Các nhà đầu tư, vốn đã lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế ở Mỹ, lại càng bất ngờ hơn khi ông Trump bày tỏ quan điểm khác biệt về thị trường chứng khoán so với nhiệm kỳ đầu tiên.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 10/3, chứng khoán Mỹ đồng loạt giảm mạnh. Chỉ số S&P 500 mất 2,7% xuống 5.614 điểm, mức thấp nhất từ tháng 9/2024. Nasdaq Composite giảm 4%, tệ nhất trong 18 tháng, còn DJIA lùi 2% về 41.911 điểm.
Trước đó, cuối tháng 1, chứng khoán Mỹ cũng lao dốc khi S&P 500 mất 1,46% và Nasdaq Composite giảm hơn 3%, do tác động từ mô hình AI giá rẻ DeepSeek của Trung Quốc.
Tuy nhiên, đợt bán tháo này đặc biệt thu hút sự chú ý của giới đầu tư quốc tế, do có liên quan đến phát ngôn gần đây của Tổng thống Trump. Trong buổi phỏng vấn với Fox News ngày 9/3, ông Trump đã đề cập đến khả năng nền kinh tế Mỹ có thể đối mặt với suy thoái do các chính sách kinh tế mới.
Khi được hỏi về khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái trong năm nay, ông Trump đáp: “Tôi không thích dự đoán những điều như vậy. Nước Mỹ hiện đang trong giai đoạn chuyển mình, bởi chúng ta đang thực hiện những kế hoạch lớn.”
Tổng thống Mỹ cũng nhấn mạnh mong muốn “xây dựng một quốc gia vững mạnh” và khẳng định “không thể chỉ chú trọng đến thị trường chứng khoán”.

Trao đổi với CNBC, nhà đầu tư kiêm người dẫn chương trình nổi tiếng Jim Cramer cho rằng thị trường hoang mang khi Tổng thống Trump bày tỏ quan điểm khác biệt so với nhiệm kỳ đầu. Hiện tại, ông Trump có xu hướng ủng hộ các chính sách mang tính bảo hộ hơn, tập trung nhiều vào thuế nhập khẩu và không còn ưu tiên thị trường chứng khoán như trước.
“Theo Cramer, không nhiều nhà đầu tư lường trước được diễn biến này. Sự thay đổi trong quan điểm của ông Trump đã gây tâm lý hoang mang. Chỉ sau một đêm, nhiều người lo ngại rằng nền kinh tế Mỹ đang tiến gần đến suy thoái với tốc độ nhanh chóng,” ông giải thích.
Giống như cựu Tổng thống Joe Biden, ông Trump dường như cho rằng các nhà đầu tư chứng khoán phần lớn thuộc nhóm giàu có và đã thu về đủ lợi nhuận.
Gần đây, giới đầu tư ngày càng lo ngại rằng kinh tế Mỹ có thể rơi vào suy thoái. Nguyên nhân là nền kinh tế lớn nhất thế giới vốn phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng, và yếu tố này đang chịu tác động từ các chính sách mới của Nhà Trắng. Họ e ngại rằng việc Tổng thống Trump đẩy mạnh thuế nhập khẩu có thể làm gián đoạn thương mại toàn cầu và khiến các đồng minh xa lánh Washington.
Cramer cho rằng lo ngại này có phần thái quá. Ông giải thích rằng một số nhà đầu tư đang so sánh ông Trump với cựu Tổng thống Herbert Hoover, người từng áp dụng chính sách thuế nhập khẩu góp phần làm trầm trọng thêm cuộc Đại suy thoái giai đoạn 1929-1933 ở Mỹ.
Ngày 10/3, JPMorgan Chase nâng dự báo khả năng kinh tế Mỹ suy thoái trong năm nay từ 30% lên 40%, do lo ngại các chính sách mang tính cực đoan. Tương tự, Goldman Sachs cũng điều chỉnh dự báo nguy cơ suy thoái trong 12 tháng tới từ 15% lên 20%.
Dù vậy, Cramer không cho rằng ông Trump sẽ điều chỉnh chính sách thuế nhập khẩu chỉ vì thị trường chứng khoán lao dốc. “Tổng thống có thể rút lại thuế nếu muốn. Nhưng, ông ấy tin rằng thuế quan là lựa chọn đúng đắn, nên có lẽ sẽ không thay đổi đâu”, Cramer nhận xét.
Trong buổi phỏng vấn ngày 9/3, ông Trump khẳng định với truyền thông: “Thuế nhập khẩu là quyết định tuyệt vời nhất mà chúng ta từng thực hiện. Nó sẽ giúp nước Mỹ trở nên giàu mạnh hơn”.
Theo dữ liệu từ FactSet, thị trường chứng khoán Mỹ có diễn biến trái ngược giữa hai nhiệm kỳ của ông Trump. Trong nhiệm kỳ đầu, chỉ số S&P 500 tăng liên tục trong 40 ngày đầu tiên. Hiện tại, chỉ số này đã sụt giảm đáng kể trong hai tuần qua.

Bitcoin đồng tiền số từng hưởng lợi đáng kể từ việc ông Trump tái đắc cử – cũng lao dốc trong vài ngày gần đây. Ngày 10/3, giá Bitcoin có thời điểm giảm xuống gần 76.600 USD mỗi đồng, mức thấp nhất kể từ tháng 11/2024.
Tiền số thường được xem là tài sản có rủi ro cao do biến động giá mạnh. Theo công ty phân tích IntoTheBlock, những lo ngại về kinh tế vĩ mô, đặc biệt là chính sách thuế nhập khẩu, đã tác động tiêu cực đến thị trường. Tác động lần này càng lớn do mối tương quan giữa Bitcoin, Ether và thị trường chứng khoán Mỹ đang ở mức cao.
Những biến động trong kinh tế và chính trị đã đẩy giá vàng thế giới liên tục lập kỷ lục mới trong năm nay. Từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng 10%, có thời điểm chạm mức cao nhất lịch sử là 2.956 USD mỗi ounce. Dù trong phiên giao dịch hôm qua, vàng chịu áp lực bán tháo khi nhà đầu tư chốt lời, thị trường vẫn được kỳ vọng sẽ tiếp tục đi lên nhờ nhu cầu tìm kiếm kênh trú ẩn an toàn.
Gần đây, các quan chức Nhà Trắng cũng liên tục đưa ra đánh giá về tình hình kinh tế Mỹ. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cảnh báo thuế nhập khẩu có thể đẩy giá cả tăng nhanh, song khẳng định điều này chỉ xảy ra một lần.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho rằng sau nhiều năm tăng trưởng nhờ chi tiêu công và thị trường khởi sắc, nền kinh tế có thể cần thời gian điều chỉnh. “Chúng ta sẽ chờ xem liệu quá trình này có diễn ra khó khăn hay không”, ông nói trong cuộc phỏng vấn với CNBC tuần trước.
Nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ hiện vẫn chưa rõ ràng. “Chúng tôi chưa thấy dấu hiệu cụ thể nào cho thấy suy thoái sắp xảy ra. Nhưng, khu vực tư nhân đang có dấu hiệu thu hẹp, thị trường lao động chậm lại và người tiêu dùng cũng thận trọng hơn. Nhiều doanh nghiệp đang trong trạng thái chờ đợi và quan sát vì môi trường hiện tại tiềm ẩn nhiều bất ổn và rủi ro từ các chính sách kinh tế”, Gregory Daco kinh tế trưởng tại EY Parthenon cho biết trên CNN.
Lutnick khẳng định rằng các kế hoạch của ông Trump sẽ giúp nền kinh tế Mỹ đạt được “mức tăng trưởng chưa từng có”. Do đó, ông cho biết mình “không tin rằng suy thoái sẽ xảy ra”.