Dù Nhà Trắng đã nộp đơn kháng cáo, phán quyết của tòa án ngăn cản việc áp thuế có thể cản trở kế hoạch tăng thuế của ông Trump và làm gia tăng sự phức tạp trong các cuộc đàm phán.
Ngày 28/5, Tòa án Thương mại Quốc tế (CIT) tại Manhattan đã ra phán quyết ngăn chặn các chính sách thuế nhập khẩu do Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành theo Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp (IEEPA). Những mức thuế bị đình chỉ bao gồm thuế đối ứng và các loại thuế từng áp lên hàng hóa từ Mexico, Canada và Trung Quốc liên quan đến các vấn đề như nhập cư và fentanyl.
Tòa án Thương mại Quốc tế (CIT), cơ quan liên bang chuyên xét xử các vụ kiện dân sự liên quan đến luật thương mại quốc tế, cho rằng Tổng thống Trump đã vượt quá thẩm quyền khi áp thuế. Theo phán quyết, Đạo luật IEEPA mà ông Trump viện dẫn không trao cho Tổng thống quyền áp đặt thuế nhập khẩu. “Những sắc lệnh này đã vượt quá giới hạn quyền hạn mà IEEPA quy định trong việc điều chỉnh nhập khẩu thông qua thuế,” tòa án viết.
Phán quyết khẳng định Hiến pháp Mỹ trao quyền quản lý thương mại quốc tế cho Quốc hội, và quyền này không bị thay thế bởi các quyền khẩn cấp của Tổng thống dù nhằm bảo vệ nền kinh tế.
“Hội đồng không phán xét sự khôn ngoan hay hiệu quả trong việc Tổng thống sử dụng thuế nhập khẩu như một công cụ kinh tế. Việc áp thuế bị vô hiệu không phải vì kém hiệu quả, mà vì luật liên bang không cho phép hành động đó,” theo nhận định từ hội đồng ba thẩm phán của CIT.
Thông thường, quyền áp thuế thuộc về Quốc hội và chỉ có hiệu lực khi được cơ quan này phê chuẩn. Dù vậy, trong những thập niên qua, một phần quyền hạn liên quan đến thuế đã được trao cho Tổng thống. Khi tuyên bố áp thuế hồi tháng 4, ông Trump cho rằng ông có quyền thực hiện điều này để đối phó với thâm hụt thương mại vấn đề mà ông coi là tình trạng khẩn cấp quốc gia, gây tổn hại cho kinh tế và tiềm ẩn nguy cơ nghiêm trọng.
Tòa án Thương mại Quốc tế (CIT) cho rằng việc Quốc hội trao cho Tổng thống quyền áp thuế không có giới hạn là trái với Hiến pháp. Cơ quan lập pháp đã quy định rõ ràng về thời điểm và cách thức Tổng thống được phép viện dẫn Đạo luật IEEPA để áp thuế. Ngoài ra, hội đồng thẩm phán cho rằng thâm hụt thương mại không đáp ứng tiêu chuẩn của “mối đe dọa bất thường và nghiêm trọng” theo quy định của đạo luật này.
Phán quyết này liên quan đến vụ kiện do tổ chức phi đảng phái Liberty Justice Home đại diện cho năm doanh nghiệp nhỏ tại Mỹ khởi xướng. Các doanh nghiệp lập luận rằng chính sách thuế đối ứng của Tổng thống sẽ gây tổn thất nặng nề cho hoạt động kinh doanh của họ.
Tổng chưởng lý bang New York, bà Letitia James, gọi đây là “một thắng lợi quan trọng cho người lao động, giới kinh doanh và tinh thần thượng tôn pháp luật”. Bà nói: “Tổng thống không thể đơn phương bỏ qua hiến pháp để áp đặt những loại thuế khổng lồ lên người dân Mỹ”.
Chính quyền Trump nhanh chóng nộp đơn kháng cáo sau phán quyết. Bộ Tư pháp Mỹ lập luận rằng các đơn kiện nên bị bác bỏ vì nguyên đơn chưa thực sự chịu thiệt hại, do mức thuế vẫn chưa được áp dụng. Ngoài ra, theo họ, chỉ Quốc hội – chứ không phải các doanh nghiệp tư nhân – mới có thẩm quyền pháp lý để phản đối tình trạng khẩn cấp được Tổng thống ban bố theo Đạo luật IEEPA.
Tổng thống Trump nhiều lần khẳng định ông có quyền rộng rãi trong việc áp thuế dựa trên IEEPA. Trước đó, đạo luật này chủ yếu được sử dụng để đóng băng tài sản hoặc trừng phạt các đối thủ của Mỹ. Ông là Tổng thống đầu tiên viện dẫn IEEPA để đánh thuế nhập khẩu.
Các quyết định của Tòa án Thương mại Quốc tế có thể được kháng cáo lên Tòa phúc thẩm Liên bang tại Washington và cuối cùng là Tòa án Tối cao Mỹ. Nếu phán quyết này được giữ nguyên, nó sẽ làm suy yếu đáng kể chiến lược sử dụng thuế cao của ông Trump nhằm gây sức ép buộc các đối tác thương mại nhượng bộ. Trước đó, ông từng cam kết đưa việc làm trở lại Mỹ và thu hẹp mức thâm hụt thương mại hàng hóa hiện đã vượt 1.200 tỷ USD.
Theo Reuters, nếu không thể viện dẫn IEEPA, chính quyền Trump sẽ phải dựa vào các quy trình điều tra khác theo luật thương mại, vốn mất nhiều thời gian hơn, để duy trì chính sách thuế hiện tại. Trong khi đó, AP dẫn lời các chuyên gia nhận định rằng hiện nay ông Trump khó có thể tiếp tục đe dọa áp thuế nhập khẩu, vì việc này cần có sự chấp thuận từ Quốc hội. Chưa rõ liệu Nhà Trắng có đình chỉ toàn bộ các sắc thuế áp theo luật khẩn cấp này hay không.
Tuy vậy, Tổng thống vẫn có thể áp dụng mức thuế tạm thời 15% trong vòng 150 ngày đối với những quốc gia có thâm hụt thương mại đáng kể với Mỹ. Phán quyết của Tòa án Thương mại Quốc tế (CIT) xác nhận Tổng thống được trao quyền này theo Mục 122 của Đạo luật Thương mại năm 1974.
Ngoài ra, phán quyết không tác động đến các mức thuế mà ông Trump đã triển khai theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962. Đây là mức thuế 25% áp lên hầu hết ôtô, linh kiện nhập khẩu, cũng như toàn bộ thép và nhôm sản xuất ở nước ngoài, dựa trên kết luận từ cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ về mối đe dọa đối với an ninh quốc gia.
Tuy nhiên, phán quyết của CIT đã khiến các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và hơn 10 đối tác vốn được khởi động sau khi thuế đối ứng được công bố trở nên phức tạp hơn. Đồng thời, các thỏa thuận gần đây mà Mỹ đạt được với Anh và Trung Quốc cũng đang bị đặt nghi vấn về tính hiệu lực.
Hiện tại, ông Trump đang đối mặt với ít nhất 7 vụ kiện liên quan đến chính sách thuế của mình. CIT là cơ quan tư pháp đầu tiên đưa ra phán quyết sau khi đã tổ chức hai phiên điều trần về vấn đề này.
Các đơn kiện khác cho rằng luật về quyền lực khẩn cấp không trao cho Tổng thống thẩm quyền áp thuế nhập khẩu. Và ngay cả trong trường hợp luật có cho phép, thâm hụt thương mại cũng không thể được coi là một tình trạng khẩn cấp, bởi Mỹ đã liên tục thâm hụt thương mại trong suốt 49 năm qua.
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã áp thuế nhập khẩu lên toàn bộ các đối tác thương mại của Mỹ. Phần lớn các nền kinh tế bị đánh thuế chung ở mức 10%, trong khi Canada, Mexico và Trung Quốc chịu mức thuế dao động từ 10% đến 30%. Ngoài ra, ông còn áp thuế riêng 25% với nhôm, thép, ôtô và linh kiện ôtô, đồng thời đe dọa áp thêm thuế với nhiều mặt hàng khác như chip máy tính, gỗ và dược phẩm.
Chính sách thương mại chưa từng có tiền lệ của ông Trump đã khiến thị trường tài chính toàn cầu biến động suốt nhiều tháng, buộc nhiều chuyên gia kinh tế phải điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng của Mỹ. Tuy vậy, cho đến thời điểm hiện tại, các mức thuế nhập khẩu này dường như vẫn chưa tạo ra ảnh hưởng rõ rệt đối với nền kinh tế lớn nhất thế giới.