Vào ngày 18/3, Alphabet thông báo sẽ mua lại startup an ninh mạng Wiz với giá trị 32 tỷ USD, đánh dấu thương vụ lớn nhất trong lịch sử hoạt động của tập đoàn.
Thương vụ này sẽ được Alphabet thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt, thể hiện khoản đầu tư lớn của tập đoàn vào lĩnh vực an ninh mạng trong bối cảnh trí tuệ nhân tạo (AI) đang phát triển mạnh mẽ.
Thỏa thuận với Wiz cũng dễ dàng vượt qua kỷ lục thương vụ M&A trước đây của Alphabet. Vào năm 2012, công ty đã chi 12,5 tỷ USD để mua lại Motorola Mobility, song sau đó buộc phải bán lỗ.
Trước đó, vào tháng 7/2024, Wiz từng đàm phán bán lại cho Alphabet với mức giá 23 tỷ USD. Tuy nhiên, thương vụ này không thành công, và Wiz sau đó tuyên bố sẽ tập trung vào kế hoạch phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO).
Wiz được thành lập tại Israel vào năm 2020 và hiện có trụ sở chính tại New York. Công ty chuyên cung cấp các giải pháp an ninh mạng với khả năng phát hiện mối đe dọa theo thời gian thực, tích hợp công nghệ AI. Trong vài năm trở lại đây, Wiz đã ghi nhận tốc độ tăng trưởng.
“Wiz đã đạt được nhiều thành tựu trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, lĩnh vực an ninh mạng đang thay đổi rất nhanh và chúng tôi cũng cần thích ứng theo. Đã đến lúc phải hành động,” đồng sáng lập kiêm CEO của Wiz, ông Assaf Rappaport, chia sẻ trên nền tảng mạng xã hội của công ty.
Theo thông tin trên trang web của công ty, Wiz hiện đang phục vụ hàng chục khách hàng thuộc top 100 doanh nghiệp có doanh thu lớn nhất nước Mỹ, bao gồm Microsoft, Amazon và Morgan Stanley. Trong vòng gọi vốn gần nhất diễn ra vào giữa năm ngoái, công ty đã huy động được 1 tỷ USD, với mức định giá đạt 12 tỷ USD. Doanh thu của Wiz trong nửa đầu năm 2024 ước tính vào khoảng 500 triệu USD.
Thương vụ giữa Alphabet và Wiz vẫn cần sự phê duyệt từ cơ quan quản lý. Dù vậy, các chuyên gia phân tích vẫn kỳ vọng đây sẽ là bước khởi đầu cho sự phục hồi của hoạt động mua bán và sáp nhập (M&A) tại Mỹ, vốn đã trầm lắng trong vài tháng qua do biến động thị trường tài chính và niềm tin kinh doanh suy giảm.
Trước đó, dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden, các cơ quan quản lý đã thắt chặt việc giám sát các tập đoàn công nghệ lớn nhằm ngăn chặn những công ty này mở rộng sức ảnh hưởng thông qua các thương vụ M&A.