Ông Trump đã đàm phán với 180 nền kinh tế bằng cách đặt ra những điều kiện rất cao, đưa ra thông điệp mơ hồ khó đoán và tỏ ra điềm nhiên như khi chơi golf.
Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent hai người trực tiếp chứng kiến ông Trump viết bài đăng trên Truth Social thông báo hoãn áp thuế hôm 9/4 đã cùng chia sẻ lại một bài viết cũ của ông từ năm 2014: “Đàm phán là sở trường của tôi. Có người giỏi hội họa, người khác giỏi thi ca, còn tôi đam mê thương lượng, nhất là những thương vụ lớn”.
Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Karoline Leavitt, ngay sau khi ông Trump công bố quyết định hoãn thuế, đã dẫn lại cuốn Nghệ thuật đàm phán một tác phẩm nổi tiếng của ông. “Nhiều người trong giới truyền thông đã không nhận ra ‘nghệ thuật đàm phán’ của Tổng thống. Rõ ràng, các vị chưa nhìn thấu được ông ấy đang thực sự làm gì”, bà nói.
“Nghệ thuật đàm phán” (The Art of the Deal) là tên cuốn sách do ông Trump đồng tác giả cùng nhà báo Tony Schwartz, xuất bản lần đầu năm 1987. Trong tác phẩm này, ông trình bày các quan điểm cá nhân về kinh doanh, nghệ thuật thương lượng và những thương vụ mà bản thân từng tham gia. Suốt một tuần qua, ông tiếp tục áp dụng loạt chiến thuật đàm phán mang đậm dấu ấn cá nhân – những “nước đi” đã trở thành phong cách thương lượng quen thuộc – để đưa ra các điều kiện với đối tác thương mại và thúc đẩy các cuộc đối thoại.
Chiêu đầu tiên là “chiến thuật sân golf”. Ngày 3/4, giữa lúc thị trường chứng khoán lao dốc và chỉ một ngày sau khi các biện pháp thuế đáp trả được công bố, ông Trump xuất hiện tại sân golf Trump National Doral để quảng bá cho một giải đấu do Arab Saudi tài trợ. Sang hôm sau, thay vì tham gia một sự kiện quân sự, ông tiếp tục có mặt tại một sân golf khác ở Florida.
Đảng Dân chủ không bỏ lỡ cơ hội chế giễu, còn giới truyền thông cũng đồng loạt chỉ trích việc ông Trump dành hai ngày chơi golf giữa bối cảnh thị trường tài chính chao đảo. Nhưng, Nhà Trắng dường như không ngại khuấy động dư luận khi thông báo rằng ông Trump đã thắng trận golf và sẽ tiến vào vòng chung kết.
Tờ The Economist đưa ra nhận định có thể ông Trump thực sự không để tâm đến việc hàng nghìn tỷ USD vốn hóa thị trường bị “thổi bay”. Cũng không loại trừ khả năng ông đơn thuần muốn chơi golf, và tin rằng thái độ dửng dưng trước biến động có thể giúp ông củng cố thế mạnh trong các cuộc đàm phán sắp tới. “Với Trump, sự thờ ơ là một chiến lược cách để ông thể hiện quyền lực, thứ ông luôn coi là tối thượng“, The Economist bình luận.
Trong nội bộ chính quyền ông Trump, các tuyên bố liên quan đến chính sách thuế cũng bộc lộ sự thiếu nhất quán. Lúc đầu, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick liên tục khẳng định sẽ không tiến hành đàm phán, hoàn toàn đồng quan điểm với Cố vấn Thương mại Peter Navarro. Tuy nhiên sau đó, Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent lại cho biết việc tạm hoãn tăng thuế đã nằm trong tính toán từ trước của Tổng thống, chứ không phải là phản ứng tức thời trước biến động thị trường.
“Tôi đã có một cuộc trao đổi dài với Tổng thống vào ngày 6/4. Đây là chiến lược đã được lên kế hoạch từ sớm. Ông ấy thể hiện sự kiên định đáng nể khi bám sát kế hoạch cho đến thời điểm này,” ông Bessent chia sẻ.
Tạp chí The Economist cho rằng Tổng thống Trump tiếp tục sử dụng sự hỗn loạn như một đòn bẩy chiến lược nhằm nắm thế chủ động và khiến các đối tác rơi vào thế bị động. Ngay cả việc ông thực sự tin vào điều gì cũng vẫn là một điều khó đoán.
“Mặc dù ông Trump có vẻ nghiêm túc với mức thuế cơ bản 10% điều từng được ông hứa hẹn sẽ nâng lên đến 20% trong chiến dịch tranh cử thì các mức thuế đối ứng dường như chỉ là công cụ để tạo lợi thế trong đàm phán,” The Economist bình luận. Trong buổi trả lời báo chí ngày 7/4, khi được hỏi liệu thuế quan là quyết định cứng nhắc hay có thể thương lượng, ông Trump đáp: “Cả hai”.
Một ngày sau, lập trường của ông Trump trở nên rõ ràng hơn. Nhà Trắng khẳng định rằng Mỹ luôn sẵn sàng cho các cuộc đàm phán thương mại mới, dù cách thức cụ thể để được miễn hoặc giảm thuế vẫn chưa được xác định rõ. Tổng thống Trump cũng phát biểu chắc nịch: “Tôi biết rõ mình đang làm gì”.
Thị trường chứng khoán đã tăng mạnh sau khi ông Trump thông báo hoãn việc áp thuế đối ứng trong 90 ngày. Có thể nói, chiến thuật mà ông áp dụng trong tuần qua đã phần nào đạt được hiệu quả. Từ hơn 50 nền kinh tế ngỏ ý muốn đàm phán vào cuối tuần trước, con số này đã tăng lên 70 khi quyết định tạm hoãn thuế được đưa ra. Nhà Trắng dự đoán sẽ có thêm nhiều quốc gia tìm đến để thương lượng trong vòng ba tháng tới.
Sau một tuần đầy biến động, Nhà Trắng tạm khép lại tình hình căng thẳng bằng cách chuyển hướng truyền thông sang thị trường chứng khoán nơi các chỉ số lớn như Nasdaq, Dow Jones và S&P 500 vừa ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong nhiều thập niên. Tuy vậy, đà tăng không kéo dài lâu khi tâm lý lo ngại về xung đột thương mại Mỹ – Trung vẫn bao trùm giới đầu tư.
Tổng thống Trump vẫn nhấn mạnh mong muốn đạt được thỏa thuận về thuế với các đối tác, đặc biệt là Trung Quốc, nhằm hạ nhiệt căng thẳng. “Chúng ta sẽ cùng chờ xem điều gì sẽ diễn ra với Trung Quốc. Chúng tôi kỳ vọng có thể đi đến một thỏa thuận với họ,” ông phát biểu.
Trung Quốc tuyên bố rằng họ luôn sẵn sàng mở cửa cho các cuộc đàm phán với Hoa Kỳ, tuy nhiên nhấn mạnh rằng mọi cuộc đối thoại cần được tiến hành trên nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng giữa hai bên.
Theo tạp chí The Economist, việc sử dụng chiến thuật đe dọa như một cách tạo áp lực trước khi đàm phán không phải là điều xa lạ, và đã nhiều lần được Tổng thống Donald Trump vận dụng, từ các vấn đề thương mại cho đến chính trị. Trong tuần vừa qua, bằng cách tự đặt mình vào tâm điểm của những đồn đoán trên trường quốc tế, ông Trump dường như đặt cược rằng thị trường sẽ có dấu hiệu hồi phục khi ông phát tín hiệu “tạm dừng”, qua đó khiến các chỉ trích nhắm vào ông trong những ngày trước đó trở nên có phần vội vàng.
Kết thúc một tuần đầy căng thẳng, Tổng thống Trump lựa chọn ngôn từ ôn hòa hơn khi thông báo quyết định tạm hoãn, khẳng định rằng động thái này được đưa ra “bằng cả tấm lòng”. Ông nói: “Tôi tin rằng đây là bước đi tích cực không chỉ cho thế giới mà còn cho chính chúng ta. Chúng tôi không mong muốn làm tổn hại đến những quốc gia vốn không nên bị ảnh hưởng, và tất cả họ đều mong muốn đàm phán”.