Kevin Hassett bác bỏ khả năng Mỹ rơi vào suy thoái, vì các chỉ số việc làm và sự lạc quan của các CEO đối với nền kinh tế vẫn duy trì ở mức cao.
Trong cuộc phỏng vấn với Fox Business vào ngày 14/4, khi được hỏi về khả năng Mỹ suy thoái trong năm nay, cố vấn kinh tế Nhà Trắng Kevin Hassett đã trả lời: “100% là không”, đồng thời dẫn chứng từ các dữ liệu việc làm và sự lạc quan của các CEO.
“Nhìn vào số liệu việc làm, bạn sẽ thấy chúng rất ấn tượng. Khi trò chuyện với các CEO, tôi thường hỏi họ: ‘Liệu sự bất ổn từ chính sách thuế nhập khẩu có thực sự cản trở lớn không?’, và câu trả lời của họ là: ‘Không, về mặt sản xuất, chúng tôi đang cố gắng đưa sản xuất trở lại trong khả năng có thể'”, ông giải thích.
Hassett cũng nhấn cho rằng người tiêu dùng đang đẩy mạnh việc mua hàng nhập khẩu vì lo ngại về việc áp thuế trong tương lai. “Điều đó có nghĩa là mọi thứ đang tăng trưởng mạnh mẽ,” ông nói.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế học và doanh nhân lại không chia sẻ cùng quan điểm lạc quan. Tuần trước, Jamie Dimon – CEO của JPMorgan, ngân hàng lớn nhất Mỹ, đã cảnh báo rằng suy thoái “hoàn toàn có thể xảy ra”. Tài phiệt đầu tư Ray Dalio vào ngày 13/4 cho rằng Mỹ “đang rất gần với suy thoái”. Cũng trong tuần trước, Larry Fink – CEO của BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, tiết lộ rằng hầu hết các CEO mà ông trò chuyện đều cho rằng “chúng ta có thể đang ở trong suy thoái rồi”.
Goldman Sachs hiện ước tính khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới là 45%. Kể từ đầu tháng, ngân hàng này đã liên tục điều chỉnh tăng dự báo.
Trong khi đó, vào ngày 4/4, S&P Global đưa ra dự báo xác suất Mỹ suy thoái là từ 30-35%, tăng so với mức 25% vào tháng 3.
Trong thời gian gần đây, một loạt tổ chức tài chính như Barclays, BofA Global Research, Deutsche Bank, RBC Capital Markets và UBS Global Wealth Management cũng bày tỏ lo ngại về tình hình kinh tế Mỹ. Theo đánh giá của họ, nếu Tổng thống Donald Trump giữ nguyên đường lối chính sách như hiện nay, nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể sẽ phải đối mặt với nguy cơ suy thoái gia tăng trong năm nay.
Hiện nay, Tổng thống Trump đã quyết định gia hạn thêm 90 ngày trước khi áp dụng các mức thuế trả đũa đối với hàng chục đối tác thương mại, ngoại trừ Trung Quốc. Riêng với Bắc Kinh, mức thuế trong nhiệm kỳ của ông đã tăng lên đến 145%. Trong khi đó, phần lớn các đối tác thương mại khác của Mỹ đang phải chịu mức thuế nhập khẩu phổ biến là 10%. Trước đó, ông Trump cũng đã ban hành các mức thuế riêng biệt đối với Mexico, Canada, cũng như các mặt hàng như nhôm, thép và ô tô.
Tuần trước, Tổng thống Trump thừa nhận “sẽ có những vấn đề và chi phí phát sinh trong quá trình chuyển đổi” để thích ứng với chính sách thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định rằng đường lối này “sẽ là một điều tuyệt vời”.