mại ở Bangkok để săn bằng được những chú Labubu nhồi bông.
Tại Mỹ, các cửa hàng Pop Mart thường xuyên đông đúc, đặc biệt vào thời điểm ra mắt sản phẩm mới. Tháng trước, một chi nhánh của hãng trên đại lộ Michigan (Chicago) từng ghi nhận cảnh người xếp hàng kéo dài quanh cả khu phố chỉ để chờ cửa hàng mở cửa. Một số khách thậm chí mang theo cả chăn và ghế gấp để cắm trại qua đêm.
“Tôi đến từ 1h30 sáng chỉ để chắc chắn mình có được một con Labubu,” August Olvera chia sẻ với NBC Chicago. “Sếp tôi nói mấy con này trông kỳ dị, nhưng với tôi thì chúng cực kỳ dễ thương,” cô nói thêm.
Cơn sốt Labubu đôi khi vượt ngoài tầm kiểm soát. Tại cửa hàng Pop Mart nằm trong trung tâm thương mại Westfield Century City (Los Angeles), các video lan truyền trên mạng xã hội hồi tháng trước ghi lại cảnh hàng trăm người chen lấn, ùa về phía cửa hàng từ lúc tờ mờ sáng vào một ngày thứ Sáu, buộc lực lượng cảnh sát phải can thiệp. Theo chia sẻ từ những người có mặt, sự kiện sau đó đã bị hủy bỏ do tình hình quá tải.
Pop Mart dự kiến doanh thu quý đầu năm nay tăng từ 165% đến 170%. Trong đó, mảng kinh doanh quốc tế bùng nổ với mức tăng doanh thu từ 475% đến 480%, gấp bốn lần so với thị trường Trung Quốc. Từ đầu năm đến ngày 20/5, giá cổ phiếu công ty đã tăng hơn 128%, giúp vốn hóa thị trường đạt 36,35 tỷ USD. Trong vòng một năm qua, cổ phiếu Pop Mart tăng hơn 465%, vượt xa so với mức tăng của Tencent (30,8%) và Alibaba (38,8%).
Giáo sư Anne Cheng từ Đại học Princeton giải thích rằng thành công của Labubu dù gặp nhiều rào cản về thuế quan và sự giảm sút niềm tin tiêu dùng, xuất phát từ niềm yêu thích lâu đời của người Mỹ đối với văn hóa “kawaii” châu Á, bắt nguồn từ thời Hello Kitty. Mặc dù các sản phẩm châu Á đôi khi phải đối mặt với rào cản thương mại và định kiến, những món đồ nhỏ gọn, đóng hộp và dễ sử dụng như Labubu vẫn rất được ưa chuộng tại Mỹ, theo bà Cheng.
Cách tiếp cận và chiến lược quảng bá của Labubu rất phù hợp với bối cảnh cũng như tâm lý và sở thích tiêu dùng hiện nay. Các chuyên gia nhận định rằng những chú thú bông của Pop Mart được xem như một “dạng xa xỉ trong tầm với,” khác biệt hoàn toàn so với những món đồ hiệu đắt đỏ như túi xách hay đồng hồ trị giá hàng nghìn USD. Trong bối cảnh người tiêu dùng đang cắt giảm chi tiêu, nhiều người chọn mua các món đồ chơi với mức giá khởi điểm từ 20 đến 40 USD.
Ali Domrongchai chia sẻ, “Mọi người đang tìm kiếm sự an ủi và cảm giác được chữa lành, họ muốn tìm bất cứ thứ gì mang lại niềm vui cho mình.”
Thania Gonzalez, 31 tuổi, người đã sưu tập gần như toàn bộ các mẫu Labubu, cho biết món đồ chơi này giúp mọi người tìm lại ký ức tuổi thơ giữa những áp lực của cuộc sống hiện đại. “Tôi nghĩ nó mang lại sự chữa lành cho đứa trẻ bên trong mỗi người,” cô chia sẻ.
Sức hút của Labubu còn được tăng cường nhờ sự ủng hộ từ người nổi tiếng. Ngôi sao Lisa thuộc nhóm nhạc Hàn Quốc BlackPink từng tiết lộ cô “dốc hết tiền” vào việc mua blind box của Pop Mart vào năm 2024. Ca sĩ Rihanna cũng là một trong những người sở hữu Labubu. Cộng đồng người sưu tập món đồ này ngày càng phát triển mạnh mẽ và liên tục mời gọi những ai chưa bị “nụ cười tinh nghịch” của Labubu thu hút cùng tham gia.
Labubu được bán dưới hình thức hộp mù (blind box), tức người mua không biết trước món đồ bên trong là gì. Nhiều người chia sẻ họ cảm thấy hứng thú và vui sướng khi mở hộp. Giáo sư Cheng cho rằng phương thức này đánh đúng tâm lý ham sưu tập, khi đã bắt đầu thì người mua thường sẽ tiếp tục săn tìm các sản phẩm tiếp theo.
Dù sản phẩm bán rất chạy, Pop Mart vẫn phải đối mặt với những ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, giống như nhiều doanh nghiệp trong ngành công nghiệp đồ chơi “made in China.” Tuy nhiên, Pop Mart khẳng định sẽ chịu toàn bộ chi phí phát sinh do thuế quan, đảm bảo khách hàng không phải chi trả thêm bất kỳ khoản phí hải quan nào.
Dòng sản phẩm Labubu mới ra mắt vào tháng 4 có mức giá 27,99 USD, cao hơn 6 USD so với phiên bản trước đó. Đối với những người không thể sở hữu được Labubu chính hãng, trên thị trường đã xuất hiện hàng giả với những cái tên như “lafufu” hay “fauxbubu.” Nhưng, các sản phẩm nhái này thường có chất lượng lông kém và khuôn mặt không được tinh tế, thậm chí nụ cười còn bị méo mó.
Pop Mart hiện đang tạm thời giảm bớt áp lực khi Mỹ đồng ý hạ mức thuế nhập khẩu từ 145% xuống còn 30% đối với hàng hóa từ Trung Quốc. Về lâu dài, Citigroup dự báo công ty đồ chơi này sẽ tập trung đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tăng giá bán tại thị trường Mỹ hoặc ưu tiên mở rộng sang các thị trường mới khác.
Bên cạnh áp lực thuế quan, Pop Mart còn phải đối mặt với nhiều thách thức khác. Hình thức kinh doanh hộp mù ngày càng phổ biến hơn, với sự xuất hiện của các chuỗi cửa hàng giá rẻ như Miniso và Daiso, sở hữu hàng trăm điểm bán tại Mỹ, cung cấp các sản phẩm hộp mù với mức giá chưa đến 5 USD. Citigroup dự báo thị trường sẽ tiếp tục mở rộng, kéo theo sự gia tăng cạnh tranh từ nhiều đối thủ đến từ Trung Quốc.