Các chỉ số chính trên thị trường chứng khoán giảm gần 2%, bị ảnh hưởng bởi đà tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và những lo ngại xoay quanh kế hoạch cắt giảm thuế mà Tổng thống Donald Trump đề xuất.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 21/5, chỉ số Dow Jones giảm 817 điểm, tương đương 1,91%. S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt mất 1,61% và 1,41%. Cả ba chỉ số đều rơi xuống mức thấp nhất trong vòng một tháng.
Áp lực bán gia tăng sau khi Bộ Tài chính Mỹ tổ chức đấu giá trái phiếu kỳ hạn 20 năm. Theo ông Chip Hughey, Giám đốc bộ phận trái phiếu tại Truist Advisory Services, đợt đấu giá này ghi nhận “lượng cầu yếu” và kết quả “gây thất vọng”.
Dù không thường được chú ý như các kỳ hạn 10 năm hay 30 năm, trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 20 năm đang thu hút sự quan tâm của thị trường sau khi Moody’s hạ bậc tín nhiệm của Mỹ. Mới đây, Bộ Tài chính Mỹ đã phát hành 16 tỷ USD trái phiếu kỳ hạn 20 năm với lợi suất đạt 5,047%, tăng đáng kể so với mức 4,83% trong đợt đấu giá tháng 2. Diễn biến này phản ánh việc nhà đầu tư đang yêu cầu mức lợi suất cao hơn để chấp nhận nắm giữ nợ công của Mỹ.
Lợi suất trái phiếu tăng mạnh đang khiến dòng vốn dịch chuyển khỏi các tài sản rủi ro khác, tạo áp lực lên thị trường cổ phiếu. Trong phiên giao dịch ngày 21/5, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên 4,59%, mức cao nhất kể từ tháng 2. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 30 năm vượt mốc 5%, đánh dấu mức đỉnh trong vòng hai năm.
Phố Wall giảm điểm do lo ngại dự luật giảm thuế của Tổng thống Donald Trump sẽ làm thâm hụt ngân sách tăng cao, gây áp lực lớn hơn lên nợ công của nước Mỹ. Ông Hughey nhận xét: “Dù Moody’s hạ xếp hạng tín nhiệm Mỹ từ Aaa xuống Aa1 không phải điều bất ngờ, nhưng hành động này khiến thị trường chú ý hơn đến các vấn đề then chốt như thâm hụt ngân sách và gánh nặng nợ ngày càng tăng.”
Ngay từ đầu phiên giao dịch, thị trường đã đi xuống khi các nghị sĩ đảng Cộng hòa tại Quốc hội thúc đẩy nhanh việc thông qua dự luật thuế. Số liệu từ Bộ Tài chính Mỹ cho thấy, tỷ lệ nợ công so với GDP của nước này trong năm ngoái đã tăng lên 123%, so với mức 104% vào năm 2017.
Chỉ số CBOE Volatility Index, đại diện cho mức độ biến động trên thị trường, đã tăng hơn 15%. Trong khi đó, Dollar Index, thước đo sức mạnh của đồng đô la Mỹ so với sáu loại tiền tệ chủ chốt, giảm 0,5% xuống còn 99,5 điểm.
Đây là phiên giảm thứ hai liên tiếp của thị trường chứng khoán Mỹ, khiến S&P 500 kết thúc chuỗi sáu phiên tăng liên tục. Dù vậy, chỉ số này vẫn hồi phục mạnh trong tháng vừa qua, với mức tăng khoảng 17% so với mức thấp nhất trong năm.