Sáng nay, nỗi lo về thuế nhập khẩu và khả năng suy thoái kinh tế tại Mỹ đã ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư châu Á, khiến nhiều thị trường giảm điểm theo đà lao dốc của Wall Street.
Trong phiên giao dịch sáng ngày 11/3, phần lớn các thị trường chứng khoán lớn tại châu Á đều ghi nhận xu hướng giảm điểm. Thị trường Nhật Bản chịu tác động mạnh nhất, với chỉ số Nikkei 225 giảm 2,3% và chỉ số Topix mất 2,4%.
Nguyên nhân một phần đến từ việc Nhật Bản điều chỉnh số liệu tăng trưởng GDP quý IV xuống mức 2,2%, thấp hơn dự báo của giới phân tích kinh tế. Cổ phiếu của hãng viễn thông Fujikura và nhà sản xuất máy móc công nghiệp IHI Corp giảm gần 7% trong phiên giao dịch sáng nay.
Tại Hàn Quốc, chỉ số Kospi hiện đang giảm 2,1%. Thị trường Trung Quốc sau khi mở cửa cũng ghi nhận xu hướng đi xuống, với Shanghai Composite giảm 0,5% và CSI 300 mất 0,6%. Chỉ số Hang Seng tại Hong Kong giảm 1,5%, trong khi cổ phiếu các “ông lớn” công nghệ như Alibaba và Xiaomi mất từ 4-5%.
Các thị trường chứng khoán tại Đài Loan, Australia, New Zealand, Malaysia và Singapore đều chìm trong sắc đỏ, với mức giảm phổ biến dao động từ 1-2%.
Diễn biến trên thị trường châu Á sáng nay có nhiều điểm tương đồng với xu hướng của Phố Wall trong phiên giao dịch ngày 10/3. Kết thúc phiên đầu tuần, các chỉ số lớn tại Mỹ đồng loạt giảm mạnh do lo ngại rằng chính sách thuế nhập khẩu của cựu Tổng thống Donald Trump có thể đẩy nền kinh tế nước này vào suy thoái trong năm nay.
Chỉ số S&P 500 giảm 2,7% xuống còn 5.614 điểm – mức thấp nhất kể từ tháng 9/2024. Nasdaq Composite mất tới 4%, đánh dấu phiên giao dịch tồi tệ nhất trong vòng 18 tháng. Chỉ số trung bình công nghiệp Dow Jones (DJIA) giảm 2%, chốt phiên ở mức 41.911 điểm.
Trong buổi phỏng vấn với kênh Fox News ngày 9/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump không loại trừ khả năng nền kinh tế nước này có thể rơi vào suy thoái do các chính sách kinh tế mới của ông. “Tôi không muốn phải dự báo những điều như vậy. Nước Mỹ hiện đang trong giai đoạn chuyển đổi, vì chúng ta đang thực hiện những kế hoạch lớn”, ông chia sẻ.
Ông Trump cũng nhấn mạnh mong muốn “xây dựng một quốc gia vững mạnh” và khẳng định rằng “không thể chỉ tập trung vào thị trường chứng khoán”.
Theo Prashant Newnaha, chuyên gia chiến lược tại TD Securities phụ trách khu vực châu Á – Thái Bình Dương, giới đầu tư quốc tế nhận định rằng Tổng thống Donald Trump có thể không quá để tâm đến việc chứng khoán giảm điểm. Ông lý giải rằng “thuế nhập khẩu cùng nguy cơ suy thoái có thể là yếu tố giúp hạ nhiệt lạm phát và kéo giảm lợi suất trái phiếu tại Mỹ”.
Trên thị trường tiền tệ, đồng yen Nhật sáng nay tăng lên mức cao nhất trong vòng 5 tháng, do những lo ngại liên quan đến chính sách thuế nhập khẩu đã tạo áp lực lên đồng đôla Mỹ. Có thời điểm, đồng yen tăng 0,5% lên 146,59 JPY đổi 1 USD. Tính từ đầu năm đến nay, đồng yen đã tăng 7% so với USD và được xem là tài sản trú ẩn an toàn mà giới đầu tư ưa chuộng trong thời kỳ bất ổn.
Đồng franc Thụy Sĩ – một loại tài sản trú ẩn an toàn – hiện đã tiến sát mức đỉnh trong 3 tháng so với đồng đôla Mỹ. Hiện tại, mỗi franc Thụy Sĩ quy đổi được 0,877 USD.
Trong khi đó, đồng đôla Australia sáng nay gần như không thay đổi nhiều khi giảm nhẹ xuống mức 0,6282 USD đổi một AUD. Trên thị trường quốc tế, đồng nhân dân tệ tăng 0,08%, lên 7,2564 CNY đổi một USD.
Trên thị trường hàng hóa, giá dầu thô tiếp tục đi xuống phiên thứ hai liên tiếp do lo ngại việc Mỹ áp thuế nhập khẩu sẽ kìm hãm đà tăng trưởng toàn cầu, qua đó làm giảm nhu cầu dầu. Hiện giá dầu Brent giảm 0,6%, xuống còn 68,83 USD một thùng. Dầu WTI cũng hạ 0,8%, còn 65,5 USD mỗi thùng.