Thâm hụt tài khóa ngày càng lớn và gánh nặng chi trả lãi vay liên tục gia tăng, Moody’s đã hạ mức xếp hạng tín nhiệm cao nhất của Mỹ.
Ngày 16/5, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s đã thông báo hạ bậc xếp hạng tín dụng quốc gia của Mỹ, từ mức cao nhất Aaa xuống Aa1. Trước đó vào năm 2023, Moody’s từng chuyển triển vọng tín nhiệm của Mỹ từ mức “ổn định” sang “tiêu cực”, do lo ngại về mức thâm hụt ngân sách kéo dài và chi phí lãi vay tăng cao. Tổng nợ công của Mỹ hiện đã chạm mốc 36.000 tỷ USD.
Moody’s cho biết nguyên nhân chính dẫn đến quyết định hạ xếp hạng là việc các chính quyền liên bang và Quốc hội Mỹ trong nhiều năm qua không đạt được sự đồng thuận về các biện pháp hiệu quả để đảo ngược xu hướng gia tăng của thâm hụt ngân sách cũng như chi phí trả lãi nợ.
Stephen Moore, người từng là cố vấn kinh tế cấp cao cho cựu Tổng thống Donald Trump, đã chỉ trích quyết định trên là “phi lý”. Trong cuộc trao đổi với Reuters, ông đặt câu hỏi: “Nếu trái phiếu chính phủ Mỹ còn không được xem là loại tài sản có xếp hạng cao nhất, thì điều gì mới đủ tiêu chuẩn?”
Kể từ khi trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã tuyên bố sẽ tiến hành tái cân bằng ngân sách. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent cũng liên tục khẳng định rằng mục tiêu của họ là giảm chi phí vay vốn cho nước Mỹ.
Tuy nhiên, những cố gắng trong việc tăng thu ngân sách và cắt giảm chi tiêu công của họ cho đến nay vẫn chưa thuyết phục được nhà đầu tư. Ban Hiệu suất Chính phủ (DOGE), do tỷ phú Elon Musk lãnh đạo, đang không đạt được các mục tiêu đề ra ban đầu. Các biện pháp tăng thu từ thuế nhập khẩu lại làm dấy lên lo ngại về nguy cơ bùng phát cuộc chiến thương mại và suy giảm kinh tế toàn cầu, dẫn đến sự biến động mạnh trên các thị trường.
Nếu không được kiểm soát kịp thời, những mối lo này có thể kích hoạt một đợt bán tháo trái phiếu, gây khó khăn cho việc thực hiện các kế hoạch của chính quyền Trump. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đã tăng lên sau khi Moody’s công bố thông tin.
“Diễn biến này hoàn toàn bất ngờ và thị trường không hề chuẩn bị trước,” ông Tom Di Galoma, Giám đốc bộ phận lãi suất và giao dịch tại Mischler Financial, nhận xét. Trong khi đó, thị trường chứng khoán Mỹ chưa chịu ảnh hưởng ngay lập tức vì đã đóng cửa trước đó.
Ông Trump đang thúc giục Quốc hội gia hạn chính sách cắt giảm thuế được ban hành năm 2017, một trong những thành tựu lập pháp nổi bật nhất trong nhiệm kỳ đầu của ông. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo rằng việc kéo dài chính sách này có thể khiến mức nợ công tăng thêm hàng nghìn tỷ USD.
Moody’s cho biết những đề xuất hiện đang được Quốc hội xem xét sẽ không giúp cải thiện thâm hụt ngân sách trong dài hạn. Theo ước tính của công ty này, nợ liên bang có thể đạt tới 134% GDP vào năm 2035, tăng đáng kể so với mức 98% của năm trước.
Trước đó, hai tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới là Fitch và Standard & Poor’s đã lần lượt hạ mức tín nhiệm của Mỹ. Fitch thực hiện việc này vào tháng 8/2023, khi các cuộc đàm phán về trần nợ kéo dài đến phút cuối, gây lo ngại về năng lực thanh toán của chính phủ. Trong khi đó, Standard & Poor’s đã loại bỏ mức xếp hạng cao nhất dành cho Mỹ từ năm 2011, sau khi xảy ra cuộc khủng hoảng trần nợ công cùng năm đó.