Mặc dù Tổng thống Donald Trump liên tục gây sức ép, khả năng Apple (NASDAQ:AAPL) chuyển dây chuyền lắp ráp iPhone về Mỹ vẫn rất khó xảy ra do chi phí sản xuất tại đây cao hơn gần 10 lần so với việc sản xuất ở nước ngoài.
Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ông Trump đã cam kết sẽ bắt buộc Apple sản xuất sản phẩm ngay tại Mỹ. Gần một thập kỷ sau, khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai tại Nhà Trắng, ông tiếp tục tăng cường sức ép bằng việc đưa ra tối hậu thư yêu cầu Apple phải sản xuất iPhone trong nước, nếu không sẽ phải chịu mức thuế nhập khẩu ít nhất 25% trên mỗi thiết bị sản xuất ở nước ngoài.
Ngày 23/5, ông Trump tuyên bố sẽ áp mức thuế 25% đối với tất cả iPhone nhập khẩu từ nước ngoài, đồng thời mở rộng mức thuế này cho các thương hiệu điện thoại khác như Samsung. Ông nhấn mạnh rằng nếu không thực hiện biện pháp này, các nhà sản xuất trong nước sẽ bị thiệt thòi. Dự kiến, thuế có thể được áp dụng từ cuối tháng 6, trong khi Apple và Samsung vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức.
Mối đe dọa áp thuế công khai này có thể tạo ra lo ngại cho Apple cùng nhiều công ty công nghệ lớn khác. Trước đây, một số sản phẩm điện tử như điện thoại và máy tính từng được miễn áp thuế tạm thời trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Tuy nhiên, tình hình có thể biến đổi khi chính quyền Trump cân nhắc áp thuế lên toàn bộ ngành công nghiệp chất bán dẫn điều này có thể làm chi phí sản xuất tăng đáng kể.
Hiện tại, khoảng 80% iPhone vẫn đang được lắp ráp tại Trung Quốc. Trước nguy cơ bị áp thuế, Apple đã nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng bằng cách chuyển một phần hoạt động sang các quốc gia như Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan. Tuy vậy, Giám đốc điều hành Tim Cook vẫn vấp phải sự không hài lòng từ ông Trump sau khi công bố kế hoạch mở rộng sản xuất tại Ấn Độ thay vì đưa dây chuyền về Mỹ.
Ông Trump phản ứng bằng tuyên bố rằng Apple có thể xây dựng nhà máy tại Ấn Độ, Nhưng nếu chọn phương án này, hãng sẽ phải đối mặt với thuế khi đưa sản phẩm trở lại thị trường Mỹ.
Xét trên phương diện kỹ thuật, việc đưa hoạt động sản xuất iPhone về Mỹ là một bài toán không hề dễ dàng. Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick cho biết, nếu kế hoạch này được thực hiện, quy trình lắp ráp sẽ được tự động hóa cao, tạo ra cơ hội việc làm cho lao động kỹ thuật như thợ cơ khí, thợ điện, thay vì sử dụng lực lượng công nhân lắp ráp thủ công như tại một số quốc gia châu Á.
Tuy nhiên, việc chuyển chuỗi cung ứng về Mỹ đòi hỏi một lượng lớn nguồn lực. Chi phí lao động tại Mỹ cao hơn gấp hơn 10 lần so với ở Ấn Độ. Một công nhân tại Ấn Độ có thu nhập khoảng 230 USD mỗi tháng, trong khi tại California con số này lên tới 2.900 USD mỗi tháng. Chi phí để lắp ráp một chiếc iPhone tại Ấn Độ vào khoảng 30 USD, nhưng nếu thực hiện tại Mỹ, mức chi phí này có thể tăng lên tới 390 USD chưa bao gồm chi phí linh kiện và vận chuyển.
Dù bị áp thuế 25%, chi phí lắp ráp iPhone tại Ấn Độ chỉ tăng lên khoảng 37,5 USD mỗi chiếc vẫn thấp hơn đáng kể so với chi phí sản xuất tại Mỹ. Điều này cho thấy, ngay cả khi chịu thuế nhập khẩu, việc sản xuất ở nước ngoài vẫn mang lại lợi thế kinh tế rõ ràng hơn.
Chuyên gia Wayne Lam từ TechInsights cho biết Apple có thể sản xuất iPhone tại Mỹ, nhưng điều này sẽ làm giá bán tăng gấp đôi, lên khoảng 2.000 USD mỗi máy. Ông cho rằng để khả thi, Apple cần tăng cường đầu tư vào tự động hóa do lực lượng lao động ở Mỹ không thể so sánh với Trung Quốc. Trong ngắn hạn, phương án này không mang lại hiệu quả kinh tế.