Vài giờ sau khi Mỹ ban hành thuế đối với nhôm và thép, Liên minh châu Âu (EU) đã có động thái đáp trả bằng việc áp thuế lên số hàng hóa trị giá 26 tỷ euro (28 tỷ USD) từ Mỹ.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), bà Ursula von der Leyen, trong thông báo ngày 12/3 cho biết: “Liên minh châu Âu cần hành động để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp của mình. Các biện pháp đáp trả mà chúng tôi đưa ra tuy cứng rắn nhưng phù hợp. Mỹ đã áp thuế lên 28 tỷ USD hàng hóa châu Âu, và chúng tôi cũng sẽ đáp trả bằng việc áp thuế lên lượng hàng hóa Mỹ trị giá 26 tỷ euro.”
Trước đó, từ 0h ngày 12/3 (theo giờ Mỹ), mức thuế nhập khẩu 25% đối với nhôm và thép nhập vào Mỹ đã chính thức có hiệu lực, áp dụng cho tất cả các đối tác thương mại của nước này.
Để đáp trả, Liên minh châu Âu triển khai chính sách phản ứng gồm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu bắt đầu từ ngày 1/4 và giai đoạn hai từ ngày 13/4.
Cụ thể, từ ngày 1/4, Liên minh châu Âu (EU) sẽ tái áp thuế đối với khoảng 8 tỷ euro hàng hóa từ Mỹ, vốn đang được tạm ngừng thuế quan.
Trước đó, trong nhiệm kỳ đầu của cựu Tổng thống Donald Trump, sau khi Mỹ áp thuế đối với nhôm và thép nhập khẩu, EU đã có động thái đáp trả bằng các biện pháp thuế quan tương ứng. Đến năm 2021, hai bên đạt được thỏa thuận trong đó Mỹ dỡ bỏ một phần thuế, còn EU đình chỉ các biện pháp trả đũa cho đến nay.
Trong giai đoạn hai, EU sẽ tiếp tục áp thuế bổ sung đối với lượng hàng hóa trị giá 18 tỷ euro từ Mỹ. Danh mục các sản phẩm bị ảnh hưởng bao gồm mặt hàng nông nghiệp và công nghiệp như nhôm, thép, dệt may, nhựa, thịt gia cầm, thịt bò, trứng, các sản phẩm từ sữa, đường, rau củ và đồ gia dụng.
Dù vậy, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen khẳng định EU vẫn sẵn sàng tham gia “các cuộc đối thoại có ý nghĩa”. Bà cũng đã giao cho Ủy viên Thương mại Maros Sefcovic nhiệm vụ khôi phục các cuộc đàm phán với Mỹ.
Ngoài châu Âu, một số quốc gia xuất khẩu nhôm và thép sang Mỹ cũng đã lên tiếng phản ứng trước động thái của nền kinh tế lớn nhất thế giới. Ngày 12/3, Bộ trưởng Thương mại Anh Jonathan Reynolds bày tỏ sự “thất vọng” với quyết định của Washington. Ông cho biết Anh hiện đang đàm phán một thỏa thuận thương mại quy mô lớn với Mỹ nhằm giảm bớt các loại thuế nhập khẩu.
Bộ trưởng Thương mại Hàn Quốc Cheong In-kyo dự kiến sẽ tới Washington trong tuần này để tìm cách “giảm thiểu tối đa” tác động từ chính sách thuế của Mỹ đối với nền kinh tế Hàn Quốc. Năm 2024, Hàn Quốc là nhà cung cấp nhôm và thép lớn thứ tư cho thị trường Mỹ tính theo sản lượng.
Bộ trưởng Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên đã đến Mỹ để thảo luận các biện pháp nhằm cân bằng thương mại giữa hai nước. Năm 2024, Việt Nam nằm trong nhóm 5 quốc gia cung cấp thép lớn nhất cho thị trường Mỹ.