Theo giới phân tích, cuộc điện đàm giữa ông Trump và ông Tập chỉ giúp hạ nhiệt căng thẳng trong ngắn hạn, bởi Mỹ và Trung Quốc vẫn tồn tại nhiều bất đồng mang tính chiến lược.
Ngày 5/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành cuộc điện đàm được kỳ vọng từ trước. Trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump gọi đây là “cuộc gọi tích cực”, mang lại “kết quả rất tốt đẹp cho cả hai bên”. Nội dung trao đổi chủ yếu liên quan đến lĩnh vực thương mại.
Tổng thống Mỹ cho biết các phái đoàn của Mỹ và Trung Quốc sẽ sớm tiến hành gặp gỡ để đàm phán, đồng thời khẳng định rằng “không nên có bất kỳ nghi ngờ nào” liên quan đến vấn đề đất hiếm. Phía Mỹ sẽ cử các quan chức cấp cao tham dự, bao gồm Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent, Bộ trưởng Thương mại Howard Lutnick và Đại diện Thương mại Jamieson Greer.
Chủ tịch Tập Cận Bình cũng nhấn mạnh với Tổng thống Trump rằng hai bên cần “điều chỉnh quỹ đạo” quan hệ song phương. Ông cho rằng: “Đưa con tàu quan hệ Trung – Mỹ trở lại đúng hướng đòi hỏi sự dẫn dắt và định hướng chính xác, nhất là trong việc loại bỏ các yếu tố gây nhiễu loạn hay phá hoại, điều này hết sức quan trọng”.
Cuộc điện đàm diễn ra trong bối cảnh các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc rơi vào trạng thái đình trệ kể từ sau thỏa thuận giảm thuế đạt được tại Geneva vào đầu tháng 5. Theo thỏa thuận này, trong vòng 90 ngày, mức thuế nhập khẩu mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc sẽ giảm từ 145% xuống còn 30%, trong khi Trung Quốc cũng hạ thuế đối với hàng hóa Mỹ từ 125% xuống 10%. Ngoài ra, các rào cản phi thuế quan sẽ được dỡ bỏ.
Tuy nhiên, chỉ sau vài tuần, cả Mỹ và Trung Quốc đều cáo buộc đối phương vi phạm cam kết. Phía Mỹ cho rằng Trung Quốc chưa thực hiện việc đẩy nhanh xuất khẩu các khoáng sản thiết yếu phục vụ ngành công nghệ điện tử tiên tiến. Ngược lại, Trung Quốc tố cáo Mỹ áp dụng nhiều biện pháp bất lợi, bao gồm ban hành quy định kiểm soát xuất khẩu chip AI, ngừng cung cấp phần mềm thiết kế tự động (EDA) cho Trung Quốc, và tuyên bố sẽ hủy thị thực của sinh viên Trung Quốc.
Bessent cho rằng chỉ khi hai nhà lãnh đạo trực tiếp trao đổi, những bất đồng mới có cơ hội được tháo gỡ và tiến trình đàm phán mới có thể nối lại.
Do đó, giới phân tích đánh giá cuộc điện đàm giữa nguyên thủ hai nền kinh tế hàng đầu thế giới có thể tạo ra hiệu ứng tích cực trong ngắn hạn, giúp giảm nguy cơ thuế nhập khẩu quay về mức cao như trước đây. Dù vậy, các chuyên gia địa chính trị vẫn cảnh báo rằng diễn biến này khó có thể xóa bỏ đáng kể mức độ bất ổn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt.
Thị trường chứng khoán Mỹ khởi đầu phiên 5/6 với sắc xanh nhờ kỳ vọng từ cuộc điện đàm giữa lãnh đạo hai nước, nhưng đà tăng nhanh chóng thu hẹp. Kết phiên, S&P 500 mất 0,5% và Dow Jones giảm 0,2%.
“Xét về ngắn hạn, ông Trump có thể thay đổi các quyết định nhất thời. Nhưng, điều đó không cải thiện tình hình kinh tế hay hỗ trợ doanh nghiệp, vì sự bất định vẫn khiến tăng trưởng suy yếu. Tâm lý này hiện đang được phản ánh vào diễn biến thị trường,” ông Stephen Myrow Giám đốc Beacon Policy Advisors chia sẻ trên Barron’s.
Craig Singleton Giám đốc cấp cao Chương trình Trung Quốc thuộc tổ chức Foundation for Defense of Democracies cho rằng cuộc điện đàm chỉ có tác dụng ngăn căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang, chứ không thể giải quyết những mâu thuẫn mang tính cốt lõi trong quan hệ giữa hai nước.
Ông cảnh báo rằng sự im ắng hiện tại có thể sớm bị phá vỡ, khi Nhà Trắng vẫn đang xem xét các biện pháp trừng phạt mới. Nếu Mỹ tăng cường gây sức ép, Trung Quốc cũng sẽ không ngần ngại đáp trả. “Chỉ cần thêm một động thái cạnh tranh, căng thẳng sẽ lập tức gia tăng trở lại,” ông nói với AP.
Gabriel Wildau – Giám đốc điều hành hãng tư vấn Teneo cũng chia sẻ quan điểm tương tự. Ông nhận định rằng cuộc điện đàm giúp ngăn nguy cơ đàm phán thương mại đổ vỡ, nhưng không mang lại bước tiến rõ ràng nào đối với những vấn đề then chốt.
Ngoài ra, cách hai bên công bố nội dung cuộc trao đổi càng làm dấy lên hoài nghi về tiến triển thực sự trong quan hệ song phương. Theo nhận định của SCMP, ông Trump thể hiện thái độ khá lạc quan, trong khi phía Trung Quốc lại tỏ ra thận trọng hơn.
Trung Quốc cho biết ông Trump là người chủ động gọi điện và khẳng định Bắc Kinh đang thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các cam kết trong thỏa thuận. Trung Quốc kêu gọi Mỹ công nhận những tiến bộ đã đạt được và sớm gỡ bỏ các biện pháp gây bất lợi nhằm vào nước này, theo thông cáo về nội dung cuộc điện đàm.
Trong khi đó, ông Trump mô tả cuộc gọi và quan hệ với Chủ tịch Tập Cận Bình là tích cực, đồng thời nhấn mạnh sinh viên Trung Quốc được chào đón tại Mỹ. Ông cũng thừa nhận rằng vấn đề đất hiếm là một thách thức phức tạp.
“Tôi cho rằng chúng ta đang ở một vị thế rất thuận lợi trong quan hệ với Trung Quốc cũng như với thỏa thuận thương mại. Hiện hai bên chỉ đang làm rõ một số vấn đề liên quan đến đất hiếm và nam châm đất hiếm. Thỏa thuận đã được thiết lập, và chúng tôi chỉ muốn đảm bảo tất cả các bên đều hiểu rõ nội dung đó,” ông Trump phát biểu trước truyền thông ngày 5/6.
Tuy nhiên, quá trình thực thi thỏa thuận không hề đơn giản. “Việc rút lại thuế dễ hơn nhiều so với nới lỏng kiểm soát xuất khẩu. Việc nối lại hoạt động bán chip cũng đơn giản hơn so với việc giảm thuế,” ông Myrow nhận xét. Ông cho biết các biện pháp nhằm hạn chế Trung Quốc tiếp cận công nghệ Mỹ nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn so với chính sách áp thuế thương mại.
“Các điểm nghẽn trong chuỗi cung ứng chiến lược chính là vấn đề trọng tâm. Thực tế, hai bên vẫn còn nhiều bất đồng sâu sắc. Nhiều người trong chính quyền Trump đã mắc sai lầm khi cho rằng Mỹ hoàn toàn vượt trội về kinh tế và đánh giá thấp khả năng chịu đựng của Trung Quốc,” ông Myrow nhận xét.
Ngay cả khi đàm phán được khởi động lại, ông Trump vẫn sẽ theo đuổi mục tiêu giảm lệ thuộc vào sản xuất tại Trung Quốc và khôi phục ngành công nghiệp Mỹ. Trong khi đó, Bắc Kinh sẽ tiếp tục thúc đẩy các công nghệ trọng điểm như xe điện và AI, nhằm bảo đảm tăng trưởng kinh tế lâu dài.
Đa số chuyên gia cho rằng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu sẽ tiếp tục là trọng tâm trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Michael Hirson – Giám đốc nghiên cứu Trung Quốc tại 22V Research – cho biết ông đang theo sát khả năng Washington có cam kết nào liên quan đến việc duy trì hoặc điều chỉnh các hạn chế công nghệ trong tương lai. Nhiều chuyên gia an ninh tại Mỹ hiện đang kêu gọi tăng cường kiểm soát nhằm củng cố lợi thế của Mỹ trong cuộc cạnh tranh AI với các đối thủ như DeepSeek và Huawei.
Giới đầu tư và doanh nghiệp hiện đang dõi theo cuộc gặp tiếp theo giữa các quan chức cấp cao của hai nước, song có thể sẽ phải điều chỉnh kỳ vọng. “Khoảng cách giữa hai bên hiện vẫn rất lớn, trong khi lập trường đã hình thành từ lâu. Quá trình này sẽ cần nhiều thời gian để thu hẹp khác biệt,” ông Everett Eissenstat, cựu Phó Giám đốc Hội đồng Kinh tế Quốc gia dưới thời Tổng thống Trump – nhận định.
Lịch sử cũng cho thấy khả năng đạt được một thỏa thuận toàn diện có thể còn rất xa. Trong nhiệm kỳ đầu của ông Trump, cuộc chiến thương mại với Trung Quốc bắt đầu từ tháng 7/2018. Mặc dù hai bên đã nhiều lần đạt được thỏa thuận tạm thời nhằm ngừng áp thuế sau các vòng đàm phán, căng thẳng vẫn liên tục leo thang. Cuộc đối đầu thuế quan chỉ hạ nhiệt khi hai nước ký Thỏa thuận Giai đoạn Một vào tháng 1/2020.