Sự lo ngại trên Phố Wall đã thúc đẩy các nhà đầu tư chuyển hướng sang cổ phiếu Trung Quốc, góp phần giúp thị trường chứng khoán nước này khởi sắc trở lại, theo Reuters.
Kể từ khi ông Trump nhậm chức vào tháng 1, chỉ số Hang Seng – nơi quy tụ nhiều tập đoàn lớn của Trung Quốc đã tăng 17%. Ngược lại, chỉ số S&P 500 của Mỹ lại giảm khoảng 9%, kéo theo việc thị trường chứng khoán Mỹ mất khoảng 4.000 tỷ USD vốn hóa so với mức đỉnh gần nhất.
Diễn biến trái ngược này cho thấy sự thay đổi đáng kể trên thị trường tài chính. Kể từ năm 2021, chứng khoán Mỹ thường vượt trội hơn phần lớn các thị trường khác trên thế giới. Với việc giá cổ phiếu liên tục thiết lập các kỷ lục mới, thị trường Mỹ khi đó được xem là “lựa chọn hàng đầu”, theo The Economist. Tuy nhiên, niềm tin của nhà đầu tư vào sự vượt trội của Phố Wall đang bị lung lay trước những dấu hiệu suy giảm tăng trưởng kinh tế và chính sách bảo hộ thiếu ổn định từ Tổng thống Donald Trump.
Cuối tuần qua, Tổng thống Donald Trump không bác bỏ khả năng suy thoái kinh tế tại Mỹ, làm dấy lên lo ngại trên thị trường tài chính. Dù Phố Wall rơi vào tình trạng bất ổn, ông Trump vẫn tỏ ra bình thản và nhiều lần khẳng định rằng “thuế quan sẽ giúp nước Mỹ thịnh vượng”.
Trong khi đó, Trung Quốc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang đẩy mạnh các biện pháp kích thích kinh tế và hỗ trợ thị trường. Hồi tháng 2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc gặp với các lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân, được giới đầu tư đánh giá là tín hiệu tích cực. “Trung Quốc giờ đây đang thể hiện sự chín chắn và có trách nhiệm hơn”, ông Dong Chen, Chiến lược gia trưởng khu vực châu Á tại Pictet Wealth Management, nhận xét.
Andy Wong, Giám đốc cấp cao tại Pictet Asset Management (Hong Kong), cho biết các nhà đầu tư đã chuyển từ niềm tin vào TINA (There Is No Alternative – Không có lựa chọn nào khác ngoài tài sản Mỹ) sang TIARA (There Is A Real Alternative – Có một lựa chọn thay thế thực sự).
Trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng kinh tế kém lạc quan và chính sách bảo hộ thiếu ổn định từ Tổng thống Donald Trump, giới đầu tư ngày càng tỏ ra thận trọng hơn với các cổ phiếu Mỹ có hệ số P/E cao. Điều này đặc biệt rõ ràng khi so sánh với các doanh nghiệp niêm yết tại những thị trường khác nơi có mức định giá thấp hơn và được xem là hấp dẫn hơn.
Trước đây, nhà đầu tư chấp nhận mức P/E cao nhờ kỳ vọng vào biên lợi nhuận hấp dẫn và tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, hiện tại, việc định giá cổ phiếu đã lên quá cao lại trở thành yếu tố khiến thị trường dễ bị tác động trước bất kỳ tín hiệu bất ổn nào.
Vì thế, nhiều nhà đầu tư đã rời đi, tìm kiếm các lựa chọn được xem là an toàn và giàu tiềm năng hơn, chẳng hạn như cổ phiếu tại Trung Quốc đại lục và Hong Kong. Theo dữ liệu từ Morgan Stanley, các quỹ đầu tư nước ngoài đã rót 3,8 tỷ USD vào cổ phiếu Trung Quốc trong tháng 2, đánh dấu sự đảo chiều sau ba tháng liên tục rút vốn trước đó.

Kamal Bhatia, CEO của Principal Asset Management tại New York, nhận định rằng các nhà đầu tư dài hạn luôn ưu tiên sự ổn định. Trong khi đó, Reuters cho rằng những động thái từ Tổng thống Donald Trump đang phần nào giúp cổ phiếu Trung Quốc khởi sắc trở lại, được ví như phiên bản phỏng theo khẩu hiệu “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại” của ông Trump.
Một trong những lý do khiến nhiều nhà đầu tư chuyển hướng sang thị trường chứng khoán Trung Quốc là do mức định giá cổ phiếu tại đây hấp dẫn hơn đáng kể. Theo dữ liệu từ LSEG, chỉ số Hang Seng hiện được giao dịch ở mức giá gấp 7 lần lợi nhuận dự kiến trong 12 tháng tới, trong khi con số này đối với chỉ số S&P 500 của Mỹ lên tới 20 lần. So với mức đỉnh vào năm 2021, giá cổ phiếu Trung Quốc hiện đã giảm khoảng 30%.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc đã tăng tới 29% kể từ đầu năm đến nay, chủ yếu nhờ sự khởi sắc của các cổ phiếu công nghệ. Wong bày tỏ đặc biệt lạc quan với các mã cổ phiếu thuộc lĩnh vực công nghệ, quốc phòng và các doanh nghiệp tập trung vào người tiêu dùng.
Giới đầu tư nhận thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ sau khi DeepSeek, một startup trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), gây chú ý với màn ra mắt mô hình R1. Ngoài ra, kỳ vọng về việc chính phủ Trung Quốc triển khai các biện pháp kích thích tài khóa nhằm thúc đẩy tiêu dùng vốn được xem là điểm yếu kéo dài của nền kinh tế cũng đang góp phần củng cố tâm lý tích cực trên thị trường.
Leo Gao, Quản lý danh mục đầu tư cấp cao tại Greenwoods Asset Management, cho biết ông đã rút toàn bộ vốn khỏi cổ phiếu Mỹ vào đầu tháng 2, ngay sau khi DeepSeek ra mắt mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) mới. Trong một buổi họp với nhà đầu tư vào tháng 3, Gao bày tỏ quan điểm đặc biệt lạc quan về các công ty công nghệ Trung Quốc cũng như các doanh nghiệp tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu tiêu dùng đang thay đổi nhanh chóng.
Dù vậy, thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng không hẳn là điểm đến lý tưởng tuyệt đối. Theo Reuters, việc cổ phiếu nước này được định giá thấp có nguyên nhân của nó. Trước đây, không ít nhà đầu tư đã chịu tổn thất nặng nề khi các tập đoàn công nghệ lớn bị siết chặt quy định. Bên cạnh đó, những lo ngại kéo dài liên quan đến tính minh bạch trong báo cáo tài chính của các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn chưa hoàn toàn được xóa bỏ.
Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Trung Quốc vẫn đối mặt với nhiều lo ngại liên quan đến lĩnh vực bất động sản và sức khỏe nền kinh tế. Nền kinh tế nước này đang chịu áp lực từ tình trạng giảm phát cùng nguy cơ căng thẳng thương mại với Mỹ có thể tái bùng phát. Một số quan ngại đã xuất hiện trở lại vào ngày 9/3, khi dữ liệu cho thấy giá tiêu dùng sụt giảm trong hai tháng đầu năm.
Theo ông Dong Chen, nhiều nhà đầu tư vẫn mang ký ức không mấy tích cực về cổ phiếu Trung Quốc. “Trước đây, không ít người từng cho rằng thị trường Trung Quốc không phải là điểm đến đầu tư hấp dẫn, nên tâm lý lo ngại về giảm phát đến nay vẫn chưa hoàn toàn được xua tan”, ông nói.
Tạp chí The Economist cảnh báo rằng điều đáng lo ngại là đợt tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường chứng khoán Trung Quốc hiện nay chủ yếu được thúc đẩy bởi tâm lý hưng phấn xoay quanh trí tuệ nhân tạo (AI). Sự bùng nổ này diễn ra sau khi các mô hình AI do DeepSeek phát triển thu hút sự chú ý trên toàn cầu.
Chỉ số Hang Seng Tech, bao gồm một số tập đoàn công nghệ lớn nhất Trung Quốc, đã tăng hơn 40% khi giới đầu tư đổ xô vào các cổ phiếu liên quan đến AI. Đợt tăng trưởng này gợi nhớ đến cơn sốt AI tại Mỹ vào năm ngoái, khi nhiều cổ phiếu công nghệ sau đó đã lao dốc đáng kể.
Ông Bhatia cho hay, khách hàng của ông ngày càng chú trọng đến các chiến lược phân bổ tài sản mang tính chiến thuật, tức là tận dụng các xu hướng thị trường và biến động kinh tế để đưa ra quyết định đầu tư ngắn hạn.
Lilian Haag, Giám đốc danh mục đầu tư cấp cao tại DWS, nhận định: “Diễn biến trong mười ngày qua đã cho thấy rõ rằng việc áp dụng chiến lược phân bổ tài sản đa khu vực là một quyết định sáng suốt.”