Mặc dù các biện pháp thuế quan của Tổng thống Donald Trump đang đối mặt với rào cản pháp lý, chiến dịch siết chặt nhập cư của ông lại được đẩy mạnh và có thể trở thành yếu tố chủ chốt buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải hạ lãi suất sâu hơn.
“Chính sách thương mại vẫn tiềm ẩn nhiều biến số, nhưng nhập cư lại không nằm trong số đó,” các chuyên gia của Morgan Stanley nhận định trong một báo cáo gần đây. Họ cho biết, dữ liệu tính đến cuối tháng 4 cho thấy tốc độ suy giảm của dòng người nhập cư trong năm 2025 sẽ mạnh hơn so với các dự báo trước đây.
Dựa trên các số liệu cập nhật, Morgan Stanley đã điều chỉnh giảm dự báo nhập cư xuống còn 800.000 người trong năm nay và 500.000 người vào năm tới. Việc kiểm soát chặt hơn dòng nhập cư được cho là sẽ kìm hãm đà tăng trưởng dân số và lực lượng lao động, từ đó khiến thị trường lao động tiếp tục khan hiếm dù tốc độ tạo việc làm có chậm lại.
Dữ liệu cập nhật về nhập cư của Morgan Stanley cho thấy tốc độ tăng trưởng dân số có thể giảm xuống còn 0,4% trong năm 2025 và 0,3% vào năm 2026. Đồng thời, tốc độ mở rộng của lực lượng lao động cũng được dự báo giảm xuống 0,7% trong năm nay và 0,5% vào năm sau.
“Mức nhập cư giảm thấp đồng nghĩa thị trường lao động sẽ vẫn trong tình trạng căng thẳng, ngay cả khi tốc độ tạo việc làm chậm lại. Fed có thể sẽ không coi sự giảm tốc trong tăng trưởng việc làm là tín hiệu của sự suy yếu kinh tế,” các chuyên gia phân tích nhận định.
Tuy nhiên, sự suy giảm của lực lượng lao động lại là yếu tố quan trọng đối với Fed. Khi tăng trưởng tiềm năng giảm còn 2,0% và có thể xuống tới 1,5% vào năm tới Morgan Stanley cho rằng lãi suất trung tính (mức không thúc đẩy cũng không làm chậm nền kinh tế) sẽ thấp hơn, đồng nghĩa với khả năng Fed sẽ phải cắt giảm lãi suất mạnh hơn khi bắt đầu nới lỏng.
Morgan Stanley dự báo rằng tăng trưởng tiềm năng yếu hơn sẽ kéo lãi suất trung tính xuống thấp, với mức đáy của lãi suất chính sách trong chu kỳ nới lỏng năm 2026 nằm trong khoảng 2,50–2,75%.
Trong khi đó, chính sách thương mại của ông Trump nhiều khả năng sẽ không có thay đổi tức thời, dù đang vấp phải các tranh chấp pháp lý cụ thể là các mức thuế áp dụng theo Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) đã bị tuyên là vi phạm pháp luật, nhưng sau đó đã được khôi phục tạm thời khi chính quyền Trump nộp đơn kháng cáo do Tổng thống vẫn có thể dựa vào các căn cứ pháp lý khác để tiếp tục triển khai chính sách.
Theo các nhà phân tích, chính quyền có thể tái lập phần lớn chính sách thuế hiện tại dựa trên các nền tảng pháp lý khác, dù tiến trình này sẽ kéo dài hơn. Họ vẫn giữ nguyên dự báo rằng các mức thuế sẽ tiếp tục được nâng dần trong năm 2025 và đầu năm 2026, điều này có thể gây thêm sức ép lên nền kinh tế.
Các số liệu kinh tế gần đây tiếp tục cho thấy xu hướng hạ nhiệt dần của nền kinh tế. Ước tính GDP quý I lần hai ghi nhận mức giảm 0,2% so với quý trước (đã điều chỉnh mùa vụ và quy đổi theo tốc độ hàng năm), phần lớn do chi tiêu tiêu dùng cá nhân suy yếu. Trong khi đó, dữ liệu lao động phản ánh đà tuyển dụng chậm lại, song chưa có dấu hiệu sụt giảm mạnh về nhu cầu, cho thấy đây có thể là giai đoạn tạm ngừng tuyển dụng do mức độ bất định chính sách tăng cao, chứ không phải sự suy yếu thực sự về cầu lao động.
Dù các vấn đề xoay quanh chính sách thuế có thể cần thời gian để sáng tỏ, thì chính sách nhập cư với tính rõ ràng và giới hạn của nó đang đóng vai trò định hình thị trường lao động, từ đó ảnh hưởng đến định hướng điều hành chính sách tiền tệ của Fed.
“Dù do độ trễ giữa tác động của thuế đối với lạm phát và hoạt động kinh tế, hay do ảnh hưởng cơ cấu từ việc nhập cư giảm sút, chúng tôi nhận thấy cả yếu tố chu kỳ lẫn cơ cấu đều đang tạo tiền đề để Fed phải giảm lãi suất sâu hơn so với kỳ vọng khi bắt đầu chu kỳ nới lỏng,” Morgan Stanley kết luận.