Nhiều ý kiến cho rằng việc Elon Musk công khai lên tiếng chỉ trích Tổng thống Donald Trump là hành động thiếu thận trọng, thậm chí có thể khiến ông tự đẩy mình vào thế rủi ro.
Suy cho cùng, ông Trump không chỉ là một chính trị gia mà còn là nguyên thủ quốc gia, người nắm quyền chi phối các hợp đồng trị giá hàng tỷ USD với các công ty của Elon Musk như Tesla (NASDAQ:TSLA), SpaceX, Starlink hay The Boring Company. Mối liên kết giữa những doanh nghiệp này và chính phủ liên bang trải dài từ trợ cấp tài chính cho đến hợp đồng trong lĩnh vực quốc phòng và hàng không vũ trụ.
Vậy điều gì khiến ông Musk chọn cách công khai đối đầu với một nhân vật có thể tác động trực tiếp đến dòng tiền và chính sách? Đây là một bước đi thiếu tính toán hay là chiến lược đã được cân nhắc kỹ càng?
Theo Joel Shulman trên Forbes, những hành động tưởng như bốc đồng của ông Musk thực chất có thể nằm trong một chiến lược dài hạn, thay vì phản ứng bộc phát. Ông Musk vốn nổi tiếng với khả năng tận dụng hỗn loạn để tạo ra cơ hội. Việc công khai chế giễu ông Trump và phản đối dự luật thuế quan trọng có thể là bước đi nhằm gia tăng ảnh hưởng, tái định hình vị thế cá nhân trong bối cảnh chính trị và truyền thông hiện nay.
Vào giai đoạn cuối năm 2024 đến đầu năm 2025, ông Elon Musk được cho là đã rót hơn 300 triệu USD nhằm hậu thuẫn chiến dịch tranh cử của ông Trump thông qua các kênh truyền thông, hoạt động tài trợ chính trị và mạng lưới ảnh hưởng rộng khắp. Sau chiến thắng sít sao của Trump, khối tài sản của Musk đã tăng thêm hơn 150 tỷ USD một mức lợi nhuận khổng lồ cho thấy khoản chi này không phải là quyết định ngẫu hứng, mà là một nước đi được toan tính cẩn trọng.
Ở tuổi 53, Elon Musk vẫn còn nhiều năm phía trước để gây ảnh hưởng đến chính trường Mỹ. Dù không thể trở thành ứng viên tổng thống vì không sinh ra tại Mỹ, nhưng với quyền kiểm soát mạng xã hội X cùng tiềm lực tài chính gần như không giới hạn, ông hoàn toàn có thể dẫn dắt dư luận, nâng tầm tiếng nói của các ứng viên mình ủng hộ và tác động đến kết quả bầu cử.
Dù không nắm giữ chức danh chính thức, ông Musk vẫn có thể trở thành “vua không ngai” người âm thầm chi phối chính sách, ảnh hưởng đến các quyết định bổ nhiệm và định hình cả các cuộc chạy đua vào Nhà Trắng.
Từng bị đánh giá thấp nhưng liên tục khiến đối thủ phải trả giá, ông Musk nhiều lần chứng minh khả năng xoay chuyển tình thế. Việc cổ phiếu Tesla liên tục bị bán khống rồi bất ngờ phục hồi mạnh mẽ chỉ là một trong nhiều bằng chứng cho thấy tầm nhìn chiến lược dài hạn của ông.
Quãng thời gian ngắn ngủi làm việc tại Nhà Trắng được ví như một “kỳ thực tập mùa xuân” có thể đã mang đến cho ông Musk cái nhìn thực tế về cách quyền lực vận hành. Việc ông rời đi rồi nhanh chóng công khai chỉ trích chính quyền dường như không phải hành động bốc đồng, mà có thể nằm trong kế hoạch đã được tính toán từ trước.
Một số ý kiến cho rằng mâu thuẫn bắt nguồn từ việc ông Trump không chấp thuận đề cử của ông Musk cho vị trí Giám đốc NASA, hoặc do Tesla bị gạch tên khỏi danh sách được hưởng ưu đãi thuế trong dự luật xe điện yếu tố có thể khiến công ty thiệt hại hàng tỷ USD. Dù được lý giải bởi lý tưởng hay lợi ích, động cơ sâu xa của ông Musk có lẽ vẫn xoay quanh quyền lực và lợi nhuận.
Tổng thống Trump thể hiện sự điềm tĩnh và giữ khoảng cách cần thiết. Thay vì đáp trả gay gắt, ông tiếp tục tập trung vào các chính sách cốt lõi và giữ phong thái chuẩn mực của một nguyên thủ. Có lẽ ông hiểu rằng, trong không gian chính trị rộng lớn tại Mỹ, vẫn có “nhiều thế lực” có thể cùng tồn tại và tranh ảnh hưởng.
Mặc dù thường bị nhận xét là khó đoán, Elon Musk lại hay giành phần thắng trong những ván đấu lâu dài. Vì thế, động thái công khai chỉ trích lần này có thể không đơn thuần là hành động bột phát, mà là một bước đi chiến lược nhằm tái thiết lập ảnh hưởng và vị thế trong bối cảnh chính trị mới.