Trong nhiệm kỳ này, Phố Wall lao đao khi ông Trump dành ưu tiên cho cuộc chiến thuế quan, thay vì quan tâm đến hiệu suất thị trường chứng khoán.
Thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục chìm trong sắc đỏ phiên thứ hai liên tiếp. Kết thúc phiên giao dịch ngày 11/3, chỉ số S&P 500 giảm 0,8%. Toàn bộ 11 nhóm ngành thuộc chỉ số này đều đồng loạt đi xuống, trong đó các lĩnh vực như công nghiệp, hàng tiêu dùng thiết yếu và chăm sóc sức khỏe dẫn đầu đà sụt giảm. Các cổ phiếu công nghệ lớn cũng chịu áp lực bán mạnh. So với đỉnh gần nhất, S&P 500 đã mất 10% giá trị, tương đương khoảng 4.000 tỷ USD bị thổi bay khỏi thị trường.
Chỉ số Dow Jones giảm 1,14%, trong khi Nasdaq mất 0,2%. Chỉ số biến động CBOE (VIX), thường được gọi là “chỉ số sợ hãi” của Phố Wall, tăng vọt 20% lên mức 27,92 điểm. Angus Coote, nhà sáng lập Jamieson Coote, nhận định thị trường đang rơi vào trạng thái “hoảng loạn”.
Prashanth Tapse, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách nghiên cứu tại Mehta Equities, cho rằng chứng khoán Mỹ đang có khởi đầu tệ nhất trong một nhiệm kỳ tổng thống kể từ năm 2009. Ông nhận định, “những chính sách thương mại khó lường cùng nỗi lo về suy thoái đang khiến tâm lý thị trường trở nên bất ổn, dẫn đến làn sóng bán tháo trong hoảng loạn”.
Tình hình này hoàn toàn trái ngược với giai đoạn đầu nhiệm kỳ trước của Tổng thống Trump. Khi đó, chỉ số S&P 500 liên tục đi lên trong 40 ngày đầu tiên. Tuy nhiên, theo số liệu từ FactSet, chỉ số này hiện đã lao dốc mạnh trong hai tuần vừa qua.
Nguyên nhân dẫn đến làn sóng bán tháo từ tuần trước đến nay được cho là xuất phát từ sự thay đổi ưu tiên của Ông Trump đối với Phố Wall. Theo Robert Subbaraman, Trưởng bộ phận Nghiên cứu Kinh tế Toàn cầu tại Nomura, chia sẻ trên CNBC, ông Trump hiện đang chú trọng nhiều hơn vào Main Street khu vực đại diện cho nền kinh tế thực. Điều này có nghĩa là các chính sách của ông có thể không còn tập trung vào việc hỗ trợ thị trường chứng khoán như trong nhiệm kỳ đầu tiên.
Theo giới phân tích, sự thờ ơ này được thể hiện qua các chính sách điều hành và những phát ngôn gần đây của Ông Trump. Điều này đã dẫn đến ba tâm lý bất ổn chính trên thị trường: sự bất ngờ trước các hành động khó lường, lo ngại về nguy cơ suy thoái và cảm giác khó dự đoán do tình trạng hỗn loạn.
Tờ Wall Street Journal cho biết, ông Trump tiếp quản nền kinh tế trong giai đoạn tăng trưởng ổn định với thị trường chứng khoán đạt đỉnh. Tuy nhiên, nền kinh tế khi đó cũng tiềm ẩn các rủi ro như sự trì trệ trong lĩnh vực bất động sản và thị trường lao động có dấu hiệu chững lại. Nhà đầu tư phần lớn đã phớt lờ những yếu tố tiêu cực này và bước vào năm 2025 với kỳ vọng chính quyền mới sẽ tập trung thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Đó là lý do thị trường chứng khoán đã tăng mạnh sau khi ông Trump giành chiến thắng vào tháng 11, khi giới đầu tư kỳ vọng vào các chính sách kích thích kinh tế như cắt giảm thuế và nới lỏng các quy định, tương tự những biện pháp ông đã thực hiện trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ trước.
Nhưng, chính quyền của ông Trump đã khiến Phố Wall bất ngờ khi đồng thời triển khai hai động thái quan trọng: cắt giảm mạnh nhân sự trong bộ máy hành chính liên bang và đe dọa, thậm chí bắt đầu áp thuế cao đối với một số đối tác thương mại lớn.
“Trước đây, mọi người chỉ tập trung vào những mặt tích cực trong các cam kết của ông Trump. Nhưng giờ đây, điều đó đã tan biến và nỗi lo suy thoái lại xuất hiện,” Dario Perkins, chuyên gia kinh tế tại GlobalData TS Lombard, nói.
Đầu tuần này, JPMorgan Chase đã nâng mức dự báo rủi ro suy thoái của nền kinh tế Mỹ từ 30% lên 40%, viện dẫn lý do là các “chính sách cực đoan” từ chính quyền Trump. Trong khi đó, Goldman Sachs cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm 2025 từ 2,4% xuống còn 1,7%. Ngân hàng này vốn có xu hướng dự báo lạc quan hơn mức trung bình của Phố Wall trong những năm gần đây, nhưng nay lại tỏ ra thận trọng hơn so với giới tài chính tại New York.
Trước những lo ngại ngày càng gia tăng về nguy cơ suy thoái, một phóng viên đã đặt câu hỏi trực tiếp với cựu Tổng thống Donald Trump về vấn đề này. Trong buổi phỏng vấn với Fox News cuối tuần qua, ông thừa nhận rằng nền kinh tế Mỹ đang trải qua một giai đoạn “chuyển đổi”.
“Nhiệm vụ của tôi là xây dựng một quốc gia vững mạnh. Bạn không thể chỉ chăm chăm theo dõi thị trường chứng khoán. Nếu nhìn vào Trung Quốc, họ đặt mục tiêu với tầm nhìn kéo dài cả thế kỷ,” ông phát biểu.
Theo Angus Coote từ Jamieson Coote, việc cựu Tổng thống Donald Trump không phủ nhận khả năng xảy ra suy thoái là điều đáng lưu ý, khiến thị trường vốn đã nhạy cảm càng thêm bất ổn. “Tôi nghĩ trong suy tính của ông ấy, nước Mỹ cần chấp nhận một số tổn thất ban đầu để mọi thứ vận hành suôn sẻ hơn vào cuối nhiệm kỳ,” ông nói trên ABC.
Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cũng chia sẻ với CNBC tuần trước rằng nền kinh tế có thể bước vào “giai đoạn giải độc” khi chính quyền thực hiện các biện pháp cắt giảm chi tiêu liên bang. Dù vậy, phản ứng trên Phố Wall cho thấy giới đầu tư không mấy tin tưởng vào quan điểm đánh đổi ngắn hạn để đạt được sự ổn định lâu dài.
“Nếu ông ấy (Trump) đang triển khai một kế hoạch đáng tin cậy với mục tiêu chấp nhận khó khăn trong ngắn hạn để đạt được lợi ích lâu dài, thì thị trường chứng khoán đã không sụt giảm mà sẽ có xu hướng tăng,” Jason Furman, chuyên gia kinh tế tại Harvard và cựu cố vấn kinh tế của cựu Tổng thống Barack Obama, lập luận trên Le Monde.
Michael Strain, Giám đốc nghiên cứu chính sách kinh tế tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, cho rằng chính quyền hiện tại dường như đang thử nghiệm giới hạn chịu đựng của nền kinh tế trước các mức thuế cao hơn. “Vấn đề là họ vẫn chưa xác định được chính xác giới hạn đó ở đâu,” ông nói.
Các chuyên gia cho rằng thị trường chưa đặt niềm tin vào quan điểm “thuốc đắng giã tật” vì cho rằng chính quyền đang tạo ra nhiều biến động. Theo Justin Wolfers, giáo sư kinh tế và chính sách công tại Đại học Michigan, các doanh nghiệp từng mong đợi một chính phủ thân thiện với họ, nhưng hiện tại lại cảm thấy chính quyền này mang tính “hỗn loạn” nhiều hơn.
“Nếu mục tiêu của ông Trump là làm hài lòng cộng đồng doanh nghiệp, thì phản ứng của thị trường tài chính chính là minh chứng rõ ràng nhất cho mức độ thành công của ông ấy. Và lúc này, thị trường đang cho thấy rằng họ không tin sự hỗn loạn sẽ mang lại kết quả tích cực,” Giáo sư Wolfers kết luận.
Oliver Brown, Kinh tế trưởng tại Pragmatic Policy Group, cho rằng tình trạng bất ổn hiện nay đang gây khó khăn cho nhiều ngành kinh tế. Ông chỉ ra rằng các doanh nghiệp đang phải đối mặt với những rủi ro đáng kể trong chuỗi cung ứng từ các đối tác như Mexico, Canada, Trung Quốc và một số quốc gia khác. “Ngoài ra, sức mua cũng trở nên khó đoán, nhất là khi việc cắt giảm nhân sự ở Washington D.C. khiến ngày càng ít người có thu nhập để chi tiêu tại các cửa hàng địa phương,” ông nhận xét.
Theo các lãnh đạo doanh nghiệp, họ có thể chấp nhận mức thuế cao hơn nếu chính quyền đưa ra được một kế hoạch dài hạn rõ ràng và nhất quán. Tuy nhiên, điều khiến họ lo ngại là sự thiếu chắc chắn về hướng đi của các chính sách trong tương lai.
“Điều này khá dễ hiểu: Nếu bạn hỏi bất kỳ CEO nào vào thời điểm này, hầu hết đều không rõ môi trường kinh doanh sẽ thay đổi ra sao trong vòng 6 tháng, 1 năm hay thậm chí 2 đến 3 năm tới. Với tình hình đó, việc tạm hoãn đầu tư ở thời điểm hiện tại là điều có thể lý giải được,” Giáo sư Wolfers cho biết.

Các nhà phân tích cho rằng diễn biến trong hai tuần qua đã giúp Phố Wall điều chỉnh lại kỳ vọng, khi ông Trump thể hiện rõ quan điểm không thay đổi chính sách ngay cả khi thị trường chứng khoán lao dốc. “Mọi hành động đều cho thấy ông Trump không chỉ nói mà còn thực sự tin tưởng vào những gì mình theo đuổi. Đặc biệt với vấn đề thuế quan, ông ấy thể hiện niềm tin rất mạnh mẽ,” Andy Laperriere, Trưởng bộ phận nghiên cứu chính sách Mỹ tại Piper Sandler, nhận xét.
Robert Subbaraman từ Nomura cho rằng kinh tế Mỹ cùng chính sách thương mại theo hướng “Nước Mỹ trên hết” sẽ là hai yếu tố quan trọng tác động đến Phố Wall trong thời gian tới. Ông cho biết nhiều nhà đầu tư kỳ vọng vào cái gọi là “Trump put”, tức là nếu thị trường chứng khoán giảm đến một mức nhất định, ông Trump sẽ điều chỉnh chính sách để tập trung hỗ trợ nền kinh tế Mỹ.
Khi Nomura xem xét nhiệm kỳ đầu của ông Trump, họ nhận thấy rằng “Trump put” thực tế chưa từng diễn ra. Trái với suy nghĩ phổ biến, mỗi lần ông Trump áp thuế lên Trung Quốc, thị trường chứng khoán đều đi xuống, nhưng ông vẫn tiếp tục thúc đẩy chính sách thuế quan của mình.
Do đó, trong nhiệm kỳ này, Subbaraman cho biết ông “không hoàn toàn tin tưởng” rằng Tổng thống Trump sẽ tập trung mạnh vào Phố Wall. Andy Laperriere thậm chí còn cảnh báo rằng nếu tăng trưởng kinh tế suy giảm, các chính sách có thể trở nên khó đoán và bất ổn hơn thay vì đi theo hướng ôn hòa. Ông nhận định rằng thay vì điều chỉnh chương trình nghị sự khi kinh tế suy yếu, ông Trump có khả năng sẽ tiếp tục theo đuổi các biện pháp gây biến động hơn nữa, chẳng hạn như gia tăng áp lực buộc Cục Dự trữ Liên bang (Fed) phải cắt giảm lãi suất.
Do tác động của thuế quan có thể làm giá cả tăng cao trong ngắn hạn, các quan chức Fed có thể sẽ không hạ lãi suất nhanh chóng như năm ngoái, thời điểm lạm phát đang có xu hướng giảm. Perkins cảnh báo rằng không có gì chắc chắn chính sách tiền tệ sẽ phản ứng đủ kịp thời để ngăn chặn vòng xoáy rủi ro này, và đây chính là điều đáng lo ngại.