Bộ trưởng Thương mại Mỹ bị chỉ trích sau khi khuyến nghị mua cổ phiếu Tesla, giữa bối cảnh luật pháp cấm nhân viên liên bang lợi dụng chức vụ vì lợi ích cá nhân.
Cố vấn Nhà Trắng Kellyanne Conway từng bị khiển trách sau khi khuyến khích người dân mua sản phẩm thương hiệu của Ivanka Trump, con gái Tổng thống Donald Trump, trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông.
Trong một tình huống tương tự, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick đã đưa ra lời kêu gọi đầu tư vào cổ phiếu Tesla trong chương trình của Fox News ngày 19/3. Tuy nhiên, dường như ông Lutnick không phải đối mặt với lời khiển trách công khai nào.
“Ai mà không muốn đầu tư vào Elon Musk chứ? Bạn đùa sao… Hãy cân nhắc mua cổ phiếu Tesla”, Bộ trưởng Lutnick phát biểu trên sóng truyền hình. Ông cũng cho rằng khi mọi người nhận ra những gì tỷ phú Elon Musk đang phát triển, từ robot đến công nghệ tiên tiến, họ có thể sẽ nhìn lại ngày hôm nay và tiếc nuối vì đã bỏ lỡ cơ hội đầu tư vào hãng xe điện này.
Các chuyên gia về đạo đức trong chính phủ cho rằng phát ngôn của ông Lutnick đã vi phạm luật năm 1989, quy định cấm nhân viên liên bang sử dụng “chức vụ công để mưu cầu lợi ích cá nhân”, bao gồm cả hành vi mang tính chất “ủng hộ”. Dù các tổng thống thường được miễn trừ khỏi các quy tắc đạo đức này, hầu hết nhân viên liên bang, trong đó có bà Conway khi từng kêu gọi ủng hộ thương hiệu của con gái ông Trump năm 2017, đều phải tuân thủ.
Chỉ vài ngày sau phát ngôn trên, bà Conway đã bị người đứng đầu Văn phòng Đạo đức Chính phủ kêu gọi Nhà Trắng mở cuộc điều tra về hành vi bị cho là vi phạm quy định. Trong trường hợp của ông Lutnick, hiện Văn phòng Đạo đức Chính phủ không còn lãnh đạo chính thức. Trước đó, vào tháng Hai, Tổng thống Trump đã bãi nhiệm Giám đốc văn phòng này cùng với 17 tổng thanh tra khác, khiến họ không thể tiếp tục thực hiện vai trò giám sát mà không nêu rõ lý do.
Dù vậy, Kedric Payne, luật sư trưởng tại Trung tâm Chiến dịch Pháp lý một tổ chức giám sát phi lợi nhuận đã gửi thư đến Văn phòng Đạo đức Chính phủ vào ngày 21/3, kêu gọi tiến hành điều tra. Ông cho rằng việc kêu gọi trên truyền hình có thể dẫn đến tình trạng nhiều quan chức kêu gọi công chúng ủng hộ các doanh nghiệp và sản phẩm khác. “Nếu hành vi này không dẫn đến hậu quả nào, nguy cơ tham nhũng sẽ gia tăng”, Payne nói.
Trên thực tế, phát biểu của Bộ trưởng Thương mại Mỹ được xem là lần thứ hai Tesla nhận được sự ủng hộ từ giới chức cấp cao, sau Tổng thống Donald Trump.
Theo AP, các tổng thống thường tỏ ra thận trọng khi thể hiện sự ủng hộ đối với một sản phẩm, chủ yếu mang tính bày tỏ quan điểm cá nhân hơn là quảng bá. Chẳng hạn, cựu Tổng thống Ronald Reagan từng mô tả kẹo dẻo là “món ăn nhẹ hoàn hảo”, còn John F. Kennedy gọi United Airlines là “hãng hàng không đáng tin cậy”. Trong khi đó, ông Trump từng để năm chiếc xe Tesla xếp hàng trên lối vào Nhà Trắng, sau đó bước vào một chiếc Model S màu đỏ mà ông dự định mua và không ngớt lời khen ngợi công ty của Elon Musk.
“Các tổng thống có quyền bày tỏ quan điểm cá nhân về các sản phẩm họ yêu thích hoặc không thích. Tuy nhiên, hành động của ông Trump dường như đã biến Nhà Trắng thành nơi quảng bá cho một công ty tư nhân,” luật sư chuyên về đạo đức Kathleen Clark cho biết.
Sau sự kiện Tesla diễn ra tại Nhà Trắng, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren của Massachusetts cùng ba thượng nghị sĩ khác đã gửi thư tới Văn phòng Đạo đức Chính phủ, đề nghị tiến hành điều tra liên quan đến Elon Musk. Họ lập luận rằng dù tổng thống được miễn trừ khỏi các quy tắc đạo đức, nhưng điều này không áp dụng với Elon Musk.
Người phát ngôn từ văn phòng của Thượng nghị sĩ Warren cho biết Văn phòng Đạo đức Chính phủ vẫn chưa phản hồi về các bước tiếp theo liên quan đến Tesla. Cơ quan này không đưa ra bình luận về bức thư của bà Warren hay phát biểu trên truyền hình của Bộ trưởng Lutnick. Bên cạnh đó, Bộ Thương mại cũng chưa có phản hồi nào về vấn đề này.