Theo Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ Sean Duffy, Boeing đã đánh mất sự tin tưởng của mọi người.
Bộ trưởng Giao thông Vận tải Mỹ Sean Duffy đã đưa ra nhận định này trong chương trình The Faulkner Focus của Fox News ngày 14/3, sau chuyến thăm nhà máy Boeing 737 tại Renton, Washington.
Trong chuyến công tác này, ông Duffy được tháp tùng bởi quyền Giám đốc Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) Chris Rocheleau. Họ đã tham quan quy trình sản xuất tại nhà máy và gặp gỡ CEO Boeing, ông Kelly Ortberg. Đại diện Boeing bày tỏ sự vui mừng khi có cơ hội trình bày với ông Duffy và ông Rocheleau về những tiến bộ mà hãng đang đạt được nhằm tiếp tục nâng cao an toàn và chất lượng.
Chuyến công tác của ông Sean Duffy diễn ra đúng thời điểm tròn 6 năm kể từ vụ tai nạn của chiếc Boeing 737 MAX 8 thuộc hãng Ethiopian Airlines vào tháng 3/2019, khiến toàn bộ 157 người trên khoang thiệt mạng. Sự cố này đã dẫn đến những thay đổi trong thiết kế của dòng máy bay 737 MAX cũng như chương trình đào tạo phi công.
Trước đó, vào tháng 10/2018, một chiếc Boeing 737 MAX 8 của hãng Lion Air (Indonesia) đã gặp nạn khi lao xuống biển Java chỉ 13 phút sau khi cất cánh từ Jakarta, khiến toàn bộ 189 người trên khoang thiệt mạng. Nguyên nhân được xác định là do hệ thống MCAS (Maneuvering Characteristics Augmentation System) hoạt động không đúng chức năng.
Hai vụ tai nạn đã đánh dấu khởi đầu cho chuỗi năm thua lỗ của Boeing, với tổng thiệt hại lên tới 35 tỷ USD trong giai đoạn 2019 – 2024. Riêng trong năm 2023, công ty báo lỗ gần 12 tỷ USD, tương đương 5,46 USD trên mỗi cổ phiếu, cao hơn nhiều so với mức dự báo 3,08 USD của các nhà phân tích Phố Wall, theo dữ liệu từ FactSet.
Năm ngoái, Boeing chỉ bàn giao được 348 máy bay, giảm hơn một phần ba so với con số 528 chiếc trong năm 2023 và chưa bằng một nửa so với Airbus. Trong ít nhất hai tháng, hãng không nhận được đơn đặt hàng nào cho dòng 737 MAX. Kết thúc năm 2023, số đơn đặt hàng ròng của Boeing được tính bằng lượng đơn đặt mới trừ đi số bị hủy kém xa so với Airbus.
CEO Kelly Ortberg, người đảm nhận vị trí lãnh đạo từ tháng 8/2024, thừa nhận rằng Boeing đã đánh mất vị thế là một “biểu tượng” và nhấn mạnh rằng việc khắc phục các vấn đề về an toàn và chất lượng sẽ cần đến những thay đổi sâu rộng trong văn hóa doanh nghiệp.
Khi sự cố tấm ốp cửa trên chiếc Boeing 737 MAX của Alaska Airlines bất ngờ bung ra ở độ cao 4.800 m ngay sau khi cất cánh từ Portland (Oregon) vào đầu tháng 1, cuộc khủng hoảng của Boeing càng thêm trầm trọng. Kết quả điều tra cho thấy chiếc máy bay này thiếu bốn bu lông quan trọng.
Sau sự cố, Giám đốc Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) Mike Whitaker, dưới thời Tổng thống Joe Biden, đã áp đặt giới hạn sản xuất ở mức 38 chiếc 737 MAX mỗi tháng.
Ông Whitaker khi đó tuyên bố rằng FAA sẽ tiếp tục siết chặt giám sát đối với Boeing vô thời hạn, bao gồm việc tăng cường các cuộc thanh tra tại nhà máy. Ông cũng thừa nhận rằng FAA từng quá lỏng lẻo trong công tác giám sát trước đây và nhận định việc khắc phục các vấn đề liên quan đến văn hóa an toàn của Boeing có thể mất tới 5 năm.
Ngày 14/3, Bộ trưởng Giao thông Mỹ Sean Duffy cho biết FAA chưa sẵn sàng gỡ bỏ giới hạn sản xuất dòng máy bay 737 MAX của Boeing. Quyết định này đặc biệt quan trọng bởi 737 MAX chiếm khoảng 75% tổng số máy bay mà hãng này bàn giao. Việc bàn giao máy bay có vai trò quan trọng đối với dòng tiền của các nhà sản xuất, vì khách hàng thường thanh toán phần lớn giá trị hợp đồng khi nhận máy bay.
“Boeing đã đánh mất niềm tin của người dân Mỹ liên quan đến an toàn và quy trình sản xuất. Chúng tôi sẽ tiếp tục gây áp lực để buộc hãng thay đổi và thực hiện mọi việc đúng theo quy chuẩn,” Bộ trưởng Duffy nói.
Không chỉ đối mặt với áp lực từ cơ quan chức năng, Boeing còn hứng chịu sự bất bình từ phía nhà đầu tư. Ngày 7/3, Thẩm phán liên bang Leonie Brinkema tại Alexandria (Virginia) đã phê duyệt đơn kiện tập thể cáo buộc Boeing đặt lợi nhuận lên trên yếu tố an toàn và thổi phồng cam kết về độ an toàn của các dòng máy bay.
Đơn kiện được khởi xướng bởi một nhóm cổ đông do Quỹ hưu trí công bang Rhode Island dẫn đầu. Nhóm này đã nắm giữ cổ phiếu Boeing trong khoảng thời gian từ ngày 7/1/2021 đến ngày 8/1/2024. Các cổ đông yêu cầu Boeing bồi thường thiệt hại, lập luận rằng những tuyên bố gây hiểu lầm của hãng đã thổi phồng giá cổ phiếu sau hai vụ tai nạn liên quan đến dòng MAX vào tháng 10/2018 và tháng 3/2019.
Nhằm khôi phục niềm tin vào vấn đề an toàn và cải thiện danh tiếng, đầu tháng này Boeing đã công bố kế hoạch thưởng cho hơn 100.000 nhân viên dựa trên hiệu suất chung của toàn công ty, thay vì phân chia theo từng đơn vị kinh doanh như những năm trước.
Theo tài liệu ủy quyền mà Boeing đã nộp lên Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC), 80% khoản tiền thưởng sẽ được tính dựa trên kết quả tài chính của công ty, trong khi 20% còn lại phụ thuộc vào tiến độ cải thiện các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng.
Thay đổi này được đưa ra sau khi CEO Kelly Ortberg khẳng định với nhân viên rằng các đơn vị kinh doanh của Boeing cần hợp tác chặt chẽ hơn trong quá trình chuyển đổi văn hóa doanh nghiệp quy mô lớn. “Chúng tôi đang tiếp tục nỗ lực cải thiện văn hóa công ty và khôi phục niềm tin,” Boeing cho biết trong tuyên bố nhân dịp CEO Kelly Ortberg gặp gỡ Bộ trưởng Giao thông Mỹ và quyền Giám đốc Cục Hàng không Liên bang (FAA).
Cuối tuần trước, Boeing đã bổ nhiệm ông Don Ruhmann làm Giám đốc An toàn Hàng không Vũ trụ mới. Ông Ruhmann gia nhập công ty vào năm 1989 và từng đảm nhiệm vai trò Phó chủ tịch Phát triển Máy bay tại Boeing Commercial Airplanes, nơi ông phụ trách thiết kế và chứng nhận các phiên bản mới của dòng 737 MAX và 777-9. Bên cạnh đó, CEO Kelly Ortberg dự kiến sẽ tham gia phiên điều trần trước Quốc hội vào ngày 2/4 tới để giải trình về sự cố bung cửa máy bay xảy ra hồi tháng 1.

Dù vẫn đang đối mặt với những thách thức liên quan đến niềm tin, Boeing vẫn có cơ hội lấy lại vị thế của mình. Theo báo cáo phân tích do công ty xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings công bố vào đầu tháng 3, Boeing đã đạt được một số tiến bộ ban đầu trong việc khôi phục sản xuất sau thời gian đình công, giảm lượng đơn hàng tồn kho và cải thiện công tác quản lý chuỗi cung ứng. Fitch hiện xếp hạng Boeing ở mức BBB-, ngưỡng thấp nhất trước khi rơi vào nhóm nợ có rủi ro cao (Junk).
Hiện tại, sản lượng hàng tháng của dòng 737 MAX vào khoảng 20 chiếc. Theo đánh giá của Fitch, những tiến triển bước đầu sau đình công sẽ tạo nền tảng để Boeing nâng mức sản xuất lên 38 chiếc mỗi tháng vào quý III năm nay. Fitch cũng cho rằng doanh thu và lợi nhuận từ mảng máy bay thương mại của Boeing hiện đang bị hạn chế chủ yếu do vấn đề sản xuất, chứ không phải vì nhu cầu thị trường.
Giá trị thị trường của các dòng máy bay thương mại đã tăng nhờ nhu cầu mạnh mẽ, nguồn cung hạn chế và yêu cầu thay thế đội bay liên tục. Nhu cầu dài hạn vẫn được duy trì vững chắc, thể hiện qua lượng đơn hàng tồn đọng của cả Boeing và Airbus kéo dài đến cuối thập kỷ này. Tính đến cuối năm 2023, Boeing ghi nhận lượng đơn hàng tồn trị giá 435 tỷ USD, với tổng cộng 5.554 máy bay, trong đó hơn 77% là dòng 737.
Về tình hình tài chính, đợt huy động vốn vào cuối năm 2024 đã giúp Boeing thanh toán trước phần lớn các khoản nợ đến hạn trong năm nay. Nhờ đó, tổng nợ của hãng đã giảm xuống còn khoảng 53,9 tỷ USD vào cuối năm 2024. Tính đến ngày 31/12/2024, Boeing sở hữu khoảng 26,3 tỷ USD tiền mặt và các khoản đầu tư, mang lại nguồn lực tài chính đáng kể để đáp ứng nhu cầu thanh khoản trong bối cảnh hoạt động của hãng đang dần ổn định.
Trong buổi họp báo ngày 14/3, Bộ trưởng Giao thông Mỹ Sean Duffy đã bày tỏ sự động viên đối với đội ngũ lãnh đạo mới của Boeing. Ông cho rằng hãng đã nhận ra vấn đề và có những điều chỉnh trong quy trình sản xuất. “Tôi nghĩ họ đang có tiến bộ, nhưng vẫn cần thêm sự nghiêm túc. Trước đây, ai cũng chỉ trích Boeing, điều đó là dễ hiểu bởi mọi người đều phẫn nộ. Nhưng tôi cho rằng giờ đây nước Mỹ đang cổ vũ họ,” Bộ trưởng Duffy chia sẻ.