Thỏa thuận tạm hoãn áp thuế trong 90 ngày giữa Mỹ và Trung Quốc đã góp phần hạ nhiệt căng thẳng và cải thiện tâm lý thị trường, nhưng triển vọng dài hạn vẫn chưa rõ ràng.
Sau vòng đàm phán cuối tuần tại Thụy Sĩ, Mỹ và Trung Quốc nhất trí hoãn một phần thuế đối ứng trong 90 ngày và mạnh tay hạ thuế nhập khẩu, từ 145% xuống còn 30%. Đáp lại, Trung Quốc cũng giảm thuế trả đũa với hàng hóa Mỹ từ 125% xuống 10%.
Tổng thống Trump gọi đây là một chiến thắng và cho biết sẽ sớm trao đổi với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nhằm duy trì quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Trong khi đó, Tân Hoa Xã nhận định đây là bước tiến quan trọng, góp phần giải quyết khác biệt thông qua đối thoại và tham vấn bình đẳng, đồng thời tạo nền tảng để hai bên thu hẹp khoảng cách và tăng cường hợp tác.
Quan hệ thương mại Mỹ -Trung Quốc giữ vai trò trọng yếu trong kinh tế toàn cầu, chiếm khoảng 20% tổng giá trị thương mại thế giới. Giáo sư luật Taisu Zhang (Đại học Yale) cho rằng điểm tích cực nhất từ thỏa thuận là cả hai nền kinh tế lớn đã có cách tiếp cận thực tế hơn: Trung Quốc thúc đẩy tiêu dùng, trong khi Mỹ tăng cường sản xuất hai xu hướng có thể bổ trợ lẫn nhau.
Việc hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đồng thuận “xuống thang” căng thẳng và thiết lập cơ chế đối thoại bước đầu mang lại hiệu ứng tích cực. Ngày 12/5, Phố Wall phản ứng lạc quan với kết quả đàm phán, khi chỉ số S&P 500 tăng 3,3%. Diễn biến này củng cố niềm tin của giới đầu tư vào quyết định hạ thuế, đồng thời tạo dư địa thuận lợi cho các cuộc đối thoại tiếp theo của Nhà Trắng.
Diễn biến này trái ngược với tình hình sau ngày 2/4, khi tuyên bố áp thuế đối ứng của ông Trump khiến thị trường chứng khoán sụt giảm, lợi suất trái phiếu kho bạc tăng vọt, buộc ông phải hoãn áp thuế trong 90 ngày, ngoại trừ Trung Quốc. Theo AP, Tổng thống Trump hiện đã phát đi tín hiệu muốn tránh đối đầu với thị trường tài chính.
Trung Quốc cũng đón nhận tín hiệu tích cực. Ngày 12/5, JPMorgan nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm nay lên 4,8%, so với mức 4,1% trước đó, sau thỏa thuận được đánh giá là “tích cực một cách đáng ngạc nhiên”. Ngân hàng này cho biết quy mô cắt giảm thuế tạm thời lớn hơn dự kiến, góp phần hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, thỏa thuận sơ bộ giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa thể xóa bỏ hoàn toàn những bất ổn. Theo AP, Tổng thống Trump vẫn duy trì lập trường cứng rắn với chính sách thuế quan, khiến kinh tế toàn cầu khó có khả năng trở lại trạng thái như trước ngày 19/1 thời điểm ông chính thức quay lại Nhà Trắng.
Chuyên gia kinh tế Justin Wolfers từ Đại học Michigan (Mỹ) nhận định, nhiều người có thể coi việc hoãn thuế 90 ngày và nối lại đàm phán là tín hiệu tích cực tạm thời, bởi “việc chuyển từ mức thuế phi lý sang mức cao vẫn là một tin tốt”.
Tuy nhiên, ông cảnh báo không nên quá lạc quan, nhắc lại rằng Tổng thống Trump từng đề xuất áp thuế 100% với phim nước ngoài và từng đưa ra ý tưởng sáp nhập Canada và Greenland. “Nếu nhìn lại 120 ngày vừa qua, bạn sẽ hiểu vì sao cần thận trọng”, ông nói.
Dù liên tục điều chỉnh thuế suất, thông điệp nhất quán từ Tổng thống Trump là hầu hết hàng nhập khẩu phải chịu mức thuế tối thiểu 10%. Mức này được xem là “ngưỡng nền tảng”, từng được áp dụng với nhiều quốc gia trong thời gian đàm phán 90 ngày.
Tuần trước, Mỹ và Anh cũng sử dụng mức thuế 10% làm cơ sở đàm phán. Riêng với Trung Quốc, mức thuế tạm thời 30% bao gồm 20% nhằm phản ứng vấn đề fentanyl và 10% là thuế cơ bản, tương tự các nước khác. “Chúng ta sẽ có nhiều thỏa thuận sắp tới, nhưng mức thuế nền luôn là 10%”, Tổng thống Trump tuyên bố ngày 9/5.
Ngoài ra, ông Trump cũng để ngỏ khả năng áp thuế cao hơn với một số ngành. Mức thuế 25% đối với ôtô, thép và nhôm vẫn được duy trì, trong khi dược phẩm nhiều khả năng sẽ là lĩnh vực tiếp theo chịu ảnh hưởng. Tổng thống đã đề nghị Quốc hội xem xét sử dụng nguồn thu từ thuế quan để bù đắp cho kế hoạch cắt giảm thuế thu nhập.
Theo AP, kinh tế Mỹ vẫn có nguy cơ chịu tác động tiêu cực. Nhiều doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch dựa trên mức thuế 145% mà ông Trump từng công bố, và họ có thể do dự trong việc điều chỉnh chiến lược chỉ vì một thỏa thuận tạm thời.
Dù thị trường lao động Mỹ vẫn thể hiện sức chống chịu nhất định, mức thuế 30% vẫn tạo ra áp lực lớn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Điều này có thể khiến các công ty thu hẹp kế hoạch tuyển dụng và đầu tư. Theo chuyên gia Kevin Rinz từ Trung tâm Tăng trưởng Bình đẳng tại Washington, một số doanh nghiệp có thể trụ vững với mức thuế này, ít nhất là trong thời gian ngắn.
“Nhưng sau 90 ngày thì sao? Thuế với Trung Quốc sẽ ở mức nào, tăng hay giảm, và sẽ điều chỉnh đến đâu? Tôi không có câu trả lời,” ông nói. “Nếu là một doanh nghiệp phụ thuộc vào hàng Trung Quốc, tình trạng này chắc chắn sẽ khiến chiến lược kinh doanh bị đình trệ.”
Bên cạnh đó, thương mại toàn cầu còn đối mặt với những rủi ro khác. Mức thuế 145% áp lên hàng Trung Quốc trong thời gian qua đã khiến số lượng tàu cập cảng Mỹ giảm mạnh. Nay, việc hạ thuế có thể dẫn đến làn sóng container đổ dồn vào, làm gia tăng nhu cầu, đẩy cước vận tải tăng vọt và gây tắc nghẽn tại các cảng.
Ngoài ra, thương mại toàn cầu cũng đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn khác. Mức thuế 145% từng áp lên hàng hóa Trung Quốc khiến lượng tàu cập cảng Mỹ sụt giảm trong những tuần qua. Nay, việc giảm thuế có thể kích hoạt làn sóng container ồ ạt đổ về, làm nhu cầu vận chuyển tăng vọt, đẩy giá cước leo thang và gây ùn tắc tại các cảng biển.