Ông Trump cho rằng nước này đang định hướng phát triển sản xuất các mặt hàng quy mô lớn như thiết bị quốc phòng và công nghệ, thay vì tập trung vào các sản phẩm tiêu dùng đơn giản như giày thể thao và áo phông.
Trước chuyến bay tới New Jersey trên chuyên cơ Không lực Một, ông Trump chia sẻ với giới truyền thông rằng ông đồng ý với nhận định ngày 29/4 của Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, cho rằng nước Mỹ không cần thiết phải phát triển mạnh ngành dệt may.
“Chúng tôi không nhắm đến việc làm ra giày thể thao hay áo phông. Điều chúng tôi hướng tới là sản xuất thiết bị quân sự cùng các sản phẩm tầm cỡ như trí tuệ nhân tạo và máy tính,” ông Trump nói.
Tổng thống Mỹ sau đó lý giải rằng các sản phẩm dệt may như áo và tất có thể được sản xuất rất hiệu quả ở những quốc gia khác. Trong khi đó, nước Mỹ tập trung vào việc chế tạo chip, máy tính cùng nhiều sản phẩm quy mô lớn khác như xe tăng và tàu thủy.
Ngày 29/4, sau khi giải thích về kế hoạch thúc đẩy sản xuất trong nước của Tổng thống Trump, ông Bessent đã nhận phải sự phản đối từ Hội đồng Dệt may Quốc gia khi phát biểu rằng ông Trump tập trung vào “các công việc của tương lai chứ không phải những công việc truyền thống.” Hội đồng này khẳng định họ ủng hộ tất cả chính sách thương mại của chính quyền Trump, đồng thời nhấn mạnh ngành dệt may hiện đang sản xuất hơn 8.000 mặt hàng phục vụ quân đội và tạo công ăn việc làm cho hơn 470.000 người lao động trong năm vừa qua. Vì vậy, họ không muốn bị bỏ qua hay xem nhẹ như vậy.
Trong vài tháng gần đây, ông Trump đã tạo ra nhiều biến động trên thế giới với các chính sách thương mại chưa từng có tiền lệ. Bên cạnh mục tiêu tăng nguồn thu ngân sách, chính quyền Trump khẳng định rằng chuỗi thuế nhập khẩu mới sẽ giúp phục hồi ngành sản xuất của Mỹ, vốn đã trải qua sự suy giảm kéo dài nhiều thập kỷ.
Tính đến nay, ông Trump đã áp mức thuế riêng biệt 25% đối với ôtô, nhôm và thép nhập khẩu vào Mỹ. Phần lớn các quốc gia phải chịu mức thuế 10% khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, trong khi Trung Quốc bị áp thuế lên tới 30%. Tuần trước, Tổng thống Mỹ còn đe dọa sẽ tăng thuế đối với hàng hóa từ Liên minh châu Âu (EU) lên 50%, đồng thời cảnh báo rằng iPhone bán tại Mỹ sẽ chịu mức thuế 25% nếu được sản xuất ở nước ngoài.
Đến thời điểm hiện tại, các nhà phân tích vẫn còn nghi ngờ về khả năng Tổng thống có thể phục hồi ngành sản xuất trong nước. Việc chuyển các nhà máy trở về Mỹ sẽ đối mặt với nhiều thách thức như chi phí nhân công, nguyên liệu, cơ sở vật chất cao, cùng với kỹ năng lao động có thể không còn phù hợp với công nghệ sản xuất hiện đại. Ví dụ, giá bán iPhone có thể tăng lên gấp ba lần, khoảng 3.500 USD một chiếc.