Tổng thống Nga khẳng định sự trân trọng đối với các doanh nghiệp duy trì hoạt động tại nước này, đồng thời cho biết sẽ có cách nhìn nhận khác đối với những công ty rời đi một cách vội vàng.
Gần đây, các nhà đầu tư ngày càng kỳ vọng vào việc xung đột giữa Nga và Ukraine sớm kết thúc, đồng thời Mỹ sẽ nới lỏng các lệnh trừng phạt đối với Moskva. Trong cuộc điện đàm ngày 18/3 với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý với đề xuất tạm dừng các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng giữa Nga và Ukraine trong vòng 30 ngày. Những thông tin này làm dấy lên kỳ vọng về khả năng các doanh nghiệp phương Tây có thể quay trở lại thị trường Nga.
Sau khi xung đột giữa Nga và Ukraine bùng phát vào tháng 2/2022, hơn 1.000 doanh nghiệp đã rời khỏi Moskva trong vòng ba năm qua. Một số công ty đã bán tài sản tại đây hoặc chuyển giao quyền quản lý cho các lãnh đạo địa phương. Một số khác chấp nhận từ bỏ toàn bộ tài sản tại Nga. Thậm chí, một số doanh nghiệp như Danone và Carlsberg còn bị chính quyền Nga tiếp quản và bán lại tài sản.
Một số công ty khác, chẳng hạn như hãng sản xuất ô tô Renault, chuỗi thức ăn nhanh McDonald’s hay tập đoàn keo dán Henkel, đã ký kết thỏa thuận rời khỏi Nga nhưng có kèm điều khoản cho phép mua lại tài sản trong tương lai. Tuy nhiên, các điều khoản cụ thể của thỏa thuận này không được công bố.
Tại một sự kiện dành cho doanh nghiệp Nga diễn ra ở Moskva ngày 18/3, Tổng thống Vladimir Putin cho biết ông đã đề nghị chính phủ Nga tiến hành rà soát cẩn trọng các công ty phương Tây có thỏa thuận về việc mua lại tài sản, nhằm đảm bảo từng trường hợp được xem xét kỹ lưỡng. Ông bày tỏ sự tôn trọng các doanh nghiệp vẫn duy trì hợp tác với Nga, nhưng sẽ có đánh giá khác đối với những công ty đã rời đi một cách vội vàng.
Các doanh nghiệp rời khỏi Nga do áp lực chính trị và bán tài sản với mức giá tượng trưng sẽ không thể mua lại với mức giá đó. Tổng thống Nga nhấn mạnh: “Khi khoảng trống mà họ để lại đã được các doanh nghiệp Nga lấp đầy, như chúng tôi vẫn thường nói, con tàu đã rời bến rồi”.
Kể từ tháng 6/2022, chuỗi cửa hàng thức ăn nhanh thay thế thương hiệu McDonald’s tại Nga đã hoạt động dưới cái tên “Vkusno i tochka” (Ngon tuyệt, vậy thôi). Đến tháng 8 cùng năm, thương hiệu cà phê Stars Coffee ra đời để thay thế Starbucks. Đến tháng 4/2023, các cửa hàng KFC trước đây tại Nga cũng mở cửa trở lại với tên gọi Rostic’s.
Theo thống kê của Reuters vào tháng 3/2024, các doanh nghiệp phương Tây thừa nhận đã chịu thiệt hại khoảng 107 tỷ USD do rút khỏi thị trường Nga, bao gồm cả khoản doanh thu bị mất. Ông Kirill Dmitriev, Giám đốc Quỹ đầu tư trực tiếp của Nga (RDIF), cho biết riêng các doanh nghiệp Mỹ đã chịu tổn thất lên tới 324 tỷ USD do ngừng hoạt động tại Nga.
Tại sự kiện ngày 18/3, Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo các doanh nghiệp Nga rằng các biện pháp trừng phạt từ phương Tây nhằm vào cá nhân và doanh nghiệp Nga không chỉ mang tính tạm thời. Ngay cả khi một số lệnh trừng phạt được nới lỏng, các rào cản khác vẫn có thể phát sinh.
“Tuyệt đối không nên kỳ vọng vào việc thương mại, thanh toán và dòng vốn được tự do hoàn toàn. Các đối thủ sẽ luôn tìm cách gây suy yếu và cản trở chúng ta”, ông Putin nhấn mạnh. Theo dữ liệu từ Bộ Tài chính Nga, hiện nước này đang chịu hơn 28.500 lệnh trừng phạt.
Dù đã trải qua ba năm xung đột, nền kinh tế Nga không sụp đổ như một số dự đoán hồi đầu năm 2022. Trong năm ngoái, GDP của Nga tăng 4,1%, vượt kỳ vọng và cao hơn mức tăng 3,6% vào năm 2023. Trước đó, trong năm 2022, kinh tế Nga chỉ giảm 2,1% – thấp hơn đáng kể so với mức giảm 10-15% mà nhiều dự báo đã đưa ra khi xung đột mới nổ ra.
Dù vậy, nền kinh tế Nga cũng đối mặt với không ít tổn thất. Tình trạng di cư và vấn đề tuyển dụng liên quan đến xung đột đã dẫn đến tình trạng thiếu hụt lao động trong những năm gần đây. Hiện tại, tỷ lệ thất nghiệp tại Nga đang ở mức thấp kỷ lục, chỉ 2,3%.