Cộng đồng tình báo Mỹ từ lâu nhận định Nga là đối thủ tìm cách làm suy yếu phương Tây, nhưng lập trường của chính quyền Tổng thống Trump dường như không hoàn toàn đồng nhất với quan điểm này.
Trong báo cáo Đánh giá Mối đe dọa Thường niên công bố vào tháng 2/2024, cộng đồng tình báo Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden nhận định rằng Nga là một đối thủ có năng lực trên nhiều lĩnh vực, với mục tiêu làm suy yếu vị thế của Mỹ và phương Tây.
Năm nay, việc công bố báo cáo này trở nên phức tạp hơn khi các lãnh đạo tình báo Mỹ ra điều trần trước quốc hội. Đây cũng là bản đánh giá đầu tiên của cộng đồng tình báo Mỹ về các mối đe dọa toàn cầu trong nhiệm kỳ hai của Tổng thống Donald Trump.
Hiện nay, câu hỏi được đặt ra là liệu cộng đồng tình báo Mỹ có giữ nguyên quan điểm lâu nay, tiếp tục xem Nga là đối thủ của Mỹ, hay sẽ điều chỉnh cách mô tả Moskva theo hướng tương tự những phát biểu gần đây từ ông Trump và các quan chức cấp cao trong chính quyền.
Chỉ hơn hai tháng sau khi nhậm chức, Tổng thống Trump đã thay đổi đáng kể cách tiếp cận của Mỹ đối với Nga, dần xem Moskva như một đối tác thay vì một đối thủ.
Trong cuộc điện đàm ngày 18/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhất trí rằng cải thiện quan hệ giữa hai nước có thể đem lại “những lợi ích đáng kể”, bao gồm các thỏa thuận kinh tế lớn và sự ổn định trong tình hình địa chính trị.
Trước đó, Tổng thống Donald Trump từng khiến nhiều người bất ngờ khi điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 12/2, thống nhất thúc đẩy các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt xung đột tại Ukraine mà không tham vấn trước với các đồng minh châu Âu hay chính quyền Ukraine. Cuộc điện đàm này đã góp phần làm suy giảm thế cô lập mà phương Tây tìm cách áp đặt lên Nga trong ba năm xung đột ở Ukraine.
Gần đây, ông Trump cùng nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền cũng nhắc đến Nga và Tổng thống Putin như một đối tác kinh doanh tiềm năng trong tương lai, người mong muốn chấm dứt xung đột, khẳng định quyền kiểm soát đối với những khu vực được cho là thuộc về Nga, đồng thời bày tỏ mong muốn cải thiện quan hệ với Mỹ.
“Tôi tin ông ấy”, Tổng thống Trump tuyên bố vào ngày 7/3 khi được hỏi liệu ông có tin rằng Tổng thống Putin thực sự muốn hòa bình hay không. Ông Trump cũng khẳng định rằng mình “luôn duy trì quan hệ tốt” với nhà lãnh đạo Nga.
Theo các chuyên gia, quan điểm của chính quyền ông Trump về Nga và sự tin tưởng mà ông dành cho ông Putin đã khiến nhiều đồng minh cùng các quan chức tình báo và ngoại giao không khỏi bối rối. Giờ đây, các lãnh đạo tình báo Mỹ phải đối mặt với bài toán khó khi công bố bản đánh giá mới: nên tiếp tục dựa trên những phân tích trước đây hay điều chỉnh theo quan điểm mà ông Trump mong muốn.
Cộng đồng tình báo Mỹ, bao gồm 18 cơ quan tình báo liên bang, đang chịu tác động lớn từ chiến dịch tinh giản sâu rộng do Tổng thống Trump khởi xướng. Nhiều cơ quan đã phải cắt giảm ngân sách và đối mặt với những biến động về nhân sự theo các chỉ thị tái cơ cấu của ông Trump.
Tình thế càng trở nên phức tạp hơn khi Steve Witkoff, đặc phái viên phụ trách vấn đề Trung Đông và Nga đồng thời là người bạn lâu năm của Tổng thống Trump, đưa ra những phát biểu gần như trùng khớp với lập trường của Moskva. Ông Witkoff đã bác bỏ các lo ngại từ châu Âu về khả năng Nga vi phạm bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào, đồng thời cho rằng không cần thiết phải triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình để kiềm chế Moskva.
Trong cuộc phỏng vấn với Tucker Carlson, một người ủng hộ phong trào MAGA của cựu Tổng thống Donald Trump, Witkoff cho rằng ý tưởng về việc thành lập lực lượng gìn giữ hòa bình xuất phát từ quan điểm “phi lý” rằng Nga sẽ mở rộng tấn công khắp châu Âu.
Đặc phái viên Mỹ lập luận rằng Tổng thống Putin không thực sự có ý định chiếm toàn bộ Ukraine. Theo ông, Nga không cần sáp nhập Ukraine mà chỉ mong muốn duy trì sự ổn định tại khu vực này.
Thượng nghị sĩ Mark Warner, một thành viên cấp cao của đảng Dân chủ trong Ủy ban Tình báo Thượng viện, cho biết những phát ngôn của ông Witkoff cùng các quan chức khác trong chính quyền cựu Tổng thống Trump đã gây hoang mang cho cộng đồng tình báo Mỹ.
“Nếu bạn đã dành nhiều năm làm việc trong cộng đồng tình báo Mỹ, thực hiện không ít báo cáo về Nga, nhưng rồi quan điểm đột ngột chuyển hướng hoàn toàn theo chiều hướng ủng hộ Moskva, bạn sẽ bối rối không biết phải lý giải thế nào”, ông Warner chia sẻ.
Ông dự đoán rằng bản đánh giá mối đe dọa thường niên sắp được cộng đồng tình báo Mỹ công bố sẽ vẫn nhất quán với những báo cáo trước đây, bao gồm cả nhận định về mối đe dọa từ Nga.
Theo truyền thống, các cơ quan tình báo Mỹ thường đưa ra đánh giá dựa trên quá trình phân tích kỹ lưỡng các nguồn thông tin thu thập được. Đến nay, chưa có dấu hiệu nào cho thấy cộng đồng tình báo Mỹ đã thay đổi quan điểm về Nga.
Tuy nhiên, việc quyết định liệu Nga được xem là đối thủ hay đối tác của Mỹ hiện do tân Giám đốc Tình báo Quốc gia Tulsi Gabbard và tân Giám đốc CIA John Ratcliffe, hai người được cựu Tổng thống Trump đề cử, đảm nhiệm.
Ông Warner cảnh báo rằng nếu cộng đồng tình báo Mỹ bất ngờ thay đổi quan điểm về Nga, điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến mối quan hệ hợp tác tình báo lâu đời với các đồng minh châu Âu.
Dù Mỹ sở hữu nguồn thông tin tình báo phong phú hơn nhiều quốc gia khác, sự đóng góp của các đồng minh quan trọng vẫn đóng vai trò thiết yếu. Nếu các đối tác bắt đầu nghi ngờ về chính sách cũng như độ tin cậy trong các phân tích tình báo của Mỹ, họ có thể hạn chế việc chia sẻ thông tin.
Các nhà phân tích tại Nga cũng cho rằng chính quyền Washington đã có sự thay đổi trong thái độ đối với Moskva theo hướng tích cực hơn. Phía Nga thời gian qua cũng đưa ra nhiều đánh giá thiện chí hơn về Mỹ.
Yevgeny Popov, một nghị sĩ thuộc Duma Quốc gia Nga, nói với CBS News rằng ông xem cựu Tổng thống Trump là lựa chọn tốt hơn so với Tổng thống Biden. Ông cho rằng giữa người Nga và người Mỹ hiện có một số quan điểm tương đồng, đặc biệt khi cả hai quốc gia đều đang theo xu hướng bảo thủ.
Một số người tỏ ra lạc quan nhưng vẫn giữ thái độ thận trọng. “Không ai ở đây ảo tưởng rằng ngày mai chúng tôi sẽ ngay lập tức xóa bỏ mâu thuẫn và trở thành đồng minh thân thiết của Mỹ”, Malek Dudakov, chuyên gia khoa học chính trị tại Moskva và là bình luận viên quen thuộc trên các chương trình truyền thông nhà nước Nga, cho biết.
Ngay cả sự lạc quan thận trọng này cũng thể hiện sự thay đổi rõ rệt trong cách nhìn nhận về Washington, bởi trước đây, các chính trị gia và nhà bình luận truyền hình Nga thường công khai chỉ trích Mỹ, coi nước này là đối thủ và thậm chí đe dọa tấn công vào các lợi ích của họ.
Mặc dù cơ hội hợp tác vẫn có, một số người Nga vẫn giữ thái độ dè dặt trước sự khó đoán của cựu Tổng thống Trump. “Tôi không nghĩ ông Trump đang cố gắng thể hiện sự ủng hộ với Nga hay muốn xây dựng một liên minh. Theo tôi, đơn giản là ông ấy không muốn xung đột với Nga vì Ukraine không nằm trong các ưu tiên hàng đầu của ông ấy”, Dudakov cho biết.