Ông Trump muốn tiến hành đàm phán trực tiếp ở cấp cao nhất để chấm dứt chiến sự ở Ukraine, trong khi ông Putin lại ưu tiên giải quyết các vấn đề ở cấp thấp hơn trước khi hai nhà lãnh đạo gặp mặt trao đổi.
Ngày 17/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ có cuộc điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào lúc 10h ngày 19/5 (21h giờ Hà Nội). Nội dung cuộc gọi tập trung vào việc tìm cách chấm dứt cuộc xung đột đẫm máu tại Ukraine, nơi đã khiến hơn 5.000 binh sĩ Nga và Ukraine thiệt mạng chỉ trong vòng một tuần, cùng với các vấn đề liên quan đến thương mại.
Cuộc điện đàm diễn ra sau khi phái đoàn Nga và Ukraine tổ chức các cuộc đàm phán trực tiếp tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào cuối tuần trước, nhưng không đạt được nhiều tiến triển. Theo bình luận viên Oliver Milman của Guardian, đây là một phần trong nỗ lực của ông Trump nhằm thúc đẩy tiến trình hòa giải, tuy nhiên khó có thể tạo ra bước đột phá do sự khác biệt trong chiến lược đàm phán giữa Mỹ và Nga.
Trước cuộc đàm phán diễn ra tại Istanbul tuần trước, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã đề xuất một cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Thổ Nhĩ Kỳ. Sau đó, ông Trump cũng cố gắng thuyết phục ông Putin tới Istanbul, mở ra khả năng hai nhà lãnh đạo có thể gặp mặt tại đây.
Tuy nhiên, ông Putin cuối cùng không đến Istanbul mà chỉ gửi một phái đoàn cấp thấp tham gia đàm phán. Các chuyên gia nhận định đây là dấu hiệu Nga đang theo đuổi chiến lược đàm phán “từ dưới lên”, trong đó các chuyên viên và quan chức cấp thấp sẽ giải quyết các vấn đề kỹ thuật và chi tiết phức tạp, nhằm thống nhất một thỏa thuận sơ bộ trước khi chuyển lên cấp lãnh đạo cao hơn để quyết định.
Trong khi đó, Mỹ lại lựa chọn phương thức “từ trên xuống”, tập trung vào việc hai tổng thống trực tiếp gặp gỡ để thống nhất một khuôn khổ chung, sau đó các chuyên gia sẽ đảm nhiệm xử lý các vấn đề kỹ thuật chi tiết. Sự khác biệt này không chỉ thể hiện nét đặc trưng trong văn hóa chính trị và mục tiêu chiến lược của mỗi bên, mà còn có tác động lớn đến khả năng đạt được hòa bình cho Ukraine.
Phương thức đàm phán “từ cấp thấp lên cao” của Nga
Trong chiến lược “từ dưới lên” của Nga, các chuyên gia, nhà ngoại giao cấp Ngoại trưởng hoặc đặc phái viên đóng vai trò then chốt trong giai đoạn đầu. Họ chịu trách nhiệm thảo luận kỹ càng các vấn đề kỹ thuật như ranh giới ngừng bắn, kiểm soát lãnh thổ và cơ chế giám sát.
Ví dụ, trong cuộc đàm phán tại Istanbul tháng 3/2022, phái đoàn Nga tập trung vào việc thương lượng những điều khoản cụ thể để đạt được lệnh ngừng bắn trước khi chuyển vấn đề lên cấp lãnh đạo cao hơn. Khi các chuyên gia đạt được một số đồng thuận hoặc làm rõ các điểm bất đồng, vấn đề mới được trình lên Tổng thống Putin hoặc các nhà lãnh đạo cấp cao. Phương thức này giúp Nga duy trì sự linh hoạt và giảm thiểu rủi ro chính trị cho người đứng đầu.
Theo Express Tribune, trong vòng đàm phán cuối tuần trước, phái đoàn Nga ở cấp Thứ trưởng chủ yếu tập trung xử lý các khía cạnh kỹ thuật. Họ ưu tiên làm rõ những vấn đề như việc công nhận các khu vực đã được Nga sáp nhập, bao gồm bán đảo Crimea cùng các tỉnh Donetsk, Lugansk, Zaporozhia và Kherson, đồng thời yêu cầu Ukraine không gia nhập NATO trước khi tiến tới bất kỳ thỏa thuận chính trị nào ở tầm cao hơn. Moskva khẳng định rằng mọi thỏa thuận chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở “thực tế lãnh thổ mới”.
Cách tiếp cận này bắt nguồn từ mô hình chính trị tập trung đặc trưng của Nga. Dù nắm giữ quyền lực tối cao, Tổng thống Putin thường không trực tiếp can dự vào giai đoạn đầu của quá trình ra quyết định nhằm hạn chế rủi ro mắc sai lầm hoặc những bước đi có thể ảnh hưởng đến hình ảnh quốc gia.
Trong giai đoạn này, các chuyên gia có hiểu biết sâu rộng về tình hình sẽ đảm nhận vai trò đánh giá, xử lý những vấn đề nhạy cảm trước khi trình lên cấp lãnh đạo. Trọng trách chính của họ là đảm bảo mọi thỏa thuận đạt được phải phù hợp với các yêu cầu an ninh cốt lõi của Nga, bao gồm việc phi quân sự hóa Ukraine và công nhận những vùng lãnh thổ đã được Nga sáp nhập.
Cách tiếp cận này cho phép Nga duy trì sự linh hoạt trong quá trình đàm phán, đồng thời tránh đưa ra những cam kết hấp tấp có thể dẫn đến bất lợi.
Theo tờ Moscow Times, việc tập trung vào các khía cạnh kỹ thuật và kéo dài tiến trình đàm phán giúp Nga trì hoãn các quyết định mang tính chiến lược, từ đó tận dụng thời gian để củng cố vị thế trên chiến trường trước khi tiến tới bất kỳ thỏa thuận nào. Cách làm này đồng thời tạo thêm áp lực lên Ukraine, quốc gia đang chịu thiệt hại nặng nề cả về kinh tế lẫn quân sự.
Chiến lược này thường dẫn đến việc kéo dài quá trình đàm phán, khiến Ukraine cùng các nước phương Tây xem đó như biểu hiện của sự “thiếu thiện chí”. Những đòi hỏi cứng rắn từ phía Nga, đặc biệt liên quan đến vấn đề công nhận lãnh thổ, có thể đẩy các cuộc thương lượng vào tình trạng bế tắc.
Theo nhà bình luận Milman của The Guardian, đường lối của Moscow phần lớn dựa vào việc duy trì ưu thế quân sự. Nếu không thể giữ được vị trí vượt trội trên chiến trường, khả năng đàm phán của Nga sẽ bị suy giảm rõ rệt.
Cách Mỹ áp dụng chiến lược ‘đàm phán cấp cao’
Ông Trump từng nhiều lần khẳng định rằng chỉ có ông cùng Tổng thống Putin mới đủ khả năng tháo gỡ bế tắc trong tiến trình đàm phán nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine. Quan điểm này cho thấy chính quyền Trump coi vai trò của các nhà lãnh đạo hàng đầu là yếu tố then chốt để dẫn dắt và định hình hướng đi của các cuộc thương lượng ngay từ đầu.
Cách tiếp cận này nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc gặp giữa hai nguyên thủ quốc gia, nơi ông Trump hoặc các quan chức cấp cao như Ngoại trưởng Marco Rubio sẽ đưa ra những sáng kiến chủ chốt, định hình cấu trúc tổng thể của tiến trình đàm phán. Sau khi các nhà lãnh đạo thống nhất được các nguyên tắc cơ bản, phần việc còn lại bao gồm các chi tiết kỹ thuật sẽ được chuyển giao cho đội ngũ chuyên viên để đẩy nhanh việc hoàn tất thỏa thuận.
Nhóm chuyên viên sẽ đảm nhận việc làm rõ các khía cạnh kỹ thuật của thỏa thuận, chẳng hạn như phương thức thực hiện hay các điều khoản chi tiết. Washington ưu tiên thúc đẩy những giải pháp có tính đột phá, như thiết lập lệnh ngừng bắn hoặc ký kết một thỏa thuận hòa bình lâm thời, nhằm hạ nhiệt căng thẳng và tăng cường ảnh hưởng ngoại giao.
Cách tiếp cận này phản ánh đặc điểm của nền chính trị Mỹ, vốn coi trọng sự minh bạch và vai trò trung tâm của các nhà lãnh đạo do dân bầu, đặc biệt là tổng thống, trong việc hoạch định và dẫn dắt chính sách đối ngoại.
Ông Trump, với mục tiêu đạt được thỏa thuận hòa bình trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ, mong muốn ghi dấu ấn cá nhân và khẳng định mình là một “chuyên gia chốt hợp đồng”. Đồng thời, Mỹ cũng phải đối mặt với sức ép từ dư luận trong nước cùng các đồng minh NATO nhằm thúc đẩy tiến triển nhanh chóng. Phương pháp tiếp cận “từ trên xuống” giúp Tổng thống Mỹ thể hiện vai trò lãnh đạo đồng thời đáp ứng những kỳ vọng này.
Việc các lãnh đạo cấp cao như ông Trump hoặc Ngoại trưởng Rubio tham gia ngay từ giai đoạn đầu có thể tạo ra áp lực lớn để các bên bước vào đàm phán. Phương thức này cũng giúp Mỹ đẩy nhanh quá trình thương lượng, đặc biệt trong bối cảnh Ukraine đang chịu nhiều sức ép về kinh tế và quân sự.
Tuy nhiên, việc tập trung ngay từ đầu vào những cam kết lớn có thể gây ra trở ngại trong khâu triển khai. Ví dụ, đề xuất ngừng bắn vô điều kiện trong vòng 30 ngày mà ông Trump đưa ra chưa giải quyết được các vấn đề như ranh giới chiến sự hay cơ chế giám sát, những điều mà các chuyên viên kỹ thuật gặp khó khăn trong việc làm rõ.
Quá trình này cũng dễ dẫn đến sự mâu thuẫn giữa Mỹ và các đồng minh. Trong khi Tổng thống Mỹ ưu tiên việc ổn định khu vực và thiết lập lệnh ngừng bắn càng sớm càng tốt, thì phía Ukraine lại đặt mục tiêu giành lại toàn bộ lãnh thổ. Sự khác biệt này từng khiến quan hệ Mỹ-Ukraine căng thẳng và gây ra cuộc tranh luận giữa ông Trump với Tổng thống Zelensky tại Nhà Trắng vào cuối tháng 2.
Theo các chuyên gia, dù lựa chọn chiến lược nào, cả Nga và Mỹ đều tận dụng đàm phán nhằm đạt được các lợi ích chiến lược riêng. Nga nỗ lực bảo vệ “vùng đệm an ninh” và buộc Ukraine phải công nhận các vùng lãnh thổ đã bị sáp nhập, trong khi Mỹ hướng tới việc làm suy yếu Nga và củng cố vị trí lãnh đạo toàn cầu. Đồng thời, cả hai bên đều chịu áp lực về chính trị và kinh tế để thúc đẩy một giải pháp hòa bình, kết thúc cuộc xung đột.
Tuy nhiên, với phong cách tiếp cận thận trọng, Nga có thể kéo dài quá trình đàm phán nhằm gia tăng lợi thế trên chiến trường, trong khi Mỹ lại muốn nhanh chóng đạt được kết quả để hạ nhiệt căng thẳng và đáp ứng kỳ vọng từ các đồng minh.
Các phái đoàn đàm phán của Nga thường không thể tự do thay đổi yêu cầu mà phải chờ sự phê duyệt từ cấp lãnh đạo cao hơn, trong khi chiến lược của Mỹ lại có tính linh hoạt cao hơn, sẵn sàng điều chỉnh các đề xuất đàm phán dựa trên diễn biến thực tế.
Theo nhận định của Milman, sự khác biệt này tạo nên trở ngại lớn đối với tiến trình hòa bình, bởi Nga khó chấp nhận việc từ bỏ những vùng lãnh thổ mà họ đang kiểm soát, còn Mỹ thì khó đồng ý với một thỏa thuận làm suy yếu NATO hoặc gây tổn hại đáng kể cho Ukraine.