Tiêu dùng suy yếu tại Trung Quốc, áp lực cạnh tranh nội địa gay gắt cùng với thuế nhập khẩu từ Mỹ đã kéo lợi nhuận của PDD Holdings giảm đáng kể.
Ngày 27/5, PDD Holdings công ty mẹ của nền tảng Temu công bố lợi nhuận ròng quý I giảm 47% so với cùng kỳ năm ngoái, còn 14,74 tỷ nhân dân tệ (tương đương 2 tỷ USD). Doanh nghiệp hiện đang đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt tại thị trường nội địa và bối cảnh thương mại quốc tế đầy biến động.
Chuyên gia phân tích Vinci Zhang từ Mscience cho rằng lợi nhuận giảm chủ yếu do biên lợi nhuận hoạt động thấp hơn đáng kể so với dự báo, nhiều khả năng bị tác động bởi thuế nhập khẩu của Mỹ.
Trong quý I, PDD đạt doanh thu 95,67 tỷ nhân dân tệ (tương đương 13,30 tỷ USD), thấp hơn mức kỳ vọng 102,51 tỷ nhân dân tệ theo khảo sát trước đó của công ty dịch vụ tài chính LSEG.
Dù các nhà bán lẻ đã tung ra nhiều chương trình giảm giá sâu và chính phủ triển khai loạt biện pháp kích thích tiêu dùng, đà phục hồi chi tiêu tại Trung Quốc vẫn bị kìm hãm bởi cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài, kể cả trên các nền tảng như PDD – nơi vốn tập trung vào phân khúc hàng giá rẻ.
Theo ông Bo Pei, chuyên gia phân tích tại U.S. Tiger Securities, tiêu dùng trong nước đang chững lại, cạnh tranh ngày càng gay gắt, cùng với căng thẳng thương mại toàn cầu đang tạo áp lực lên đà tăng trưởng. Chi phí vận hành của PDD gia tăng do đẩy mạnh các hoạt động tiếp thị và khuyến mãi nhằm hỗ trợ doanh số cho người bán. Mặc dù chiến lược này hướng tới mục tiêu dài hạn là duy trì hệ sinh thái nền tảng, nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận trong ngắn hạn.
Ba “ông lớn” thương mại điện tử tại Trung Quốc Alibaba, Pinduoduo và JD.com hiện đang bước vào cuộc cạnh tranh quyết liệt để giành giật thị phần trong nước, với cuộc chiến giá cả được khơi mào nhằm thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng.
Trong quý I, doanh thu của Alibaba không đạt mức kỳ vọng của thị trường. Ngược lại, JD.com ghi nhận kết quả vượt dự báo, được hỗ trợ bởi chương trình đổi cũ lấy mới do chính phủ triển khai, tập trung vào các sản phẩm chủ lực như thiết bị điện tử và đồ gia dụng.
Trong bối cảnh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc liên tục biến động gần đây, hoạt động toàn cầu của Temu đang gặp không ít trở ngại. “Những thay đổi đáng kể trong chính sách thương mại, đặc biệt là thuế nhập khẩu, đang tạo áp lực lớn lên các nhà bán hàng của chúng tôi”, ông Chen Lei Chủ tịch kiêm đồng CEO của PDD chia sẻ với nhà đầu tư ngày 27/5.
Ngoài ra, quy định “de minimis” cơ chế cho phép miễn thuế và thủ tục hải quan đối với hàng hóa nhập khẩu có giá trị thấp vào Mỹ hiện đã bị loại bỏ. Trước đây, đây là một trong những quy định mà Temu, Shein và nhiều nền tảng thương mại điện tử khác tận dụng để bán hàng giá rẻ vào thị trường Mỹ.
“Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với các nhà bán hàng ở nhiều khu vực để duy trì nguồn cung ổn định và đảm bảo giá cả cạnh tranh tại các thị trường”, ông Chen cho biết. Ông cũng cho rằng Temu không có ý định tăng giá do tác động từ thuế nhập khẩu, đồng thời đang triển khai chiến lược trao quyền cho các tiểu thương địa phương tự quản lý nhiều đơn hàng hơn.