Nhà đầu tư tỷ phú không coi bằng cấp là yếu tố quan trọng khi tuyển dụng và chấp nhận rằng sai lầm là điều tất yếu có thể xảy ra trong kinh doanh.
Mỗi năm, các lãnh đạo doanh nghiệp niêm yết đều gửi thư đến cổ đông, trong đó tổng kết tình hình kinh doanh, trình bày chi tiết kết quả tài chính, lợi nhuận, thua lỗ và định hướng phát triển trong tương lai.
Đáng chú ý nhất là thư của huyền thoại đầu tư Warren Buffett gửi cổ đông Berkshire Hathaway, luôn được giới đầu tư và lãnh đạo doanh nghiệp mong đợi. Họ tìm kiếm góc nhìn của ông về nền kinh tế, khám phá chiến lược tài chính và rút ra những bài học giá trị về kinh doanh cũng như cuộc sống.
“Bên cạnh các số liệu bắt buộc, chúng tôi tin rằng vẫn cần chia sẻ chi tiết về những gì các bạn đang sở hữu và quan điểm của chúng tôi về điều đó,” nhà thông thái xứ Omaha viết trong thư gửi cổ đông cuối tuần trước.
Dưới đây là bốn bài học quan trọng mà Buffett đã đúc kết trong suốt nhiều thập kỷ hoạt động kinh doanh.
Sai lầm là điều không thể tránh khỏi
Buffett thừa nhận rằng trong những năm qua, ông đã mắc nhiều sai lầm. Một số đến từ việc nhận định chưa chính xác về “triển vọng kinh tế” của các doanh nghiệp mà Berkshire mua lại. Những sai lầm khác liên quan đến lựa chọn nhân sự,khi ông chưa nhận định chính xác về năng lực cũng như sự tận tâm của họ.
Giai đoạn 2019-2023, ông 16 lần nhắc đến từ “sai lầm” trong thư gửi cổ đông. Tuy nhiên, ông cho rằng đây là điều bình thường trong kinh doanh. Ông nhấn mạnh rằng vấn đề thực sự không nằm ở sai lầm mà ở sự chậm trễ trong việc khắc phục chúng.
Tin vào sức mạnh của những chiến thắng lớn
Buffett cho rằng việc thừa nhận sai sót giúp nhận ra giá trị của những thành công quan trọng. Ông chia sẻ: “Theo kinh nghiệm của tôi, một quyết định đúng đắn có thể tạo ra ảnh hưởng bền vững theo thời gian.”
Vị tỷ phú minh họa bằng những cột mốc quan trọng trong lịch sử Berkshire Hathaway, như thương vụ mua lại hãng bảo hiểm Geico, mời Ajit Jain cựu tư vấn viên McKinsey vào vị trí quản lý, hay hợp tác với Charlie Munger, người sau này trở thành Phó chủ tịch công ty.
Bảo hiểm tiếp tục là lĩnh vực kinh doanh cốt lõi của Berkshire. Theo báo cáo tài chính công bố cuối tuần trước, lợi nhuận trước thuế của Geico tăng 29% trong quý IV và hơn gấp đôi trong năm 2024.
Ajit Jain hiện giữ vai trò Phó chủ tịch phụ trách mảng bảo hiểm của công ty. Cùng với Phó chủ tịch Greg Abel, ông đã xuất hiện bên cạnh Buffett tại Đại hội cổ đông Berkshire năm 2024.
Charlie Munger đã đồng hành cùng Buffett suốt nhiều thập kỷ, đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Berkshire. Ông qua đời vào năm 2023.
“Sai lầm rồi cũng qua, nhưng những thành công sẽ tiếp tục mang lại giá trị lâu dài,” Buffett viết.
Đừng bao giờ đánh giá ứng viên chỉ dựa trên bằng cấp
Khi nói về tiêu chí lựa chọn CEO, Buffett chia sẻ rằng ông không quá chú trọng đến việc người đó có từng học đại học hay không. Ông đưa ra ví dụ về Pete Liegl, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Forest River – một công ty chuyên sản xuất xe RV (nhà di động), được Berkshire mua lại vào năm 2005. Buffett đánh giá cao năng lực của Liegl và cho rằng ông có những phẩm chất nổi bật so với nhiều đối thủ trong ngành.
“Có nhiều nhà lãnh đạo xuất sắc từng theo học tại các trường danh tiếng. Tuy nhiên, cũng có những người như Pete xuất thân từ các ngôi trường ít được biết đến hơn, hoặc thậm chí không hoàn thành chương trình học,” Buffett chia sẻ. Ông cho rằng khả năng kinh doanh phần lớn xuất phát từ tố chất tự nhiên hơn là do quá trình đào tạo.
Duy trì tiết kiệm liên tục
Buffett cho rằng văn hóa tiết kiệm và tái đầu tư là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển của nước Mỹ. Ông nhận định rằng khi nhiều người duy trì thói quen tiết kiệm, nguồn vốn này sẽ được sử dụng một cách hiệu quả, dù bởi chính họ hay những người khác. Theo ông, nếu nước Mỹ chỉ tiêu dùng toàn bộ những gì tạo ra mà không dành nguồn lực cho đầu tư, thì khó có thể đạt được những kết quả lâu dài.
Buffett cho rằng các cổ đông của Berkshire Hathaway đã góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế Mỹ bằng cách tái đầu tư cổ tức thay vì sử dụng chúng cho mục đích chi tiêu.
Để khuyến khích tinh thần tiết kiệm và duy trì sự phát triển bền vững, ông cũng gửi gắm thông điệp đến giới chức trách, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì sự ổn định của đồng tiền, điều này đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng và chiến lược hợp lý.