Dù chiến sự tại Ukraine tiếp diễn, giá dầu thô suy giảm và Nga chịu nhiều lệnh trừng phạt từ phương Tây, đồng ruble vẫn tăng hơn 40% so với USD.
Theo số liệu mới công bố từ Ngân hàng Bank of America (Mỹ), ruble Nga đang là đồng tiền tăng giá mạnh nhất thế giới trong năm nay, với mức tăng hơn 40% so với đồng USD.
Đây là diễn biến trái ngược hoàn toàn với hai năm trước, khi ruble liên tục sụt giảm. Hiện nay, tỷ giá ở mức 78,4 ruble đổi 1 USD, trong khi đầu năm con số này là 113 ruble đổi 1 USD.
Trả lời CNBC, các chuyên gia cho rằng sự tăng giá của đồng ruble không phản ánh niềm tin của nhà đầu tư quốc tế vào kinh tế Nga, mà chủ yếu bắt nguồn từ các biện pháp kiểm soát dòng vốn và chính sách tiền tệ thắt chặt.
Brendan McKenna chiến lược gia ngoại hối tại ngân hàng Wells Fargo chỉ ra ba yếu tố chính: Ngân hàng Trung ương Nga giữ lãi suất ở mức cao, áp dụng các biện pháp kiểm soát vốn nghiêm ngặt, và tiến triển tích cực trong các cuộc đàm phán hòa bình Nga – Ukraine gần đây.
Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) gần đây duy trì chính sách tiền tệ thắt chặt nhằm kiểm soát lạm phát, giữ lãi suất nội địa ở mức 20%. Mức lãi suất cao này khiến doanh nghiệp Nga hạn chế nhập khẩu, qua đó làm giảm nhu cầu ngoại tệ từ cả khu vực doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Ngoài ra, chuyên gia kinh tế Andrei Melaschenko từ Renaissance Capital cho biết nhu cầu ngoại tệ của các doanh nghiệp nhập khẩu tại Nga cũng suy giảm do sức tiêu dùng yếu. Điều này góp phần củng cố giá trị đồng ruble, khi các ngân hàng không phải bán ruble để mua USD hay nhân dân tệ.

Trong khi đó, chính phủ Nga yêu cầu các tập đoàn xuất khẩu lớn, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí, chuyển một phần doanh thu ngoại tệ về nước và quy đổi sang ruble, qua đó làm gia tăng nhu cầu đối với đồng nội tệ. Theo số liệu từ CBR, trong 4 tháng đầu năm, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn đã bán ra tổng cộng 42,5 tỷ USD ngoại tệ, tăng gần 6% so với 4 tháng liền kề trước đó.
Theo McKenna, kỳ vọng về một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine sau chiến thắng của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng góp phần thúc đẩy tâm lý tích cực trên thị trường. Triển vọng Nga tái hội nhập với kinh tế toàn cầu đã khiến một phần dòng vốn quay lại các tài sản được định giá bằng ruble, từ đó củng cố giá trị đồng tiền này.
Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo xu hướng tăng của ruble có thể không bền vững. Giá dầu – một trong những nguồn thu ngoại tệ chủ chốt của Nga – đã giảm mạnh trong năm nay, có thể dẫn đến sự suy giảm dòng tiền từ xuất khẩu. “Chúng tôi cho rằng đồng ruble đang tiến gần đỉnh và có khả năng sẽ sớm suy yếu. Giá dầu đã giảm đáng kể, và điều này sẽ phản ánh qua sự sụt giảm doanh thu xuất khẩu cũng như lượng ngoại tệ được bán ra”, Melaschenko nhận định.
McKenna cũng lưu ý rằng trong trường hợp Nga và Ukraine ký kết thỏa thuận hòa bình chính thức, đồng ruble có thể suy yếu, do các biện pháp kiểm soát ngoại hối hiện đang nâng đỡ đồng tiền này có thể bị loại bỏ.
Các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu khí, đang đối mặt với tình trạng biên lợi nhuận bị thu hẹp do giá dầu thế giới giảm. Đồng thời, chính phủ Nga cũng chịu áp lực khi giá dầu thấp kết hợp với đồng ruble mạnh làm suy giảm nguồn thu ngân sách từ ngành năng lượng.
Heli Simola nhà kinh tế cấp cao tại Ngân hàng Trung ương Phần Lan cho biết ngân sách liên bang Nga chịu tác động mạnh từ biến động giá dầu, khi nguồn thu từ dầu khí chiếm khoảng 30% tổng thu ngân sách trong năm 2024.
Simola cho biết, Bộ Tài chính Nga hiện ngày càng phụ thuộc vào Quỹ Phúc lợi Quốc gia để bù đắp cho các khoản chi tiêu. Nếu xu hướng này kéo dài, chính phủ có thể buộc phải cắt giảm thêm những khoản chi không thiết yếu.
Tuy nhiên, ngoài ngành dầu khí, Nga hiện gần như không đóng vai trò lớn trên thị trường quốc tế. “Vì vậy, việc đồng ruble suy yếu cũng không mang lại nhiều lợi ích về thương mại cho nước này,” McKenna kết luận.