Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã giảm 4 tháng liên tiếp, gây thêm áp lực lên chính quyền trong việc triển khai các biện pháp kích thích kinh tế.
Ngày 9/6, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố CPI tháng 5 giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu tháng thứ tư liên tiếp chỉ số này suy giảm. Tuy nhiên, mức giảm này chỉ bằng một nửa so với dự báo của giới phân tích trong khảo sát do Reuters.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc trong tháng 5 giảm 3,3% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 22 tháng qua.
“Trung Quốc vẫn chịu áp lực giảm phát kéo dài. Cuộc chiến giá trong ngành ôtô phản ánh sự cạnh tranh gay gắt, có thể tiếp tục kéo giá xuống thấp. Tôi cũng lo lắng khi giá bất động sản đã quay đầu giảm trong vài tháng gần đây sau một giai đoạn ổn định”, ông Zhiwei Zhang, kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, chia sẻ với Reuters.
CNBC cho rằng số liệu công bố hôm nay cho thấy các biện pháp kích thích mà chính phủ Trung Quốc triển khai thời gian qua vẫn chưa đủ sức thúc đẩy tiêu dùng nội địa, trong bối cảnh căng thẳng thương mại ngày càng gia tăng. Vào đầu tháng trước, giới chức tài chính Trung Quốc đã đưa ra loạt chính sách hỗ trợ kinh tế như hạ lãi suất tham chiếu và giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) đối với các ngân hàng.
Trong bối cảnh đàm phán thương mại với Mỹ gần đây có dấu hiệu chững lại, giới đầu tư đang dõi theo khả năng Bắc Kinh sẽ tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ. Trong một bài viết tuần trước, tờ China Securities Journal cho biết Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) có thể sẽ tiếp tục hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) trong năm nay, đồng thời nối lại hoạt động mua trái phiếu chính phủ. Trước đó vào tháng 1, PBOC đã tạm ngừng mua trái phiếu nhằm ngăn chặn đà tăng lợi suất và nguy cơ mất giá của đồng nội tệ.
Diễn đàn thường niên Lujiazui sẽ diễn ra trong tháng này tại Thượng Hải, với sự tham dự và phát biểu của các quan chức tài chính hàng đầu Trung Quốc. Trước đó, vào tháng trước, giới chức Thượng Hải tiết lộ với truyền thông rằng một số chính sách tài chính quan trọng sẽ được công bố tại sự kiện này.
Ngày 6/9, Trung Quốc dự kiến công bố báo cáo thương mại tháng 5. Theo dự báo của giới phân tích, xuất khẩu có thể tăng 5% so với cùng kỳ năm trước, trong khi nhập khẩu được dự đoán sẽ giảm 0,9%.