Sau khi đạt được mục tiêu tài chính, Jamal Robinson nhận ra rằng việc dành dụm quá mức và làm việc không ngừng trong những năm tháng tuổi trẻ không mang lại giá trị như mong đợi khi bước vào giai đoạn nghỉ hưu.
Từ năm 17 tuổi, Jamal Robinson (Georgia, Mỹ) đã xác định mục tiêu hướng đến nghỉ hưu sớm. Năm ngoái, anh đạt được điều này ở tuổi 39 khi quyết định dừng công việc tại một công ty công nghệ. Hiện tại, Robinson không có khoản vay nào và sở hữu 3,6 triệu USD trong các tài khoản đầu tư, tiết kiệm và chi tiêu.
Để chuẩn bị cho kế hoạch nghỉ hưu sớm, Robinson đã có nhiều điều chỉnh quan trọng trong thời gian gần đây. Vài năm qua, anh từng sinh sống tại Mexico City và Paris trước khi chuyển đến Dubai vào tháng 4/2024 và gắn bó tại đây đến nay. Trong quá trình thay đổi phong cách sống và quản lý tài chính, anh nhận thấy nhiều người vẫn hiểu sai về nghỉ hưu sớm. “Đây không phải là một điểm đến cuối cùng, mà là khởi đầu cho một giai đoạn mới của cuộc đời,” Robinson chia sẻ với CNBC.
“Nhiều người cho rằng nghỉ hưu đồng nghĩa với việc hoàn thành mọi trách nhiệm. Tuy nhiên, nghỉ hưu cũng giống như hôn nhân,” anh chia sẻ. “Nếu bạn chỉ tập trung vào việc chuẩn bị kết hôn mà không nghĩ đến cuộc sống sau đó, bạn có thể bỏ lỡ nhiều điều quan trọng.”
Ví dụ, nhiều người đi làm với một mục tiêu rõ ràng. Vì vậy, khi dừng công việc, họ có thể mất đi cảm giác định hướng. Theo Robinson, điều quan trọng là lập kế hoạch cho cuộc sống sau khi nghỉ hưu, giúp duy trì cảm giác hài lòng tương tự như khi đạt được mục tiêu trong công việc.
Đối với Robinson, anh mong muốn dành thời gian và năng lượng cho những đam mê cá nhân như làm DJ, sản xuất âm nhạc, viết sách, thực hiện podcast và theo học các khóa về điện ảnh. “Tôi ưu tiên phát triển tinh thần. Khi ai đó hỏi về kế hoạch tiếp theo, tôi vẫn tập trung vào hiện tại mà không quá bận tâm đến tương lai,” anh chia sẻ.
Robinson cũng nhận thấy một hiểu lầm phổ biến khác: những thói quen giúp đạt thành công trong tài chính và sự nghiệp chưa chắc đã phù hợp để nâng cao chất lượng cuộc sống khi nghỉ hưu. “Chẳng hạn, việc tiết kiệm tối đa và tận dụng từng phút để kiếm tiền có thể không còn ý nghĩa trong giai đoạn này. Khi đó, bạn có nhiều thời gian hơn và không cần phải đánh đổi sức khỏe hay các mối quan hệ chỉ để đảm bảo tài chính,” anh chia sẻ.
Robinson bắt đầu công việc đầu tiên tại một nhà thờ khi mới 14 tuổi. Trong những năm trung học và đại học, anh làm việc cho một chuỗi cửa hàng đồ ăn nhanh. Sau khi tốt nghiệp, anh bước vào ngành năng lượng với mức lương 41.000 USD mỗi năm, trước khi chuyển sang lĩnh vực công nghệ. Công việc cuối cùng của anh trước khi nghỉ hưu là trong ngành AI tạo sinh, với thu nhập đạt 1,1 triệu USD mỗi năm.
obinson từng tiết kiệm và đầu tư phần lớn thu nhập, có thời điểm lên đến 90%, để hiện thực hóa mục tiêu nghỉ hưu sớm. Vì vậy, sau khi đạt được mục tiêu, anh dành thời gian điều chỉnh thói quen và tư duy về tài chính để tận hưởng cuộc sống trọn vẹn hơn.
“Tôi vẫn thường nghĩ mình là người lao động với mức lương tối thiểu 5,15 USD một giờ. Ngay cả khi thu nhập đạt 1 triệu USD mỗi năm, tôi vẫn đắn đo khi chi hơn 50 USD cho một món đồ,” anh chia sẻ.
Quan điểm của Robinson thay đổi sau khi đọc cuốn Die With Zero của Bill Perkins, cuốn sách khuyến khích độc giả chi tiêu và làm từ thiện theo cách mang lại tác động tích cực cho cuộc sống.
Chẳng hạn, anh lên kế hoạch sử dụng khoảng 5% danh mục đầu tư mỗi năm, tương đương 185.000 USD vào năm 2025 mức chi tiêu cao hơn đáng kể so với trước đây. Tuy nhiên, anh đã tìm ra cách sử dụng tài chính một cách ý nghĩa nhất cho bản thân, như du lịch và chăm sóc sức khỏe.
Hơn hết, Robinson cảm thấy hài lòng với hành trình nghỉ hưu sớm của mình. Theo anh, điều quan trọng là hình dung rõ cuộc sống sau khi nghỉ hưu sẽ như thế nào, thay vì chỉ xem đó là một cột mốc cần đạt được. “Đây chỉ là một giai đoạn mới của cuộc đời. Ngoài công việc, mọi thứ bạn từng có vẫn sẽ tiếp tục đồng hành cùng bạn,” anh kết luận.