Thổ Nhĩ Kỳ đang được xem là điểm đến uy tín cho các nỗ lực ngoại giao hòa bình toàn cầu, khi đóng vai trò chủ nhà cho các cuộc hòa đàm giữa Ukraine – Nga cũng như các vòng đàm phán hạt nhân với Iran.
Thổ Nhĩ Kỳ đang nỗ lực triển khai các hoạt động ngoại giao nhằm thúc đẩy hòa đàm Nga – Ukraine, cải thiện quan hệ Syria – phương Tây và khôi phục đối thoại hạt nhân với Iran. Nếu đạt kết quả tích cực, những nỗ lực này có thể giúp Thổ Nhĩ Kỳ nâng cao vai trò toàn cầu với hình ảnh là trung tâm ngoại giao hòa bình.
Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 11/5 bất ngờ đề xuất tổ chức đàm phán trực tiếp với Ukraine tại Istanbul vào ngày 15/5. Trước đó, Istanbul và Antalya từng là nơi diễn ra các vòng đàm phán đầu tiên giữa Moskva và Kiev trong giai đoạn đầu xung đột, dù chưa đạt được bước đột phá.
Tại Antalya, các ngoại trưởng NATO đã bắt đầu nhóm họp từ tối 14/5 để bàn về việc tăng chi tiêu quốc phòng. Bên lề hội nghị, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan đã có cuộc gặp với người đồng cấp Ukraine, ông Andrii Sybiha, nhằm trao đổi về nỗ lực thiết lập lệnh ngừng bắn giữa Nga và Ukraine, hướng tới một nền hòa bình lâu dài.
Dự kiến, một vòng đàm phán giữa Iran và ba nước châu Âu gồm Anh, Pháp và Đức (nhóm E3) cũng sẽ được tổ chức tại Istanbul vào cuối tuần này.
Dù không trực tiếp đăng cai đàm phán, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn thể hiện vai trò tích cực trong thúc đẩy hòa bình. Ngày 14/5, Tổng thống Recep Tayyip Erdogan tham gia cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống lâm thời Syria Ahmed al-Sharaa, diễn ra tại Riyadh, Arab Saudi. Đây là lần đầu tiên trong nhiều thập kỷ lãnh đạo Mỹ và Syria gặp mặt chính thức.
Trong cuộc họp, ông Erdogan hoan nghênh việc Tổng thống Trump quyết định gỡ bỏ lệnh trừng phạt với Syria. Bộ Ngoại giao Syria gọi đây là “cuộc gặp mang tính lịch sử”, trong khi phía Nhà Trắng cho biết ông Trump đã đề nghị Syria bình thường hóa quan hệ với Israel bằng cách tham gia Hiệp ước Abraham, vốn đã được một số quốc gia Arab tại Vùng Vịnh ký kết.
“Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ đang nổi lên như một trong những trung tâm ngoại giao hòa bình,” Tổng thống Erdogan phát biểu trước các nghị sĩ thuộc đảng Công lý và Phát triển (AK) cầm quyền. “Chúng tôi chắc chắn là một trong những quốc gia được các bên tìm đến để hỗ trợ, làm trung gian và góp phần giải quyết các cuộc khủng hoảng ở cả cấp khu vực lẫn toàn cầu.”
Thông báo của Tổng thống Trump về việc dỡ bỏ trừng phạt Syria đã nhận được sự hoan nghênh từ nhiều quan chức Arab, những người lâu nay liên tục kêu gọi Washington chấm dứt các biện pháp hạn chế vốn cản trở quá trình đầu tư và tái thiết Syria sau nhiều năm chiến tranh tàn phá. Theo ông Trump, quyết định này được đưa ra một phần theo đề xuất của Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman.
Tuy vậy, Tổng thống Erdogan được cho là đã chủ động vận động hành lang với Nhà Trắng trong nhiều tuần qua. Ông đã nhiều lần điện đàm với Tổng thống Trump, kêu gọi Mỹ nới lỏng các biện pháp trừng phạt nhằm vào chính quyền mới ở Syria lực lượng đang nhận được sự hậu thuẫn từ Thổ Nhĩ Kỳ.
Trên chuyên cơ Không lực Một ngày 14/5, Tổng thống Trump cho biết ông Erdogan ủng hộ ông Sharaa.
Nhiều nhà phân tích cho rằng diễn biến hiện tại đánh dấu “sự trở lại mạnh mẽ” của ông Erdogan trên vũ đài quốc tế. Chưa đầy hai tháng trước, Thổ Nhĩ Kỳ còn rơi vào khủng hoảng chính trị với làn sóng biểu tình phản đối việc phế truất và bắt giam Thị trưởng Istanbul Ekrem Imamoglu người được xem là đối thủ chính trị hàng đầu của Tổng thống Erdogan.
“Đến tháng 5, ông Erdogan người dường như bị phớt lờ trong bốn năm dưới thời Tổng thống Joe Biden đã quay trở lại đầy mạnh mẽ với vai trò bên thắng cuộc tại Syria và là nhân tố chủ chốt trong nỗ lực hòa giải giữa Nga và Ukraine”, chuyên gia Asli Aydintasbas thuộc Viện Brookings, nói.
Theo giới phân tích, việc Mỹ xích lại gần Thổ Nhĩ Kỳ phần nào bắt nguồn từ mối quan hệ cá nhân thân thiết giữa ông Trump và Tổng thống Erdogan.
“Ông Trump có vẻ rất quý trọng ông Erdogan và mối quan hệ giữa hai người mang tính cá nhân, đầy ấm áp”, giáo sư Max Abrahms, chuyên gia về an ninh quốc tế, nhận xét.
Trong cuộc điện đàm tuần trước, ông Trump tuyên bố sẵn sàng hợp tác với ông Erdogan để kết thúc chiến sự ở Ukraine. “Tôi mong được phối hợp cùng Tổng thống Erdogan nhằm chấm dứt cuộc chiến vô nghĩa và đầy thương vong giữa Nga và Ukraine ngay bây giờ”, ông viết trên mạng xã hội Truth Social.

Ông Erdogan sau đó tích cực thúc đẩy các hoạt động ngoại giao nhằm khởi động lại hòa đàm giữa Nga và Ukraine. Ông đã điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron – người vừa cùng lãnh đạo Đức, Anh và Ba Lan tới Kiev vào cuối tuần qua. Mục tiêu chuyến thăm là thể hiện sự đoàn kết với Ukraine và cùng nhau kêu gọi Nga chấp nhận ngừng bắn vô điều kiện trong 30 ngày.
Theo ông Aaron Stein, Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại tại Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đang có cơ hội nâng cao vị thế quốc tế nhờ vai trò trung gian và ảnh hưởng từ ông Trump trong nỗ lực chấm dứt các cuộc chiến lớn.
“Ông ấy là người khởi xướng các cuộc thảo luận về ngừng bắn, qua đó tạo điều kiện để Thổ Nhĩ Kỳ trở thành địa điểm lý tưởng cho các cuộc đàm phán liên quan đến xung đột Ukraine”, ông Stein cho biết.
Một quan chức Thổ Nhĩ Kỳ giấu tên xác nhận mối quan hệ gần gũi giữa ông Trump và ông Erdogan, đồng thời nhấn mạnh rằng mức độ thân thiết này phần lớn do ông Trump quyết định.
“Những phát biểu gần đây của ông Trump đã nâng tầm mối quan hệ giữa hai bên lên mức độ tin cậy cao hơn. Cả hai nhà lãnh đạo hiện đang tiếp cận vấn đề theo hướng đôi bên cùng có lợi”, vị quan chức cho biết.
Một số chuyên gia cho rằng vị thế ảnh hưởng rộng khắp của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực và khả năng đóng vai trò ổn định Trung Đông là lợi thế giúp nước này tạo ấn tượng với Washington. Đồng thời, Mỹ cũng được hưởng lợi khi hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ phát huy vai trò trung gian hòa bình.
“Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có tầm quan trọng lớn trên trường quốc tế, nên quan hệ gắn bó với Ankara sẽ mang lại lợi thế chính trị cho Mỹ”, giáo sư Abrahms đánh giá.
Nigar Goksel, thành viên của Tổ chức Khủng hoảng Quốc tế, cho biết vị trí địa lý chiến lược cùng lập trường cân bằng mà Thổ Nhĩ Kỳ duy trì suốt nhiều năm qua đã giúp nước này có lợi thế trong vai trò chủ trì các cuộc đàm phán hòa bình. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng trong lĩnh vực quốc phòng cũng góp phần nâng cao vị thế của Ankara.
Là thành viên NATO, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn duy trì mối quan hệ tích cực với cả Nga và Ukraine. Nước này đã cung cấp máy bay không người lái cho Kiev, đồng thời không tham gia vào các lệnh trừng phạt do phương Tây áp đặt nhằm vào Moskva.
“Việc Thổ Nhĩ Kỳ đảm nhận hiệu quả các vai trò này đã góp phần nâng cao vị thế quốc tế của nước này, đồng thời nhận được sự ủng hộ trong nước, mang lại nhiều lợi ích chính trị cho chính quyền”, Goksel cho biết.
Trong cuộc gặp tại Antalya với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Hakan Fidan, Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha đã đánh giá cao vai trò của Ankara. “Thổ Nhĩ Kỳ đang trở thành tâm điểm của ngoại giao toàn cầu, với vai trò trung gian đầy chủ động. Chúng tôi rất cảm kích điều đó”, ông nói.