Chính sách kinh tế “kiềng ba chân” của ông Trump đang đối mặt với nguy cơ mất cân bằng khi một trong những trụ cột chính thuế quan bị tòa án ngăn chặn.
Theo CNN, để hiện thực hóa khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”, Tổng thống Donald Trump xây dựng chương trình kinh tế dựa trên ba trụ cột gồm: áp thuế thương mại, cắt giảm chi tiêu và giảm thuế.
Tuy nhiên, chiếc kiềng đang có dấu hiệu lung lay. Ngày 28/5, Tòa án Thương mại Quốc tế (CIT) tại Manhattan đã ra phán quyết chặn các chính sách thuế nhập khẩu do ông Trump ban hành theo Đạo luật Quyền Kinh tế Khẩn cấp (IEEPA), cho rằng tổng thống đã “vượt quá thẩm quyền”.
Các mức thuế bị ngăn bao gồm thuế đối ứng và các loại thuế trước đó áp dụng với Mexico, Canada và Trung Quốc liên quan đến vấn đề nhập cư và fentanyl. Nhà Trắng ngay lập tức kháng cáo và cho biết sẵn sàng đưa vụ việc lên Tòa án Tối cao nếu cần.
Đến ngày 29/5, Tòa phúc thẩm Liên bang khu vực Washington đã tạm thời đình chỉ phán quyết của CIT để xem xét đơn kháng cáo. Tòa yêu cầu bên nguyên đơn nộp phản hồi trước ngày 5/6, còn phía chính quyền Trump phải phản hồi trước ngày 9/6. Việc trì hoãn này giúp Nhà Trắng có thêm thời gian để xử lý vụ việc.
Theo CNN, khi chính sách thuế quan chủ chốt của tổng thống bị tòa án đặt dấu hỏi, những bất ổn sắp tới có thể làm chệch hướng toàn bộ kế hoạch kinh tế. Nói cách khác, nếu thiếu một trụ cột, chiếc kiềng ba chân sẽ không còn vững.
Trước hết, tiến trình đàm phán thương mại giữa Mỹ và các quốc gia khác có nguy cơ bị tác động. Cho đến nay, số lượng thỏa thuận đạt được vẫn rất hạn chế, trong khi thời hạn tạm hoãn áp thuế đối ứng chỉ còn hơn một tháng. Chính quyền Trump mới chỉ công bố khuôn khổ thỏa thuận với Anh và Trung Quốc.
Aniket Shah, Trưởng bộ phận chiến lược chuyển đổi và phát triển bền vững tại ngân hàng đầu tư Jefferies, cho rằng việc các cuộc đàm phán song phương của Mỹ chững lại thời gian qua có thể do các đối tác thương mại đã dự đoán trước kết quả hiện tại. “Vấn đề đặt ra là liệu họ sẽ coi tranh chấp thương mại là lĩnh vực thuộc thẩm quyền của tòa án hay sẽ nối lại đàm phán với Mỹ?”, ông đặt câu hỏi.
Không loại trừ khả năng các quốc gia muốn tạm dừng đàm phán để đánh giá tình hình trước khi nối lại. Brett Shumate, Phó Trợ lý Tổng Chưởng lý cao cấp phụ trách Ban Dân sự, cho rằng phán quyết sẽ “làm chậm” nỗ lực của Tổng thống trong việc đạt được các thỏa thuận thương mại mới trước hạn chót 8/7, bao gồm với các đối tác chủ chốt như Nhật Bản, Ấn Độ và Liên minh châu Âu.
“Lệnh cấm này sẽ gây gián đoạn nghiêm trọng trong bối cảnh Tổng thống đang tiến hành đàm phán với nhiều nước về vấn đề thâm hụt thương mại và cuộc khủng hoảng fentanyl,” ông Shumate nhận định.
Một nhà ngoại giao tham gia quá trình đàm phán chia sẻ với CNN rằng “thật khó hiểu khi không ai dành thời gian để phân tích kỹ lưỡng những hệ quả từ phán quyết này”. Thẳng thắn hơn, một cựu quan chức nhận định đây là “cú đánh xuyên thủng chiến lược” của ông Trump đúng vào thời điểm bất lợi nhất.
Bên cạnh đó, nguồn thu từ thuế quan cũng đóng vai trò then chốt trong kế hoạch điều hành kinh tế của ông Trump. Khoản ngân sách này, cùng với việc bãi bỏ các quy định và cắt giảm chi tiêu do Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE) thực hiện, được kỳ vọng sẽ phần nào bù đắp cho các đợt giảm thuế mà ông và đảng Cộng hòa đang thúc đẩy.
Tuần trước, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật thuế và chi tiêu quy mô lớn của chính quyền Trump, bao gồm kế hoạch giảm thuế 4.500 tỷ USD và tăng chi tiêu thêm 350 tỷ USD, trong đó có phần dành cho hệ thống phòng thủ “Vòm Vàng” (Golden Dome). Elon Musk phản đối dự luật, cho rằng nó khiến nợ công Mỹ phình to và làm suy yếu các nỗ lực cắt giảm của DOGE.
Aniket Shah, chuyên gia tại Jefferies, cho rằng khoản thu từ thuế quan khoảng 150 tỷ USD mỗi năm có thể hỗ trợ thu hẹp thâm hụt. Tuy nhiên, do tính pháp lý chưa rõ ràng, ông Trump và đảng Cộng hòa có thể buộc phải điều chỉnh bằng cách giảm mức cắt thuế hoặc siết chi tiêu để dự luật có thể được Thượng viện thông qua.
Mặc dù chương trình kinh tế của ông Trump đang bị gián đoạn, chính quyền tin rằng đây chỉ là trở ngại tạm thời. Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia Kevin Hassett cho biết họ rất tự tin sẽ giành chiến thắng trong kháng cáo nên hiện chưa xem xét đến các giải pháp thay thế.
Tuy vậy, ông cũng nhấn mạnh rằng vẫn có ba đến bốn lựa chọn khác nếu cần. Một ví dụ là sử dụng Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại để áp thuế quan mà không chịu sự giám sát của tòa án. Tổng thống Trump từng vận dụng điều khoản này để áp thuế 25% đối với thép, nhôm và ôtô, và cũng từng đe dọa áp thuế đối với gỗ xẻ, dược phẩm và chất bán dẫn.
Một phương án khác là sử dụng Mục 122 và 301 của Đạo luật Mở rộng Thương mại để áp thuế, dù phạm vi thực thi của hai điều khoản này hạn chế hơn đáng kể so với quyền khẩn cấp mà ông Trump từng viện dẫn để áp thuế toàn diện lên hầu hết hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ.
Theo Alec Phillips, CEO của Goldman Sachs, tổng thống hoàn toàn có thể thay thế mức thuế 10% toàn diện bằng mức thuế tương tự theo Mục 122. Tuy nhiên, hạn chế của lựa chọn này là thời gian hiệu lực chỉ kéo dài tối đa 150 ngày. Trong khi đó, Mục 301 cho phép tổng thống mở cuộc điều tra đối với các đối tác thương mại và áp thuế dựa trên kết quả điều tra đó.
Keith Lerner, đồng Giám đốc đầu tư tại Truist Advisory Services, cho rằng bất kể kết quả phán quyết ra sao, chính quyền Trump vẫn có thể dựa vào các quyền hạn khác như Mục 232 và Mục 301 để áp thuế. “Những điều khoản này yêu cầu quy trình điều tra kỹ lưỡng hơn, nhưng cuối cùng vẫn trao cho tổng thống quyền hành động đơn phương,” ông nhận định.
Bên cạnh đó, theo các chuyên gia, phán quyết của Tòa án Thương mại Quốc tế (CIT) chưa mang lại sự rõ ràng cho doanh nghiệp, nhất là khi Nhà Trắng đã đệ đơn kháng cáo và Tòa phúc thẩm đang tạm hoãn xét xử. Ernie Tedeschi, chuyên gia tại Phòng thí nghiệm Ngân sách Yale, đánh giá môi trường hiện tại vẫn đầy bất định đối với doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ernie Tedeschi cho rằng chính quyền vẫn có thể tận dụng các cơ chế pháp lý khác để tăng thuế quan, khiến triển vọng về mức thuế trong tương lai cao hơn hay thấp hơn vẫn còn nhiều bất định.
Gary Clyde Hufbauer, thành viên cao cấp không thường trú tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, nhận xét rằng mọi việc vẫn chưa ngã ngũ. “Tình hình giống như trò chơi đập chuột Whac-a-Mole vấn đề liên tục phát sinh từ nhiều phía,” ông nói.