Chứng khoán Mỹ trái với kỳ vọng khi ông Trump tái đắc cử, chỉ số S&P 500 lại chứng kiến giảm 10% trong 52 phiên giao dịch đầu tiên của nhiệm kỳ đánh dấu hiệu suất tệ nhất kể từ năm 2001.
Phiên giao dịch ngày 3/4 khép lại với cú lao dốc mạnh trên phố Wall, đánh dấu mức giảm sâu nhất kể từ tháng 3/2020. Nguyên nhân xuất phát từ tâm lý lo ngại của nhà đầu tư trước khả năng bùng phát chiến tranh thương mại và nguy cơ suy thoái toàn cầu, sau khi Mỹ áp thuế đáp trả. Chỉ số Dow Jones “bốc hơi” 1.682 điểm, tương đương 4%. S&P 500 giảm 4,85%, còn Nasdaq Composite vốn tập trung nhiều cổ phiếu công nghệ mất tới 6%.
Sáng ngày 4/4, thị trường tiếp tục trượt dốc khi Trung Quốc công bố áp thuế trả đũa 34% đối với hàng hóa Mỹ, nhằm đáp lại động thái trước đó từ Washington. Trong phiên, Dow Jones giảm thêm 1.130 điểm (2,8%), S&P 500 lùi 3,2%, còn Nasdaq Composite tiếp tục dẫn đầu đà giảm với mức mất 3,5%, do phần lớn các công ty công nghệ trong chỉ số này có mối liên hệ sâu rộng với thị trường Trung Quốc.
Nasdaq Composite đang trên đà rơi vào vùng thị trường giá xuống khi mức giảm đã chạm ngưỡng 20% so với đỉnh cao hồi tháng 12. Tương tự, S&P 500 cũng ghi nhận mức điều chỉnh đáng kể, mất khoảng 15% kể từ thời điểm đạt đỉnh.
Thị trường chứng khoán Mỹ từng trải qua những phiên lao dốc nghiêm trọng trong nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump. Điển hình là phiên giao dịch ngày 10/3, khi các chỉ số lớn đồng loạt giảm mạnh nhất trong vòng 18 tháng, sau phát biểu né tránh của ông Trump liên quan đến nguy cơ suy thoái kinh tế Mỹ.
Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chính thức nhậm chức vào tháng 1, thị trường chứng khoán Mỹ đã chứng kiến sự sụt giảm đáng kể. Chỉ số S&P 500 đã giảm 10%, khiến vốn hóa thị trường “bốc hơi” hơn 3.000 tỷ USD. Theo số liệu từ Bloomberg, đây là màn khởi đầu tồi tệ nhất đối với một Tổng thống Mỹ kể từ thời George W. Bush năm 2001, sau khi bong bóng dotcom tan vỡ.

Diễn biến hiện tại đang đi ngược lại với tâm lý phấn khởi ban đầu của giới đầu tư sau khi ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử. Ngay sau ngày bầu cử tại Mỹ, chỉ số S&P đã bật tăng 2,5% trong phiên giao dịch kế tiếp.
Tình hình bây giờ cũng không giống với giai đoạn đầu nhiệm kỳ trước của ông Trump, khi chỉ số S&P 500 duy trì đà tăng suốt 40 ngày đầu tiên và ghi nhận mức tăng tổng cộng 70% trong cả nhiệm kỳ. Trái lại, theo dữ liệu từ FactSet, hiện tại chỉ số này vẫn đang trong chiều hướng đi xuống.
“Chúng ta đang thấy thị trường phản ứng dữ dội ra sao trước khả năng mọi thứ có thể đảo chiều trong chớp mắt. Giới đầu tư hiện buộc phải cân nhắc đâu là yếu tố ổn định và đâu là điều còn nhiều bất định,” ông Brian Mulberry, Giám đốc Quản lý Danh mục tại Zacks Investment Management, chia sẻ với Bloomberg.

Nhiều yếu tố đang góp phần khiến thị trường chứng khoán Mỹ có diễn biến kém tích cực. Gần đây, ngày càng nhiều nhà đầu tư tin rằng nền kinh tế Mỹ đang tiến gần hơn tới nguy cơ suy thoái. Là quốc gia tiêu dùng lớn nhất thế giới, Mỹ đang đối mặt với những rủi ro từ các chính sách mới của chính quyền. Một trong những mối lo ngại lớn là việc ông Trump áp thuế nhập khẩu có thể gây xáo trộn chuỗi thương mại toàn cầu và khiến các đối tác truyền thống xa rời Washington.
Vào cuối tháng trước, Goldman Sachs đã điều chỉnh tăng khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong vòng 12 tháng tới từ 20% lên 35%, đánh dấu lần thứ hai trong vòng một tháng ngân hàng này thực hiện điều chỉnh dự báo. Chuyên gia kinh tế Brett Ryan từ Deutsche Bank cũng cho rằng “việc các quốc gia trả đũa thuế quan có thể khiến tăng trưởng GDP Mỹ sụt giảm từ 1% đến 1,5% trong năm nay một tín hiệu rõ ràng về nguy cơ suy thoái”.
“Giới đầu tư hiện đang dồn sự chú ý vào quy mô của chính sách thuế nhập khẩu sắp tới cụ thể là mức độ ảnh hưởng, thời điểm triển khai và thời gian duy trì,” ông Rob Haworth, Giám đốc Chiến lược Đầu tư tại U.S. Bank Asset Management Group, chia sẻ. Theo ông, trong nhiệm kỳ đầu tiên, các biện pháp thuế quan mà ông Trump áp dụng có phạm vi hẹp hơn và chỉ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn.
“Thị trường đang trong trạng thái suy giảm. Theo chúng tôi, sự biến động sẽ còn tiếp tục cho đến khi có thêm thông tin rõ ràng,” ông Terry Sandven chiến lược gia về cổ phiếu của cùng tổ chức đưa ra dự báo.
Một nguyên nhân khác khiến thị trường Wall Street rơi vào sắc đỏ là do sự thay đổi trong quan điểm của ông Donald Trump đối với thị trường chứng khoán. Trước đây, ông từng xem sự tăng trưởng của Wall Street là thước đo thành công của chính quyền. Thậm chí, vào tháng 1/2024, ông còn dự đoán rằng thị trường chứng khoán Mỹ sẽ sụp đổ trong nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Joe Biden.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, ông Trump khẳng định ưu tiên của ông là “xây dựng một đất nước vững mạnh”, và cho rằng “không thể chỉ quan tâm đến thị trường chứng khoán”.
“Hiển nhiên, không nhiều nhà đầu tư dự đoán được diễn biến này. Việc ông Trump bất ngờ thay đổi quan điểm đã khiến thị trường rúng động và làm dấy lên tâm lý lo ngại,” Jim Cramer nhà đầu tư kỳ cựu kiêm người dẫn chương trình nổi tiếng của CNBC nhận định. Ông cho rằng, tương tự cựu Tổng thống Joe Biden, ông Trump dường như tin rằng phần lớn nhà đầu tư chứng khoán thuộc tầng lớp giàu có và đã thu được đủ lợi nhuận.
Cramer cũng chỉ ra rằng, lần này ông Trump thể hiện sự ủng hộ rõ rệt hơn đối với các chính sách bảo hộ. Mối quan tâm của ông hiện nghiêng về việc tăng thuế nhập khẩu, thay vì tiếp tục coi thị trường chứng khoán là ưu tiên hàng đầu như trước kia.
Rob Haworth chiến lược gia cấp cao tại U.S. Bank Asset Management Group cho rằng, dựa trên những tuyên bố gần đây, “Tổng thống Trump không còn đặt trọng tâm vào thị trường chứng khoán như kỳ vọng của giới đầu tư”.
Ngay từ thời điểm vận động tranh cử, ông Trump đã khẳng định rằng chính sách tăng thuế nhập khẩu sẽ giúp đưa việc làm và sản xuất quay trở lại Mỹ, đồng thời cam kết đưa đất nước bước vào một “thời kỳ hoàng kim”. Nhưng, thực tế hiện tại cho thấy nhiều doanh nghiệp Mỹ lại đang chịu tổn thất nặng nề từ các chính sách mà ông theo đuổi.
Trong phiên giao dịch ngày 4/4, cổ phiếu ngành bán dẫn ghi nhận mức giảm mạnh nhất do làn sóng bán tháo. Marvell Technology lao dốc 9,5%, trong khi cổ phiếu Micron giảm 7,6%. Các “ông lớn” khác như AMD, Qualcomm, Broadcom, Intel và Nvidia cũng đồng loạt mất giá từ 4% đến 6%. Riêng Nvidia hiện đang đầu tư xây dựng nhiều nhà máy sản xuất chip mới tại Đài Loan, đồng thời chuỗi cung ứng của hãng vẫn phụ thuộc phần lớn vào hoạt động lắp ráp tại Mexico.
Tình trạng tương tự cũng xảy ra với nhóm cổ phiếu hàng xa xỉ và đồ thể thao, khi sắc đỏ phủ rộng. Nike mất 5%, trong khi Deckers Outdoor giảm tới 6,5%. Ralph Lauren và Capri Holdings cũng lần lượt giảm 5%. Điểm chung của các doanh nghiệp công nghệ và bán lẻ lớn là chuỗi cung ứng phần lớn vẫn đang phụ thuộc vào các thị trường châu Á, bao gồm Trung Quốc và một số nước láng giềng như Mexico.
Nhóm cổ phiếu của các doanh nghiệp công nghệ Trung Quốc đang niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ cũng không tránh khỏi xu hướng giảm mạnh. Cổ phiếu của Alibaba và JD.com đều lao dốc hơn 9%, trong khi PDD công ty mẹ của nền tảng Temu cùng với Baidu và NetEase chứng kiến mức giảm từ 5% đến 7%.
Theo dữ liệu mới được phía Mỹ công bố, hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc hiện đang phải chịu mức thuế tổng cộng lên tới 54%. Các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á cũng bị ảnh hưởng, với Việt Nam bị áp mức thuế 46%, Campuchia 49%, và Indonesia 32%.
Đầu tháng này, một loạt tổ chức nghiên cứu lớn như Goldman Sachs Group, Societe Generale và Yardeni Research đã đồng loạt điều chỉnh giảm dự báo cho chỉ số S&P 500 trong năm nay. Đáng chú ý, Goldman và Yardeni đã hạ dự báo lần thứ hai chỉ trong vòng chưa đầy một tháng.
Theo cập nhật mới nhất, Yardeni đưa ra dự báo S&P 500 sẽ kết thúc năm ở mốc 6.000 điểm, giảm so với con số 6.400 được đưa ra trước đó. Goldman Sachs cũng điều chỉnh kỳ vọng từ 6.200 xuống còn 5.700 điểm. Trong khi đó, Societe Generale hạ mục tiêu từ 6.750 điểm xuống 6.400. David Kostin – trưởng bộ phận nghiên cứu tại Goldman Sachs lý giải rằng chính sách thuế nhập khẩu của ông Trump đang tỏ ra nghiêm trọng hơn so với những gì họ đã tính toán ban đầu.
Tuy nhiên, ngay cả sau khi điều chỉnh giảm, các dự báo vẫn cho thấy chỉ số S&P 500 sẽ tăng trong năm nay. Chỉ số này mở đầu năm ở ngưỡng khoảng 5.800 điểm.
Các chuyên gia tại Societe Generale cho rằng, “niềm tin của thị trường có khả năng sẽ được khôi phục vào thời điểm cuối năm. Trong quý II, S&P 500 có thể tiếp tục đi lên, nếu các diễn biến hiện tại tương tự những gì đã xảy ra trong cuộc chiến thương mại năm 2018”.