GDP quý I của Nhật Bản giảm sâu hơn dự kiến, nguyên nhân chủ yếu do chi tiêu tiêu dùng và hoạt động xuất khẩu yếu kém, ngay cả trước khi Mỹ công bố các biện pháp thuế đối ứng.
Chính phủ Nhật Bản ngày 16/5 công bố số liệu sơ bộ cho thấy GDP quý I giảm 0,2% so với quý trước. Tính theo tốc độ hàng năm, GDP giảm 0,7% lớn hơn mức dự báo 0,2% của thị trường. Trước đó, nền kinh tế Nhật Bản vừa mới thoát khỏi giai đoạn tăng trưởng âm kéo dài suốt một năm.
Sự suy giảm này chủ yếu do tiêu dùng nội địa yếu và xuất khẩu chững lại, phản ánh đà phục hồi kinh tế đã suy yếu ngay từ trước thời điểm Mỹ công bố biện pháp thuế đối ứng vào ngày 2/4.
“Kinh tế Nhật Bản hiện đang thiếu động lực tăng trưởng do xuất khẩu và tiêu dùng suy yếu. Điều này khiến nước này dễ bị tổn thương trước các cú sốc bên ngoài, chẳng hạn như thuế nhập khẩu từ Mỹ”, ông Yoshiki Shinke chuyên gia kinh tế cấp cao tại Viện nghiên cứu Dai-ichi Life nhận định. Ông cho rằng dữ liệu mới công bố có thể thúc đẩy những lời kêu gọi gia tăng chi tiêu tài khóa, khi nền kinh tế nhiều khả năng tiếp tục suy giảm trong quý II do tác động từ chính sách thuế ngày càng nghiêm trọng hơn.
Tiêu dùng yếu tố chiếm hơn một nửa GDP Nhật Bản gần như không tăng trong quý I. Trong khi đó, chi tiêu của khối doanh nghiệp tăng 1,4%. Ở chiều thương mại, xuất khẩu giảm 0,6%, còn nhập khẩu tăng 2,9%.
Theo ông Takeshi Minami chuyên gia kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Norinchukin, đà tăng chi tiêu doanh nghiệp có thể bắt nguồn từ việc đẩy mạnh nhập khẩu trước thời điểm thuế của Mỹ có hiệu lực. Nếu tác động từ các mức thuế này không quá lớn, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) có thể cân nhắc nâng lãi suất vào tháng 9 hoặc 10.
Cuộc chiến thương mại toàn cầu những tháng gần đây đã khiến thị trường tài chính biến động mạnh, làm phức tạp thêm quá trình hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ). Nếu các mức thuế gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế, BOJ có thể sẽ tạm dừng kế hoạch nâng lãi suất.
Nhật Bản mới chỉ chấm dứt chính sách lãi suất âm vào đầu năm ngoái. Hiện lãi suất tham chiếu được nâng lên mức 0,5% vẫn thấp hơn đáng kể so với nhiều nền kinh tế phát triển khác. Trong cuộc họp chính sách cuối tháng trước, BOJ cũng đã mạnh tay điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng, do lo ngại tác động lan tỏa từ thuế nhập khẩu của Mỹ lên kinh tế toàn cầu.
Dù căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tạm lắng, vẫn chưa rõ liệu Nhật Bản có thể đạt được một thỏa thuận giảm thuế với Washington hay không. Tăng trưởng GDP yếu kém cũng có thể tạo thêm áp lực buộc Thủ tướng Shigeru Ishiba cân nhắc các biện pháp như giảm thuế hoặc tung ra một gói kích thích kinh tế mới.