Các quan chức cảnh báo rằng chính phủ Mỹ có nguy cơ cạn kiệt nguồn tài chính để chi trả, nếu trần nợ công không được điều chỉnh kịp thời.
Ngày 9/6, Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ (CBO) công bố báo cáo đánh giá tình hình tài khóa tháng 5. Báo cáo dự báo rằng: “Nếu trần nợ không được điều chỉnh, các biện pháp tài chính đặc biệt của chính phủ sẽ không còn hiệu lực trong khoảng thời gian từ giữa tháng 8 đến cuối tháng 9/2025”.
Thời điểm dự báo mới này chậm hơn khoảng hai tuần so với ước tính hồi tháng 3. CBO cho biết các số liệu thu – chi ngân sách trong ba tháng gần đây “phù hợp với kỳ vọng” và “giảm khả năng các biện pháp tạm thời mất hiệu lực ngay từ đầu tháng 8”. Nhờ đó, Quốc hội Mỹ có thêm thời gian để xem xét và đàm phán các điều khoản nâng trần nợ trong dự luật thuế và chi tiêu do Tổng thống Donald Trump đề xuất.
Cuối tháng 5, Hạ viện Mỹ đã phê duyệt dự luật có nội dung đề xuất tăng trần nợ công thêm 4.000 tỷ USD. Hiện dự luật đang được chuyển lên Thượng viện để xem xét.
Từ tháng 1, Mỹ đã tiến gần mức trần nợ công giới hạn tối đa mà chính phủ được phép vay. Hiện mức trần này là 36.100 tỷ USD. Từ thời điểm đó, Bộ Tài chính Mỹ đã buộc phải áp dụng các biện pháp kế toán đặc biệt nhằm tránh vượt ngưỡng nợ, đồng thời vẫn đảm bảo thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thanh toán.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent mới đây kêu gọi các nghị sĩ Cộng hòa sớm phê duyệt việc nâng trần nợ, chậm nhất vào cuối tháng 7. Trước đó, Bộ Tài chính Mỹ đưa ra dự báo riêng, cảnh báo nguy cơ nước này không thể đáp ứng các nghĩa vụ thanh toán đúng hạn từ tháng 8. Tuy nhiên, ông Bessent vẫn trấn an rằng “dù đã tiến sát giới hạn, nước Mỹ sẽ không bao giờ rơi vào tình trạng vỡ nợ”.
Không giống nhiều quốc gia phát triển khác, Mỹ áp dụng một giới hạn nghiêm ngặt đối với số tiền chính phủ được phép vay, gọi là trần nợ công, do Quốc hội quy định. Do chi tiêu vượt quá nguồn thu, các nhà lập pháp Mỹ buộc phải định kỳ nâng mức trần này. Đây luôn là nhiệm vụ nan giải, bởi không ít nghị sĩ tỏ ra dè dặt khi phải ủng hộ việc tăng vay nợ.
Mỹ lần đầu áp dụng trần nợ công vào năm 1917, khi Quốc hội cho phép Bộ Tài chính vay một khoản giới hạn để phục vụ Thế chiến I. Mức trần nợ hiện đại đầu tiên được thiết lập vào năm 1939, ở mức 45 tỷ USD. Kể từ đó đến nay, Quốc hội đã phê duyệt việc nâng trần nợ tổng cộng 103 lần.