Doanh số bán lẻ, sản lượng công nghiệp và đầu tư tài sản cố định của Trung Quốc trong tháng 4 đều thấp hơn so với kỳ vọng.
Ngày 19/5, Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) cho biết doanh số bán lẻ trong tháng 4 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm trước. Mức tăng này không đạt kỳ vọng 5,5% theo khảo sát của Reuters và cũng thấp hơn so với mức 5,9% ghi nhận trong tháng 3.
Sản lượng công nghiệp trong tháng 4 tăng 6,1% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tốc so với mức tăng 7,7% của tháng trước. Điều này cho thấy các chính sách thuế nhập khẩu từ phía Mỹ đã phần nào ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất tại Trung Quốc.
“Môi trường bên ngoài vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố bất ổn và khó lường. Các nền tảng hỗ trợ đà phục hồi kinh tế cần tiếp tục được tăng cường,” NBS đánh giá.
Trong 4 tháng đầu năm, đầu tư vào tài sản cố định ghi nhận mức tăng 4%, thấp hơn dự báo 4,2% theo khảo sát của Reuters. Riêng lĩnh vực bất động sản chứng kiến mức sụt giảm 10,3%.
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp tại khu vực thành thị chỉ giảm nhẹ, xuống còn 5,1% trong tháng 4. Con số này được công bố trong bối cảnh nhiều chuyên gia kinh tế từng cảnh báo nguy cơ sa thải diện rộng tại Trung Quốc do căng thẳng thương mại leo thang với Mỹ.
Vào tháng trước, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp mức thuế nhập khẩu lên tới 145% đối với hàng hóa Trung Quốc. Đáp lại, Bắc Kinh áp dụng thuế 125% lên các sản phẩm từ Mỹ. Dù vậy, căng thẳng thương mại giữa hai nước đã có dấu hiệu hạ nhiệt sau cuộc gặp tại Geneva (Thụy Sĩ) vào đầu tháng 5. Hiện tại, cả hai bên đã đồng ý tạm thời cắt giảm mạnh thuế nhập khẩu trong vòng 90 ngày, tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán chuyên sâu nhằm tiến tới một thỏa thuận dài hạn.
Thỏa thuận được thiết lập sau khi cả Mỹ và Trung Quốc đều ghi nhận những tác động kinh tế tiêu cực từ chính sách thuế nhập khẩu. Tại Trung Quốc, hoạt động sản xuất trong tháng 4 rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 16 tháng. Chỉ số đo lường đơn hàng mới cũng chạm đáy trong hơn hai năm. Ngoài ra, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã giảm ba tháng liên tiếp, phản ánh áp lực giảm phát vẫn hiện hữu trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 4 lại tăng vượt kỳ vọng, chủ yếu nhờ đẩy mạnh bán hàng sang khu vực Đông Nam Á, phần nào bù đắp sự sụt giảm xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Theo số liệu từ Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu sang Mỹ giảm 2,5% trong 4 tháng đầu năm, riêng trong tháng 4, mức giảm lên tới 21%.
Tommy Xie – Giám đốc nghiên cứu tại Ngân hàng OCBC dự báo nền kinh tế Trung Quốc có thể tăng trưởng trên 5% trong quý II, sau khi đạt mức 5,4% trong quý I. Tốc độ này đủ để giúp Bắc Kinh tiến gần tới mục tiêu tăng trưởng “khoảng 5%” mà giới chức đã đề ra.
Trong vài tháng gần đây, chính phủ Trung Quốc đã công bố loạt biện pháp hỗ trợ tài khóa và nới lỏng tiền tệ nhằm kích thích tiêu dùng, hỗ trợ các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng từ thuế nhập khẩu, đồng thời duy trì ổn định thị trường lao động. Tuy nhiên, theo ông Xiangrong Yu Kinh tế trưởng phụ trách Trung Quốc tại Citi trong báo cáo ngày 15/5, khi căng thẳng thương mại đã hạ nhiệt và nền kinh tế nội địa vẫn duy trì sức chống chịu, Bắc Kinh có thể chưa cần triển khai thêm các biện pháp kích thích mới trong ngắn hạn.