Walmart từng cho rằng có thể dùng sức ảnh hưởng của mình để buộc các nhà cung cấp Trung Quốc gánh phần thuế quan, nhưng bất ngờ vấp phải sự từ chối.
Là hệ thống bán lẻ hàng đầu tại Mỹ, Walmart vốn nhập khẩu nhiều sản phẩm có xuất xứ từ Trung Quốc và cung cấp cho người tiêu dùng với mức giá cạnh tranh nhất. Do đó, khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp dụng mức thuế bổ sung 20% lên hàng hóa từ Trung Quốc trong tháng này, Walmart càng chịu thêm nhiều áp lực.
Nhằm ứng phó, Walmart ban đầu tận dụng vị thế của mình với tư cách là chuỗi bán lẻ hàng đầu tại Mỹ để gây áp lực buộc các nhà cung cấp Trung Quốc giảm giá. Theo nguồn tin tiết lộ, tháng trước, Walmart đã đề nghị một số đối tác cung ứng, bao gồm các mặt hàng như đồ gia dụng và trang phục, điều chỉnh giá giảm đến 10% cho mỗi đợt tăng thuế. Điều này đồng nghĩa với việc các nhà cung cấp có thể phải chịu toàn bộ chi phí phát sinh từ mức thuế mà ông Trump đưa ra.
Walmart ban đầu đề nghị các nhà sản xuất hạ giá khi đợt thuế đầu tiên do ông Trump áp dụng có hiệu lực vào đầu tháng 2. Đến cuối tháng, khi ông Trump cảnh báo sẽ tăng gấp đôi thuế suất đối với hàng hóa từ Trung Quốc, Walmart tiếp tục yêu cầu các nhà cung cấp giảm giá sâu hơn. “Như trước đây, chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác với các nhà cung cấp để đảm bảo mang đến mức giá thấp nhất có thể cho khách hàng”, Walmart chia sẻ với Reuters hồi đầu tháng 3.
Tuy nhiên, theo Reuters, rất ít doanh nghiệp Trung Quốc đồng ý với đề nghị này, bởi họ vốn đã phải hoạt động với biên lợi nhuận rất thấp do Walmart thu mua hàng hóa với giá rẻ nhằm duy trì sức cạnh tranh trên thị trường.
Điều khiến tập đoàn bán lẻ khổng lồ của Mỹ càng bất ngờ hơn là việc Bắc Kinh can thiệp trực tiếp. Ngày 11/3, Bộ Thương mại Trung Quốc đã tổ chức một cuộc họp với đại diện của Walmart sau khi xuất hiện thông tin rằng tập đoàn này đã đề nghị một số nhà cung cấp Trung Quốc hạ giá bán.
“Chúng tôi đã liên hệ với Walmart để tìm hiểu thêm về tình hình và công ty đã đưa ra lời giải thích”, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc, ông He Yongqian, cho biết nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Theo tờ Wall Street Journal, các quan chức Trung Quốc đã cảnh báo Walmart rằng việc gây áp lực buộc nhà cung cấp hạ giá có thể vi phạm các điều khoản hợp đồng và làm xáo trộn trật tự thị trường. Họ cũng đề cập đến những hệ quả pháp lý mà doanh nghiệp này có thể phải đối mặt.
Người phát ngôn của Walmart xác nhận rằng cuộc họp đã diễn ra nhưng không cung cấp thêm thông tin chi tiết. “Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nhà cung cấp để tìm ra giải pháp phù hợp nhất trong bối cảnh thị trường nhiều biến động như hiện nay”, đại diện công ty cho biết.
Kể từ nhiệm kỳ đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Walmart đã chủ động tìm cách giảm thiểu ảnh hưởng từ các đợt áp thuế bằng việc mở rộng và đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn hàng từ Trung Quốc. Dù vậy, Trung Quốc vẫn giữ vai trò quan trọng trong việc cung ứng nhiều mặt hàng như quần áo, thiết bị điện tử và đồ chơi.
Theo thông tin mới nhất mà Reuters thu thập được, một phần đáng kể hàng hóa nhập khẩu của Walmart vẫn được sản xuất tại Trung Quốc. Các mặt hàng này bao gồm giày Reebok, đồ chơi Mattel, TV thương hiệu Onn, áo thun, thắt lưng, giày dép và thiết bị gia dụng. Các chuyên gia ước tính khoảng 20% sản phẩm của Walmart vẫn có xuất xứ từ Trung Quốc.
Trước đây, Walmart thường tận dụng quy mô lớn và sức mạnh đàm phán của mình để gây áp lực lên các nhà sản xuất nhằm giảm giá. Tuy nhiên, chiến lược này đã gặp nhiều khó khăn khi chính phủ Trung Quốc vào cuộc can thiệp.
Theo Joseph Jurken, Nhà sáng lập công ty tư vấn chuỗi cung ứng ABC Group, đây không chỉ đơn thuần là vấn đề giữa Walmart và các nhà cung cấp mà còn mang tính chất như một tuyên bố từ phía Trung Quốc. “Họ có thể đang muốn khẳng định rằng: ‘Thế là đủ rồi'”, ông nhận xét.
Phản ứng quyết liệt từ Trung Quốc cũng đi ngược lại với quan điểm của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent, người từng khẳng định rằng “các nhà sản xuất Trung Quốc sẽ phải gánh chịu thuế quan” và giá cả tại thị trường Mỹ sẽ không tăng. Theo CNN, Walmart hiện đối mặt với hai lựa chọn: hoặc tăng giá bán lẻ và đối diện với sự bất bình từ người tiêu dùng Mỹ, hoặc tiếp tục gây áp lực lên các nhà cung cấp nhưng có nguy cơ làm căng thẳng thêm mối quan hệ với Bắc Kinh.
“Trung Quốc đang phát đi thông điệp rằng: ‘Chúng tôi sẽ không gánh khoản thuế này. Người tiêu dùng Mỹ mới là bên phải chịu chi phí đó'”, ông Thomas Hoenig, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang chi nhánh Kansas City, nhận định.
Bên cạnh những tác động tại thị trường Mỹ, hoạt động kinh doanh của Walmart tại Trung Quốc cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng. Tập đoàn này hiện đang vận hành chuỗi siêu thị Sam’s Club tại Trung Quốc, nơi doanh thu năm ngoái tăng 16%, đạt 17 tỷ USD.
Vấn đề thuế quan mà Walmart đang đối mặt xảy ra vào thời điểm đầy thách thức, khi sức mua tại Mỹ có dấu hiệu chững lại. Người tiêu dùng nước này đang hạn chế chi tiêu vào các lĩnh vực như du lịch hàng không, cải tạo nhà cửa, cũng như mua sắm quần áo và thực phẩm. Trong tháng 2, doanh số bán lẻ tại Mỹ chỉ tăng 0,2% so với tháng trước, thấp hơn dự đoán, làm dấy lên lo ngại về khả năng suy thoái kinh tế.
Tháng trước, ông John David Rainey, Giám đốc tài chính của Walmart, nhận định rằng tình hình thuế quan hiện nay khó đoán định nhưng vẫn trong tầm kiểm soát. “Thuế quan ở thời điểm này rất khó lường. Chúng tôi tin rằng mình có thể ứng phó tốt, nhưng đây vẫn là một yếu tố khó đoán,” ông chia sẻ. Rainey cũng bày tỏ lo ngại rằng điều này có thể ảnh hưởng đến ngân sách của người tiêu dùng Mỹ, đặc biệt nếu lạm phát quay trở lại.
Các chuyên gia cho rằng Walmart vẫn giữ được vị thế vững vàng để ứng phó với tình hình kinh tế hiện tại. Nhờ quy mô lớn, tập đoàn có thể duy trì mức giá cạnh tranh, đặc biệt là trong lĩnh vực thực phẩm nơi họ chiếm khoảng 25% tổng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ.
Michael Baker, chuyên gia phân tích tại DA Davidson, nhận định rằng Walmart có lợi thế hơn nhiều doanh nghiệp khác khi phần lớn hàng hóa của họ khoảng hai phần ba được sản xuất trong nước. Ngoài ra, mạng lưới nhà cung cấp rộng khắp trên hơn 70 quốc gia cũng giúp Walmart hạn chế sự phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc.
Các mức thuế mà Mỹ áp dụng đối với Canada, Mexico và châu Âu không tác động mạnh đến Walmart như thuế quan áp lên hàng hóa từ Trung Quốc. Nguyên nhân là do Walmart nhập khẩu ít sản phẩm hơn từ các thị trường này, đồng thời các chính phủ đó cũng ít can thiệp trực tiếp vào hoạt động doanh nghiệp so với Trung Quốc.
Vấn đề lớn hơn là phản ứng quyết liệt từ Trung Quốc cho thấy các công ty Mỹ đang rơi vào thế khó trong bối cảnh căng thẳng thương mại leo thang giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới. Người tiêu dùng Mỹ mong muốn có mức giá hợp lý, nhưng điều này sẽ trở nên khó khăn hơn nếu Bắc Kinh tiếp tục can thiệp. Theo CNN, nếu ngay cả một tập đoàn lớn như Walmart cũng gặp khó khăn trong việc kiểm soát giá cả, thì các doanh nghiệp Mỹ nhỏ hơn sẽ càng chật vật hơn.